Tắt Quảng Cáo [X]

Chuyện vui nhà Đạo ngày Cá tháng tư

10:43 31/03/2022
hoc du

Ngày cá tháng Tư, nhằm ngày 1 tháng 4 dương lịch hàng năm, còn gọi là ngày nói đùa, ngày nói dối, là ngày hội vui vẻ, hấp dẫn đối với những người tinh nghịch và hài hước, là ngày mà theo phong tục cũ tại một số quốc gia, bạn bè thường hay bày trò đùa giỡn nhau.

Cá tháng tư dù không phải là ngày nghỉ lễ chính thức nhưng vẫn là phong tục truyền thống tại nhiều quốc gia kỷ niệm hàng năm vào đúng ngày 1 tháng 4, bằng cách tung nhiều tin đồn hoặc nói xạo, nói đùa vô hại về rất nhiều chủ đề khác nhau nhằm tạo niềm vui hay trêu chọc ai đó.

Những tin giả như thế thường được tung ra trong cả ngày 1 tháng 4 ở hầu hết các quốc gia như Hoa Kỳ, Pháp, Ireland,Anh, Canada, Úc, New Zealand…..

Ghi nhận sớm nhất về ngày đùa tháng tư có thể tìm thấy trong tập The Canterbury Tales của nhà thơ Geoffrey Chaucer(1392).

CHUYỆN NHÀ XỨ

Trong cuộc sống, khi người ta còn đùa vui với nhau tức là người ta còn gắn bó và xem nhau như người thân thích. Có thân thì mới thích. Vui đùa là tìm thấy và tỏ lộ niềm vui cùng với tình yêu nơi người thân cận. Về khoản đùa vui, tôi rất khâm phục cha sở.

Chuyện kể rằng: Vào ngày Cá tháng Tư nọ (ngày 01 tháng 4). Trong buổi ăn sáng. Cha sở nói với cha phó:

– Tôi nghe nói cha bố của cha vừa mới trúng số đó! Hình như là độc đắc thì phải. Cha phó gọi điện mà chúc mừng đi!

Cha phó vui vẻ mà quên đề phòng.

– Alô! Con chào bố! Con chúc mừng bố nhé!

– Chào con! Chúc mừng chuyện gì thế?

– Bố mới trúng số độc đắc đó!

– Ủa? Trúng hồi nào? Con nghe ai nói vậy?

– Dạ! Có lẽ người ta nghe nhầm ạ! Con chào bố ạ!

Cha sở cười giòn như bánh đa mới nướng. Lúc này cha phó mới giật mình và nghiệm ra là mình vừa mới bị “câu”. Mặt cha cười nhưng không được tươi. Nhưng ông bà ta có câu: “Cười người hôm trước hôm sau người cười”. Sau bữa trưa như mọi ngày, cha sở đi vào phòng nghỉ trưa. Cha phó đi dạo ngoài sân thì nhìn thấy một anh đang phơi lúa. Ý tưởng đến trong đầu.

– Chào anh Huy, lúa má thế nào? Có trúng không anh?

– Dạ con chào cha! Năm nay lúa cũng được được cha ạ!

– Ô! thế thì tốt rồi! Anh Huy này, Cha sở muốn gặp anh đó!

– Vậy hả cha?

– Ừ! Anh vào gặp ngài xem sao. Giờ này thì ngài đang đọc kinh. Khoảng 15 phút nữa anh vào gặp nghen! Nhớ nhấn chuông đàng hoàng nhé!

– Dạ! Con cảm ơn cha.

Cha phó từ từ bước về phòng của mình. Trên miệng nở một nụ cười thật lạ. 15 phút sau. Đây là lúc ngủ ngon nhất của buổi trưa.

– Reng..eng.eng…eng….Reng..eng.eng…eng…!

– Ai đấy? Anh Huy hả?

– Dạ! Con chào cha!

– Anh gặp tôi có chuyện gì không?

– Dạ, cha phó nói cha muốn gặp con.

– Ờ, Thế à? Không có chuyện gì hết đâu? Cha phó chọc anh đó! Hôm nay là ngày nói dóc đấy! Anh đi làm việc của anh đi.

– Dạ, con xin phép cha con đi.

Cha sở vừa đóng cửa phòng vừa lầm bẩm: “Hòn đất ném đi hòn chì ném lại”. Tỉ số là 1-1 mình lãnh cục chì.

Chuyện tưởng chừng như đã kết thúc tại đó. Ba tuần sau cha sở bàn với cha phó chuẩn bị tâm hồn cho giáo dân bước vào Tuần Thánh. Cha đề nghị cha phó ngồi tòa giải tội tiếp. Không cần mời cha khách.

Cha phó hoàn toàn đồng ý. Đến ngày đã định. Cha sở ra nhà thờ sớm để thông báo chương trình giải tội.

Trước khi kết thúc, ngài còn dặn dò: “Có hai tòa giải tội. Ai xưng tội trọng và lâu năm thì vào nhà xứ. Còn ai tội nhẹ thì xưng trong nhà thờ”. Thông báo xong, cha sở gặp cha phó và nhờ cha phó ngồi tòa trong nhà thờ.

Cha phó đâu hay biết gì về thông tin quan trọng kia. Ngài vào tòa giải tội để làm nghĩa vụ cao cả của một người mục tử. Ngồi mấy tiếng đồng hồ mà chưa hết người.

Cha phó nhìn ra thì thấy một hàng dài biết bao là tội nhân đang rồng rắn đợi ở tòa của cha. Đưa mắt nhìn về phía nhà xứ thì chẳng còn thấy ai. Lúc sau thì thấy bóng dáng cha sở đi ra ngoài vườn. Một mình cha phó ôm sô.

Cha phó cảm nhận được sự thâm thúy của cha sở. Đúng thật là “gừng càng già càng cay”. Ở trong nhà xứ là vậy.


Nguồn: Giáo Xứ Châu Sơn

 

Bạn có thể quan tâm

lên đầu trang