Tôi nhớ khoảng năm 1990 khi tôi về Quy Nhơn để dự lễ phong chức cho một người bạn, bây giờ người đó là Giám Mục Quy Nhơn, Đức Cha Mátthêô Nguyễn Văn Khôi, cha Gioan Phêrô Võ Tá Khánh đã làm một bài phỏng vấn được ghi băng để tặng cho cha mới.
Cha Võ Tá Khánh hỏi tôi: "Cha Đông làm Linh Mục bao nhiêu năm rồi? Cha có bao giờ hối hận vì cha đã làm Linh Mục không?"
Tôi đã trả lời: "Tôi chưa bao giờ hối hận vì tôi đã là Linh Mục của Chúa Giêsu, nhưng tôi có hối hận một điều là tôi đã làm Linh Mục chưa xứng đáng."
Có một lần tôi về Buôn Ma Thuột dự lễ mừng 25 năm Linh Mục của cha Augustinô Hoàng Đức Toàn. Đầu Thánh Lễ, ngài chia sẻ một câu mà tôi rất tâm đắc: "Hôm nay con dâng lễ tạ ơn Chúa vì Chúa đã kêu gọi con làm Linh Mục được 25 năm, và con cũng xin tạ tội với Chúa vì những thiếu sót của đời con trong 25 năm làm Linh Mục."
Tôi cũng thế, tôi luôn luôn cảm ơn Chúa vì Chúa đã thương cho tôi làm Linh Mục của Ngài. Khi tôi chịu chức Sáu thì lớp tôi (lớp học ở Dòng Phanxicô) chỉ có một mình tôi làm Linh Mục, có một người bạn của tôi tới dự lễ, nói với tôi: "Lớp mình chỉ còn có một mình mày, thôi mày ráng mày tu chớ mày ra nữa là không còn đứa nào..."
Tôi không đồng ý chữ "ráng" đó, tôi mới nói với người bạn: "Đi tu mà ráng? Ráng cả đời làm sao mà ráng được chớ? Vợ mày nó đẻ, mày nói em ráng một chút. ráng một chút thì được chớ làm sao ráng cả đời được?"
Đi tu là một hồng phúc Chúa ban cho mình, cả đời mình phải cám ơn Chúa, mình phải sống như thế nào cho xứng đáng với ơn Chúa gọi mình thì mới được. Vậy nên tôi cũng xác nhận rằng: "Làm Linh Mục gần 40 năm mà tôi vẫn cảm thấy ơn Chúa dành cho mình mặc dù mình bất xứng."
THIÊN CHÚA MÀ TÔI TIN
Đời sống người Kitô Hữu quan trọng nhất là Đức Tin. Chúa Giêsu làm bao nhiêu là phép lạ, Ngài luôn luôn nói: "Đức tin của ông đã cứu ông, Đức Tin của bà đã cứu bà, Đức Tin của con đã cứu con..."
Và như thế, điều quan trọng trong đời sống ơn gọi của mình là Đức Tin, là niềm tin vào Thiên Chúa qua sự Mặc Khải của Chúa Giêsu.
Một lần nọ có một cán bộ mà cũng là CA nữa, đến gặp tôi trong khi tôi đang đọc kinh nguyện trước hè nhà xứ. Tôi bảo anh ta chờ một chút, đọc kinh xong chúng tôi ngồi nói chuyện. Anh ta nói: "Anh đọc kinh làm như là có Chúa thiệt vậy. Anh làm chứng có Chúa cho tôi coi thử!"
Tôi cũng hơi bực mình vì câu: "Anh làm như có Chúa thiệt vậy". Tức là người ta coi mình như người giả hình và Chúa của mình không có thiệt, rồi còn bảo tôi làm chứng có Chúa cho anh coi thử, nghe chữ thử đó tôi cũng tức nữa.
Tôi nói với anh rằng: "Anh là người CS, mà ý thức hệ của CS là vô thần, mà là vô thần khoa học, có nghĩa là có thể làm chứng không có Chúa một cách khoa học... Thì bây giờ anh hãy làm chứng là không có Chúa cho tôi coi... Làm chứng không có Chúa mà có tính khoa học đó. Và tôi sẽ làm chứng là có Chúa cho anh coi."
Anh ta làm thinh. Tôi tin chắc rằng anh ta không thể làm chứng là không có Chúa. Tôi nhìn cái đồng hồ anh mang trên tay và hỏi anh: "Anh hãy làm chứng cái đồng hồ này tự nhiên nó có đi."
Anh ta trố mắt nhìn tôi: "Làm sao tự nhiên mà nó có được chứ?"
Tôi nói: "Nhất định là không thể tự nhiên mà nó có được đâu, anh biết chắc chắn có người chế tạo ra nó mặc dù anh không biết người đó là ai, anh biết chắc có một cái xưởng đã làm ra nó... mặc dù anh không biết cái xưởng đó ở chỗ nào, nhưng anh biết chắc chắn nó sẽ được xuất xưởng, dù anh không biết đó là ngày nào.
Vì chúng tôi ngồi nói chuyện trước hè, nơi có đám hoa cánh bướm phất phơ, tôi chỉ hoa cánh bướm mỏng manh màu vàng và bảo anh: "Anh hãy làm chứng những cánh hoa này tự nhiên nó có đi."
Anh ta nhún vai, nói: "Bây giờ nói thật với ông là người ta làm hoa vải, hoa giấy, hoa nhựa... nó còn đẹp hơn thứ hoa thật đó nhiều."
Tôi nói: "Đúng, hoa cánh bướm này là một loài hoa thường. Người ta làm hoa vải, hoa giấy và hoa nhựa bằng hạt nhựa, bằng vải, bằng giấy, hạt của nó cũng được làm bằng nhựa, bằng vải, bằng giấy... Anh thử lấy những hạt đó vùi dưới đất, rồi lấy nước tưới xem nó có lên được cây mới không? Dĩ nhiên là không. Chỉ có thứ hạt này tuy nhỏ như thế nhưng khi anh bỏ nó xuống thì nó sẽ mọc được cây mới. Tự nhiên làm sao một hạt nhựa có thể mọc lên một cây hoa? Nếu những nhà khoa học làm được như thế thì người ta đã làm từ lâu rồi, nhưng mà người ta không thể làm được, chỉ có một Đấng làm được cái mầm sống trong cái hạt đó mà thôi, Đấng đó là Thiên Chúa. Nói chơi với anh cho vui vậy thôi nhưng tôi biết trong thâm tâm của anh, anh cũng tin có Chúa.
Anh ta bảo: "Tại sao anh nói như vậy?"
"Được, nếu anh không tin có Chúa thì tôi nói thế này và anh lập lại những gì tôi nói, anh phải chịu trách nhiệm về lời nói của anh... Anh hãy xưng danh tánh của anh và tuyên bố: "Đách có Chúa", anh nói đi." Anh ta làm thinh. Tôi bèn nói: "Anh không dám nói câu đó vì trong lòng anh cũng tin có Chúa mà."
Khi được học về các tôn giáo, tôi càng xác tín về sự hiện hữu của Thiên Chúa. Tất cả các tôn giáo đều tin vào hai điểm giống nhau:
Điểm thứ nhất: Các tôn giáo đều tin có một Đấng Siêu Linh, có thể quan niệm về Đấng Siêu Linh đó không giống nhau, có thể tên gọi Đấng Siêu Linh đó của các tôn giáo cũng không giống nhau: Đức Chúa, Đức Allah, Chúa Trời, ông Trời, Thượng Đế... Nhưng tất cả đều đặt niềm tin vào Đấng Siêu Linh.
Điểm thứ hai: Các tôn giáo đều có một điểm giống nhau nữa là: chết là chưa hết, các tôn giáo đều tin có kiếp sau của cái chết. Kiếp sau đó như thế nào thì mỗi tôn giáo có một quan niệm khác nhau, chỗ ở của người chết cũng có tên gọi khác nhau: Suối Vàng, Niết Bàn, Thiên Đàng...
Nhưng mà các tôn giáo đều tin rằng: Trước hết, có một Đấng Siêu Linh. Sau nữa, chết không phải là hết mà còn có đời sau, kiếp sau.
Người Việt Nam mình cũng có quan niệm: Sinh ký Tử quy: Sống gởi thác về, sống là tạm mà chết thì mình mới về nhà thật của mình. Theo tôi nghĩ: với trí khôn mà Chúa ban cho thì con người cũng nhận ra được có một Đấng Siêu Linh, có một Đấng Thượng Đế, có một Thiên Chúa... Bởi vì theo trí khôn tự nhiên của con người thì cái gì cũng có một người làm ra nó.
Khi dạy các em nhỏ trong các Giáo Xứ, tôi hay đặt câu hỏi: "Đố con, ai sinh ra con?" Nó nói: "Mẹ con sinh ra con." – "Đúng, nhưng ai dựng ra con trong bụng mẹ?" Nó trả lời: "Là mẹ con."
"Không đúng, mẹ con không hề làm được một cái móng tay của con. Chín tháng mười ngày ở trong bụng mẹ, mẹ con có thể nghỉ, ngủ, lao động hay đi du lịch chỗ này chỗ nọ... Mẹ con không bao giờ nghĩ rằng: ngày hôm nay phải tạo ra cho nó cái ngón tay, phải tạo cho nó trái tim hay là nắn cho nó có cái mũi dọc dừa... Không bao giờ có thể như thế được đâu. Nếu mà mẹ con bảo là mẹ con có trí khôn, mẹ con là kiến trúc sư, mẹ con là họa sĩ... mẹ con có thế làm ra con theo ý muốn của mẹ con được, thì cha hỏi tụi con: con bò con ở trong bụng mẹ nó, người ta nói "ngu như bò" thì làm sao mà con bò mẹ nó dựng được con của nó đẹp như thế trong bụng nó được chứ? Chắc chắn là không thể được. Tất cả đều do Chúa dựng nên. Công việc tạo dựng của Chúa vẫn diễn ra từng ngày, từng phút, từng giây.
Các em nhỏ rất thích những câu chuyện như thế và nó xác tín rằng: chính Chúa tạo dựng nên con người. Trí khôn của chúng ta có thể suy ra để biết điều đó. Chúng ta chịu khó suy nghĩ bằng trí khôn của mình (vì Chúa cho con người có trí khôn) chúng ta phải nhận ra có một Đấng Siêu Linh, là Đấng cầm giữ vận mệnh của mình.
Khi học Triết học và Thần học, tôi có suy nghĩ là:
Học Triết học:
Là để tìm tới căn nguyên cội nguồn cuối cùng của sự vật bằng trí khôn của mình. Nhưng chúng ta có thể biết có một Thiên Chúa bằng trí khôn của ta, mà chúng ta không biết Thiên Chúa là Đấng như thế nào? Khổng Tử đã nói Kính nhi viễn chi: có nghĩa là chúng ta ở xa mà chúng ta kính, chúng ta không ở gần Thượng Đế, chúng ta không biết Ngài là ai? Ngài như thế nào? nhưng chúng ta tin có Ngài...
Có người kể cho tôi nghe: "Người ta đặt vấn đề với Đức Phật Thích Ca về Thượng Đế, Ngài bèn hái một nắm lá cầm trong bàn tay của Ngài, Ngài bảo rằng: " Sự hiểu biết của chúng ta chỉ là một chút rất ít như nắm lá nằm trong bàn tay nhỏ bé của mình, còn những sự chúng ta chưa hiểu biết thì bạt ngàn như lá rừng trên khắp trái đất này".
Thế nên... đặt vấn đề về Thượng Đế thì chúng ta cũng chưa và không thể nào hiểu thấu được.
Học Thần học:
Nhờ có trí khôn mà chúng ta tin có sự hiện hữu của Thiên Chúa nhưng chúng ta không biết đó là Đấng như thế nào. Chính Chúa Giêsu là con Thiên Chúa xuống thế làm người, đã mặc khải cho chúng ta biết về Thiên Chúa. Ngài bảo: "Không ai biết việc trên trời đâu, trừ Đấng từ trên Trời xuống mới cho chúng ta biết các sự ở trên Trời."
Ngài dạy cho chúng ta biết Thiên Chúa là Cha của chúng ta, Thiên Chúa thương yêu loài người, đã tha thứ cho loài người, mặc dù chúng ta có tội nhưng chúng ta biết rằng Chúa đầy lòng khoan dung. Chúa tha thứ cho những ai biết ăn năn hối cải quay về với Ngài
"Con đã phạm tội với Trời và với cha... con không còn xứng đáng là con của cha nữa". Và đứa con hoang đàng khi trở về đã được mặc áo mới, được mang giày mới, được đeo nhẫn vào ngón tay, được cha mình cho giết bê béo để ăn mừng...
Thiên Chúa của chúng ta qua mặc khải của Chúa Giêsu là như thế, và Ngài chính là Thiên Chúa mà tôi tin thờ, bằng trí khôn của mình mà Ngài đã ban cho mỗi người chúng ta, để chúng ta tìm ra Ngài. Thiên Chúa mặc khải của Chúa Giêsu là Cha của chúng ta: "Nhà Cha Thầy có nhiều chỗ, Thầy đi trước Thầy dọn chỗ cho chúng con, để Thầy ở đâu thì chúng con cũng ở đó với Thầy".
Từ nhỏ tôi thường đọc kinh Tin, kinh Cậy và kinh Mến. Trong Kinh Tin có một câu như thế này: "Lạy Chúa con tin có một Đức Chúa Trời là Đấng thưởng phạt vô cùng". Thưởng phạt vô cùng có nghĩa là: làm việc gì tốt cho dù kín đáo, âm thầm không ai biết nhưng mà có Chúa biết. Chúa Giêsu đã nói: "Dù chỉ là một ly nước lã thì chúng con cũng không mất công của chúng con đâu." Thành ra những ai tin Chúa là đấng thưởng những công việc tốt lành mà ta đã làm; cho dù không ai thấy, cho dù làm một cách âm thầm, thì Chúa nhất định thưởng những việc đó. Tin như vậy thì loài người chúng ta mới biết lo làm việc tốt để được Chúa thưởng chúng ta.
Rồi thì chúng ta tin cái gì nữa? Chúng ta tin Chúa phạt, vì không có cái gì mà thoát khỏi sự nghiêm minh của Chúa. Hoàng Thiên hữu nhãn: ông trời có con mắt.
Người xưa cũng nói "Thiên võng khôi khôi, sơ nhi bất lậu": Lưới trời lồng lộng nhưng không có bất cứ cái gì, cho dù nhỏ cách mấy đi nữa cũng không thể nào chui lậu qua được lưới trời.
Và khi Chúa phạt thì cũng vô cùng, cho nên những người tin Thiên Chúa có thưởng và có phạt thì lo làm những việc tốt và tránh những việc xấu. Những ai không tin là sẽ được Chúa thưởng thì người ta cũng không ham làm việc tốt, cũng như những ai không tin có Chúa phạt thì người ta tha hồ làm việc xấu.
Anh không tin có Chúa không phải là không có Chúa. Anh không sợ Chúa phạt không có nghĩa là anh tránh được sự nghiêm trị của Chúa. Cho nên khi chúng ta dạy con cái mình, thì chúng ta phải dạy cho chúng nó biết có Thiên Chúa thật sự và Thiên Chúa thưởng phạt rất nghiêm minh.
Tôi hay nói với trẻ em: "Tổ chức một cuộc đấu bóng, dù là cuộc đấu bóng ở cấp xã đi nữa thì cũng phải có một trọng tài. Trọng tài để làm gì? Trọng tài để phạt những đứa chơi xấu."
Tổ chức của Chúa quy mô như vậy mà không có một sự thưởng phạt nghiêm minh thì đúng là không được, không thể được.
Tôi dạy giáo lý cho các em, tôi bảo với chúng nó: "Tư tưởng hướng dẫn hành động". Tôi nhớ câu ngạn ngữ của Pháp là "Tư tưởng hướng dẫn thế giới". Mình nghĩ như thế nào thì mình làm như thế đó. Nếu mình nghĩ tiền bạc là quan trọng nhất thì mình sẽ làm bằng mọi cách để sao cho có thật nhiều tiền, thậm chí bất chấp mọi thủ đoạn, nếu mình nghĩ địa vị là số một thì cũng bằng mọi cách lo chạy chọt, chui luồn, đút lót để có được một địa vị. Tư tưởng hướng dẫn hành động là như thế. Đức Tin là tư tưởng, nếu chúng ta tin rằng có một Đấng thưởng phạt nghiêm minh, niếm tin đó sẽ hướng dẫn hành động của chúng ta và chúng ta phải làm thế nào đề hợp với ý Chúa. Biết phân biệt cái Thiện, cái Ác trong đời sống của mình.
Khi tôi còn nhỏ cha tôi đã dạy cho tôi một bài lục bát mà tôi còn nhớ cho tới bây giờ:
Thiên đàng hỏa ngục hai quê,
Ai khéo thì về ai vụng thì sa.
Người đời khác thể như hoa,
Sớm còn tối mất, nở ra lại tàn.
Giữa trời một tiếng sấm vang,
Người ngay mắc nạn, đứa gian chê cười.
Lụt lịt mà chín mà mười,
Hay nói hay cười mà chẳng có chi.
Người đời có thịnh có suy,
Hết cơn bỉ cực đến kỳ thái lai.
Người đời ai chế giễu ai,
Chỉ thêu nên gấm, sắt mài nên kim.
Giàu sang nhiều kẻ đến nhà,
Khó khăn nên phải ruột rà xa nhau.
Quân tử ứ hự thì đau,
Tiểu nhơn dùi đục đánh đầu không hay.
Càng cao thì gió càng lay,
Càng cao danh vọng càng dày gian nan.
Tôi nhớ nằm lòng những điều đó, và tôi luôn nhớ câu: Tư tưởng hướng dẫn hành động, đó là phương châm sống của tôi sau này. Trong đời sống hằng ngày của chúng ta, ở giữa xã hội này luôn luôn có một cuộc chiến khốc liệt giữa cái Thiện và cái Ác. Đây là một cuộc chiến mà phe nào cũng muốn dành phần thắng. Ma quỷ là chủ của cái ác, là chủ của sự dối trá...
Tôi nhớ một câu chuyện vui: Có một anh chàng kia bị chết, sau khi chết anh thấy mình đi qua một hành lang dài thật dài... đi mãi anh thấy có một cái cửa to đề hai chữ: Thiên Đàng. Anh thầm nghĩ: Tội lỗi như mình đây mà khi chết cũng gặp Thiên Đàng... vui dữ quá ha!
Anh ta tò mò nhìn vô lỗ khóa coi thử trong Thiên Đàng có cái gì. Anh ta thấy Chúa uy nghi hết sức, có Đức Mẹ, có những bà đạo đức mà khi ở thế gian thường hay la anh ta: "Mày thế này... mày thế nọ...", anh thấy những người này đang đọc kinh ở trong đó. Anh ta nghĩ: "Mình thì làm biếng đi Nhà Thờ, làm biếng đọc kinh cầu nguyện... vô Thiên Đàng kiểu này chắc là mình không vô đâu. Thôi... ta đành từ giã Thiên Đàng mà bao nhiêu ngừơi hằng mơ ước.
Anh ta tiếp tục đi, đi mãi đến cuối hành lang, anh ta gặp một cánh cửa ghi chữ Hỏa Ngục được trang trí thật là đẹp, anh ta nghĩ thầm trong bụng: "Chết rôi! Không vô Thiên Đàng thì chỉ còn có Hỏa Ngục. Hết đường rôi, không biết làm sao nữa.
Anh ta rất sợ hãi vì nghe nói nơi Hỏa Ngục có đủ mọi sự đau khổ trong đó, anh tò mò dòm vào lỗ khóa. Và thật là ngạc nhiên khi anh thấy trong đó có bạn bè của anh lúc còn ở thế gian, có cả bia ôm với đủ thứ trò vui chơi nhậu nhẹt... Ồ quá đã! Anh ta quyết định: Thôi... ta không vào Thiên Đàng, mà ta vào hỏa ngục vậy. Đây đúng là chỗ của ta rồi.
Anh ta gõ cửa, mới gõ có một tiếng là cửa hỏa ngục mở ra liền. Anh ta reo lên: "Chu cha! Cái ban tiếp tân của Hỏa Ngục nó cũng tử tế hết sức! Ở thế gian gõ năm bảy lần mà nó còn chưa thèm mở cửa, ở đây mới gõ có một tiếng nó mở ra liền."
Anh ta sửa sang quần áo lại cho tề chỉnh, rồi bước vào cửa Hỏa Ngục một cách hiên ngang như một kẻ chiến thắng vậy... Nhưng hỡi ơi, vừa mới bước vào mấy bước thì anh thấy ngay một bầy quỷ, mà con nào con nấy trông rất dễ sợ. Một con quỷ cả có răng nanh nhọn, tay cầm một cái chĩa ba thật dài kẹp vào cổ anh ta làm anh ta đau đớn. Anh hốt hoảng la lên: "Oái! Oái!... Đau quá, ở bên ngoài tôi thấy đẹp quá mà... nhưng sao khi vô đây rồi lại dễ sợ quá vậy?
Con quỷ cả nó cười: khà... khà... khà... rồi nói rằng: "Quảng cáo mà... không biết quảng cáo sao? Quảng cáo như vậy thì mới có người vô chớ, không quảng cáo như vậy ai mà thèm vô?"
Ở đời này thiên hạ quảng cáo rất nhiều thứ: từ xà bông này cho tới bột giặt kia, sữa này sữa nọ cho trẻ em, rồi mỹ phẩm cho các bà... nghĩa là thứ gì sản xuất ra cũng phải quảng cáo, còn sự thật đằng sau cái quảng cáo kia thì là gì, ai mà biết được...
Cho nên trong cuộc sống của chúng ta, chúng ta cần phải biết một điều vô cùng quan trọng là: đừng để cho ma quỷ nó quảng cáo mà bị sa vào cái bẫy của chúng nó.
Thiên Đàng, Hỏa Ngục hai quê,
Ai khéo thì về, ai vụng thì xa.
Chúng ta sống đạo đức trong đời này, để khi chúng ta gặp Chúa, chúng ta cũng thấy là đi theo Chúa, tin vào Chúa, yêu mến Chúa, trở thành con cái Chúa thì chúng ta nhất định được vào Thiên Đàng để hưởng hạnh phúc bên Ngài đời đời.
Quý Tổ Chức, Cá Nhân muốn Mua lại tên miền CONGGIAO.VN vui lòng liên hệ qua email: admin@conggiao.vn