Tắt Quảng Cáo [X]

Có một Cụ già, mà khi gặp Cụ, các Đức Giám Mục đã cúi mình xuống và niềm nở chuyện trò

10:02 04/10/2022
hoc du
Có một Cụ Già, mà khi gặp Cụ, các Đức Giám Mục đã cúi mình xuống và niềm nở chuyện trò.

Cụ già đó chính là Giáo sư Stêphanô NGUYỄN KHẮC DƯƠNG, nguyên trưởng Ban Triết học và Quyền Khoa trưởng Văn khoa của Đại học Đàlạt trước 1975; người đã góp công rất lớn trong việc đào tạo nên những nhà tri thức cho Giáo hội và xã hội. Có rất nhiều Tu sĩ, Linh mục và cả Giám Mục… đã là môn sinh của thầy. Tuy nhiên, “Gia tài” mà cụ để lại không phải chỉ là những kiến thức uyên bác, nhưng là một chứng nhân của đức tin, một tình yêu cao cả mà cụ dành cho Chúa và Hội Thánh.
Thầy Stêphanô Nguyễn Khắc Dương sinh ngày 24/09/1925, trong một gia đình thuộc bậc danh gia vọng tộc thuộc dòng họ Nguyễn Khắc ở xã Sơn Hòa (nay là xã An Hòa Thịnh), huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Thân phụ, cụ Hoàng Giáp Nguyễn Khắc Niêm, là một nhà nho nổi tiếng học giỏi, đức độ. Sau khi đỗ đạt, cụ được bổ dụng vào chức Tư nghiệp Quốc tử giám tại Huế. Cụ đã từng làm Tri phủ huyện Anh Sơn, Án sát tỉnh Nghệ An, Phủ doãn tỉnh Thừa Thiên, và về hưu năm 1943 với phẩm hàm Hiệp Biện Thượng thư. Cụ là một vị quan thanh bạch, trung chính, không lấy danh vị làm vinh, và nổi tiếng thanh liêm nên được dân chúng rất mến phục.
Anh trai là bác sĩ, nhà văn hóa Nguyễn Khắc Viện, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Ngoại văn (nay là Nhà xuất bản Thế giới); em là nhà văn Nguyễn Khắc Phê, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Sông Hương; dược sĩ Nguyễn Thị Thiếu Anh; kỹ sư Nguyễn Thị Nhuần; bà Nguyễn Thị Phương Thảo, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam các khóa V, VI…
Thầy Stêphanô được thừa hưởng một nền giáo dục gia phong khổng nho nhưng không câu nệ lễ tiết. Mẹ thầy là một người phụ nữ “đoan trang mà cởi mở, nghiêm nghị mà tinh tế, tháo vát mà khoan thai, đĩnh đạc”. Đường đường là phu nhân nhất phẩm triều đình, có thể cùng chồng bàn chuyện văn thơ, đánh tổ tôm, bàn cả việc quan, song mẹ của thầy Stêphanô rất giản dị, chan hòa với mọi người. Cha của thầy là vị quan đại thần trong triều đình nhưng không dùng lý thuyết, không lấy sách Khổng, Mạnh để dạy con mà dùng phương pháp “dĩ thân tác tắc” (tức là lấy thân mình làm gương). Nhưng cuộc đời cụ kết cục khá bi thảm: năm 1953, năm cải cách điền địa, cụ bị kết án địa chủ và đưa đi cải tạo, rồi qua đời sau đó một năm. Thầy Dương viết về cha mình «Hình ảnh thân phụ tôi có nhiều nét khả ái, đáng trọng của nhà Nho nhưng cũng gợi lên một cái gì bất túc, không hoàn hảo trong giai đoạn giao lưu văn hóa Đông-Tây lẫn lộn, xã hội bất an. Có lẽ chính cái giới hạn đó đã khiến tôi có hướng tìm một cái gì khác hơn cái lý tưởng Nho giáo thời mạt vận, mang ít nét phong kiến với nếp sống quan lại, trước cách mạng 1945. Có lẽ tôi có hoài vọng một thời Nho giáo Nghiêu Thuấn đã qua đi và không bao giờ có được nữa ở trần gian này!
Nguyễn Khắc Dương lại bước chân vào trường Tây khá sớm. Ông được gia đình cho vào học hành ở Huế từ sớm. Một kỷ niệm đặc biệt, khi còn là học sinh tiểu học trường Bao Vinh (Hương Trà, Huế), có lần cậu bé Dương được duyên gặp gỡ cụ Phan Bội Châu. Câu hỏi mà cụ Phan đố cậu bé tiểu học lúc ấy là: “Con có biết nước ta tên gì không?”.
“Chẳng hiểu sao cụ Phan lại hỏi tôi câu hỏi ấy?! Phải chăng cụ Võ Bá Hạp giới thiệu với cụ Phan rằng tôi là con trai của thân phụ tôi, một vị hoàng giáp đất Nghệ Tĩnh hiện đang làm quan phủ doãn (tỉnh trưởng), nên cụ hỏi thử xem tôi có đến nỗi mất gốc chăng! May mà tôi chưa học câu ‘Nos ancêtres les Gaulois’ (Tổ tiên chúng ta là người Gaulois) mà trái lại, rất ham và rất thuộc môn sử Việt Nam, nên tôi trả lời đúng: ‘Dạ bẩm, con là người Việt Nam’”,

Vốn xuất thân trong một gia đình Nho giáo nên từ nhỏ đã không quan tâm tới Kitô giáo, tôn giáo vốn được truyền bá vào Việt Nam từ phương Tây. Nhưng một biến cố quan trọng xảy ra là năm 1938, cậu Dương thi vào trường Quốc Học Huế bị trượt, nên phải xin vào trường Thiên Hựu, một ngôi trường Công giáo tại Huế. Việc thi rớt để rồi vào học ở trường Thiên Hựu, về sau được thầy nhận định đó là do sự an bài yêu thương của Thiên Chúa, như thầy từng chia sẻ: “Vào học trường Thiên Hựu, tôi được dấn bước vào thế giới Công giáo, dần dần khám phá ra những giá trị của nó. Trước hết là các Linh mục giáo sư.

Ðiều làm tôi lưu ý là sự tận tâm chức nghiệp của các vị ấy. Ai đã có học trường tư thục Công giáo chắc đều nhận chân điều đó. Ðiều thứ hai là ‘tình yêu người’ được bộc lộ qua cách đối xử…”.

Thầy đã có cơ hội tìm hiểu về Đạo và lãnh nhận bí tích Rửa tội ngày 9 tháng giêng năm 1949, tại nhà thờ Nghĩa Yên, Hà Tỉnh. Về sau thầy gia nhập dòng Phanxicô, nhưng sau một thời gian khá dài sống đời tu trì, nhận ra Chúa muốn bản thân mình sống giữa đời với tư cách một người làm chứng cho tình yêu và hiến thân trọn vẹn cho Chúa nên thầy đã xin ra khỏi dòng, chọn lối sống như một cư sĩ.

Việc trở thành người Kitô hữu của thầy Khắc Dương, đã gặp sự chống đối rất lớn từ gia đình và dòng họ, nhất là mẹ của thầy. Bà mẹ chất vấn thầy rằng: “Ông bà tổ tiên của mày có tội gì, mà mày phải cúi đầu cho người ta rửa tội nguyên tổ? , Tội của mày là tội bất hiếu, tội này có cạo hết tóc trên đầu cũng không sạch được, vậy chỉ một chút nước trên đầu thì sao mà rửa sạch được chứ”.

Lý giải về việc “bỏ” gia đình để theo Đạo, thầy Khắc Dương có lần chia sẻ rằng: Nho Giáo là một tôn giáo dành cho người tri thức, sống thanh cao và sống “trên” người khác; không dành cho người bình dân. Phật Giáo thì quan niệm rằng Đời Là Bể Khổ, nên phải tránh Đời, tự bản thân tìm sự giải thoát cho riêng mình. Còn Kitô giáo thì ngược lại, Chúa Giêsu vốn là Con Thiên Chúa nhưng đã bước vào đời, sống như một người nghèo, chia sẻ thân phận làm người của con người, vui niềm vui của con người, đau nỗi đau của phận người và yêu con người một cách say đắm đến nỗi sẵn sàng chết vì yêu con người… Đây là một tôn giáo gần với con người, gắn liền với con người, là đạo của tình yêu…

Năm 1956, học triết tại Đại học Sorbonne, tốt nghiệp cử nhân năm 1960. Ông bỏ ngang chương trình nghiên cứu tiến sĩ triết học để chuyển vào đời sống chiêm niệm ẩn tu trong Đan viện Biển Đức (Benedict). Cuối 1965, ông rời Paris về miền Nam Việt Nam. Lúc bấy giờ, anh trai ông, GS. Nguyễn Khắc Viện lại là cán bộ văn hóa cấp cao, bác sĩ miền Bắc được nhiều người trọng vọng. Đã có nhiều tin đồn rằng Nguyễn Khắc Dương được miền Bắc “cài cắm”. Đó là lý do mà GS. Nguyễn Văn Trung muốn đưa ông về Đại học Văn Khoa Sài Gòn mà không được chấp nhận.

Năm 1966, linh mục Nguyễn Văn Lập, Viện trưởng Viện Đại học Đà Lạt mời ông “thầy tu tài tử” Nguyễn Khắc Dương lên cao nguyên giảng một số giờ triết tại Văn khoa Đại học Đà Lạt theo chế độ giảng huấn mà trường này thường liên kết với các giảng viên, giáo sư và chuyên gia ở Sài Gòn. Bấy giờ, Khoa trưởng Văn khoa là Linh mục Lê Văn Lý, Trưởng ban Triết học là linh mục, nhà nghiên cứu Lê Tôn Nghiêm. Ban giảng huấn Văn khoa của viện này quy tụ những tên tuổi lớn của học thuật miền Nam.

Sau những tiết mời giảng, GS. Nguyễn Khắc Dương tìm thấy môi trường Viện Đại học Đà Lạt êm đềm, có thể gắn bó lâu dài nên đồng ý ở lại làm giáo sư thường trực… một điều thầy Dương không bao giờ quên, mỗi dịp ngồi trò chuyện với ai đó thì lại say sưa kể, là quãng thời gian 10 năm, từ năm 1965-1975, làm trưởng Ban Triết học và quyền Khoa trưởng Văn khoa Ðại học Ðà Lạt. Ở đó thầy được trực tiếp dạy cho nhiều chủng sinh mà sau này nhiều người trong số họ đã trở thành Giám mục. “Ngày đó các thầy là chủng sinh tại Giáo hoàng Học viện Thánh Piô X Ðà Lạt, mà Giáo hoàng Học viện với Ðại học Ðà Lạt – một trường Công giáo – khá gần nhau nên có những môn học chung. Các thầy bên đó sang bên đây học để lấy bằng cử nhân nên tôi có dạy một số giờ môn Triết”, thầy Dương giải thích. Nói về một trong những học trò mà mình ấn tượng nhất cho đến nay, thầy bảo đó chính là Ðức tân Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng. “Ở ngài luôn có một điều gì đặc biệt mà tôi gọi đó là thơ ấu thiêng liêng. Cái này thật khó để diễn tả bằng lời nhưng có thể hiểu đơn giản là một con người vừa giỏi về trình độ, lại giàu về tình cảm, sống và cư xử rất đạo đức, chuẩn mực”, thầy Dương nhận xét. Vậy nên sau này, khi nghe tin cha Giuse Năng được tấn phong làm Giám mục Phát Diệm, rồi Tổng Giám mục Tổng Giáo phận TPHCM thì với thầy vẫn không xem đó là điều bất ngờ. “Ðổi lại tôi cũng hơi lo cho ngài, bởi lẽ chức vụ càng lớn thì công việc sẽ càng nhiều và áp lực, trách nhiệm cũng cao hơn. Tuy nhiên vì là người được Chúa chọn nên chắc chắn rằng, Chúa Thánh Thần sẽ luôn soi sáng và hướng dẫn Ðức cha”, thầy nói.

……

Một vài nét như thế, để ta hiểu hơn về con người của Cụ Già này, và để hiểu vì sao khi gặp Cụ, các Đức Giám Mục đã bước tới, cúi mình xuống và thăm hỏi chuyện trò.

 

Bạn có thể quan tâm

lên đầu trang