Tắt Quảng Cáo [X]

34 Linh mục kể chuyện đời mình: Gia đình tôi là một pha trộn ly kỳ của các niềm tin tôn giáo…

05:28 21/05/2022
hoc du

Sinh ngày 16 tháng 9 năm 1948 ở Elkhart, tiểu bang Indiana, cha Warfel được truyền chức năm 1980 cho Tổng Giáo Phận Anchorage. Thật khó cho ngài có thể tưởng tượng một lời cầu hôn sẽ dẫn tới đâu, hoặc làm thế nào một chuyến đi nghỉ hè với gia đình bà chị sẽ thay đổi đời mình ra sao, hay một lần đến thăm một nhóm người lạ mặt đứng bên ngoài nhà thờ của ngài sẽ đưa ngài đến chỗ nào.

Vị linh mục tài năng này đã bỏ nhiều tháng ở Trung Mỹ và Phi-Luật-Tân để học ngôn ngữ của những dân tộc ở đó hầu có thể làm mục vụ tốt hơn cho những dân cư Alaska đến từ những nơi ấy.

Vào thời điểm của cuộc phỏng vấn này, cha Warfel vừa đầy sinh lực vừa rất hứng khởi đang là cha sở giáo xứ Đức Mẹ Guadalupe ở Anchorage. Hiện nay, ngài đang là giám mục giáo phận Juneau.

Gia đình tôi là một pha trộn ly kỳ của các niềm tin tôn giáo. Mẹ tôi là một người Công Giáo không đến nhà thờ, song thân của bà di cư từ Lithuania những năm đầu của thập niên 1900. Ba tôi lại càng ít đạo đức hơn; gia đình ông sinh trưởng ở miền đồng quê Pennsylvania vùng người gốc Đức. Mẹ của ba tôi theo Tin Lành Giám Lý.

Chính ba tôi tuyên bố mình thuộc hệ phái Tin Lành Thanh Lễ, nhưng không đến nhà thờ đều đặn chút nào. Khi cha mẹ tôi đến một nhà thờ Công Giáo để sắp xếp cho lễ hôn phối, người ta nói cho họ biết họ không thể làm đám cưới trong Giáo Hội. Mẹ tôi, một người dễ nổi nóng, bước ra khỏi nhà xứ và cưới ba tôi trong một nhà thờ Tin Lành Giám Lý. Mặc dù mẹ luôn coi mình là người Công Giáo, mẹ thôi không đi dự lễ nữa. Chị lớn của tôi thuộc nhóm Ngũ Tuần và là một người rất đầy linh ân.

Chị ấy qua đời một năm rưỡi trước đây. Một bà chị khác, lúc còn vị thành niên có đi kiếm tìm niềm tin nào đó, đã theo giáo hội Lutheran, song hiện không còn giữ đạo nữa. Một người anh lớn của tôi không chịu rửa tội. Còn người em sinh đôi với tôi lại là một Chứng Nhân Giê-hô-va.

Khi tôi lên khoảng 10 tuổi, tôi bắt đầu nghĩ về Thiên Chúa. Một hôm, sau khi ngẫm nghĩ rằng chắc chắn phải có một Thiên Chúa, tôi về nhà loan báo với mẹ rằng tôi sẽ bắt đầu dự lễ ở nhà thờ Lutheran đang được xây ngay cuối phố. Một cái gì đó vẫn còn lại trong niềm tin từ lâu của bà, và điều tôi nói hẳn đã nhấn phải một cái nút nào đó đối với Mẹ, nhất là sau khi chị tôi đã chịu rửa tội vào hệ phái Lutheran.

Thế là trong vòng một tuần lễ tôi được ghi danh cùng với người em sinh đôi vào lớp giáo lý tại xứ thánh Vinh-sơn đệ Phao-lô. Chúng tôi học lớp Giáo Lý Baltimore một năm và được đón nhận vào giáo hội. Chúng tôi học tiếp những lớp về đạo và rước lễ lần đầu, rồi một năm sau đó, học thêm sức. Kết quả của những điều chúng tôi học hỏi được, mẹ tôi bắt đầu đi dự Thánh Lễ thường xuyên.

Tôi làm mọi chuyện mà một đứa trẻ vị thành niên bình thường đều làm, và thậm chí hơi nghiêng về phía phóng túng một chút. Sau năm thứ hai trung học, tôi trở nên rất ngựa chứng đối với đức tin mới tìm được của mình, bực bội vì phải đi dự Thánh Lễ mỗi tuần.

Các buổi liên hoan lên đến tột đỉnh, và một cách nào đó tính chất thành thật trong tôi không cho phép tôi kéo dài nếp sống như vậy mà vẫn đến dự Thánh Lễ, thế là sau khi vào đại học, tôi ngưng không đến nhà thờ nữa. Tôi ghi danh vào Đại Học Indiana ở Bloomington và học âm nhạc.

Tôi rất thành công trong các tiệc liên hoan. Không khá trong các môn học, và dứt khoát không được được điểm cao. Sau một năm, tôi chuyển tới khuôn viên đại học ở South Bend. Đấy là thời gian rất rối loạn trong đời sống riêng tư của tôi. Sau nửa cá nguyệt bị điểm zero, tôi quyết định nhập ngũ. Tôi không cần biết binh chủng nào.

Tôi bước ra đường thấy một trạm tuyển mộ quân đội, và thế là ký tên đi lính. Lúc ấy là năm 1967, một thời điểm tồi tệ để nhập ngũ, bởi vì đang có việc tăng quân nhiều ở Việt Nam.

Khóa huấn luyện cơ bản thức tỉnh tôi một cách phũ phàng. Tôi buộc phải tuân theo những luật lệ, và chịu đựng những gian khổ mà trước đây chưa bao giờ phải đối diện. Sau một tuần lễ tôi nghĩ đến chuyện đào ngũ. Nhưng vài tuần sau, tôi bắt đầu thật sự thích thú với kỷ luật và cơ cấu.

Đến khi hoàn tất thời gian tòng quân, tôi lại phải đối diện với việc phải làm gì với suốt cuộc đời còn lại. Tôi được tự do như cánh chim, song khi đã ra ngoài tôi không có tiền, không nghề nghiệp, và vẫn không có dự tính gì. Tôi đến một văn phòng tìm việc làm, và họ đưa tôi vào làm công việc tính toán thời lượng trong phòng kiểm soát sản xuất của một công ty máy bơm.

Thật là một công việc nhàm chán vô vị, đối chiếu các dữ kiện xem mất bao lâu để dùng máy móc chế ra một số bộ phận nào đấy. Và cuộc sống tôi cũng nhàm chán: sáng đi làm, buổi chiều đến các câu lạc bộ tiêu hết số tiền tôi có. Một lúc nào đó tôi dường như đụng phải chân tường. Tôi thấy mình chán nản; không có gì cho cuộc sống tôi.

Cuộc sống không nghĩa lý gì cả. Trên đường từ sở làm về nhà tôi phải đi ngang qua nhà thờ xứ đạo. Một buổi chiều kia sau giờ tan sở, tôi thấy Thánh Lễ đang bắt đầu, thế là tôi bước vào nhà thờ. Rồi tôi đã trở lại ngôi nhà thờ đó, ngày này qua ngày khác. Tôi ngồi dưới cuối nhà thờ như người thu thuế trong Phúc Âm.

Dần dần, tôi từ từ ngồi lên phía trước, và một ngày kia tôi gặp cha sở, cha Fred Cardannali, một linh mục người Ý rất hiền hậu. Tôi kể cho ngài nghe câu chuyện đời mình. Ngài chỉ lắng nghe, gật gù qua những chặng đường gian khó, lúc ấy cũng như về sau này.

Sau một thời gian, tôi bắt đầu thấy tầm quan trọng của việc đi dự Thánh Lễ. Tôi rời nhà bằng cửa sau để không ai thấy tôi đi ra. Tôi bắt đầu hướng về cuộc sống tu trì và đọc hết những gì tôi tìm được về cuộc sống ấy. Cuộc đời của một tu sĩ làm tôi rất say mê. Tôi không nghĩ đến chức linh mục. Tôi rất nghi ngờ về khả năng của mình trong việc học những môn đòi hỏi cho một linh mục, và cũng vì tôi là một người quá tội lỗi. Có lẽ tôi hơi nghiêng về phía quá tỉ mỉ bởi vì những gì nhỏ nhặt nhất cũng khiến tôi đến tòa giải tội.

Một lúc nào đấy, vào khoảng lễ Giáng Sinh, tôi gặp một thiếu nữ trẻ và phải lòng yêu nàng. Chúng tôi bắt đầu hẹn hò. Đời sống tiệc tùng trở lại, và nếp sống của nàng gồm đủ thứ rượu chè. Cô ấy không phải là người Công Giáo. Cô ta không chia sẻ chung một giá trị nào với tôi trong lãnh vực tôn giáo, và tôi thấy mình bị cuốn hút ra khỏi sự biểu lộ niềm tin mà tôi mới tìm lại được.

Dầu vậy, tôi đang yêu, và tôi cầu hôn với nàng. Một thời gian sau, có một số điều trong mối liên hệ của chúng tôi trở thành tiêu cực và chúng tôi chia tay nhau. Đó là một ơn phước cho tôi, bởi vì cuộc hôn nhân của chúng tôi hẳn sẽ là một tai họa. Một lần nữa cuộc đời tôi lại bắt đầu hướng về Giáo Hội.

Tôi làm quen với một chủng sinh từ Giáo Phận Fort Wayne-South Bend, và một chủng sinh khác được phái đến giáo xứ tôi ở. Chúng tôi trở thành bạn thân. Một lần kia, một trong hai chủng sinh hỏi tôi nghĩ gì về việc vào chủng viện. Tôi nói với cha Cardannali về chuyện đó, và ngài bảo: “Sao không thử xem?” Tôi cho ngài biết tôi không nghĩ mình có thể làm linh mục.

Cha Cardannali hỏi: “Làm sao con biết chắc được nếu không thử chứ?” Câu hỏi của ngài có lý. Cha Cardannali giúp tôi liên hệ với cha giám đốc ơn gọi. Tôi bắt đầu thủ tục thẩm tra, làm bài thi, và được chấp thuận vào chủng viện. Còn vài tháng nữa các lớp học mới bắt đầu, bởi thế tôi tiếp tục công việc làm. Nhưng nếp sống của tôi bắt đầu thay đổi.

Gia đình tôi làm dịch vụ cầu cống. Ba tôi là một chuyên viên cầu cống và đã sắp xếp cho tôi vào tập nghề trong ngành. Một hôm đang ở trong bếp, tôi nói với ông rằng mình sẽ vào chủng viện và muốn làm linh mục. Ông nổi điên lên. Ông bảo tôi đang làm một chuyện vô cùng sai lầm: “Như thế không đúng. Mày sinh ra để làm nghề cầu cống mà.”

Thế rồi sau thời gian vài năm, ông rất hãnh diện về điều tôi làm. Tuy nhiên, một lưu ý đáng buồn: ông mất sáu tháng trước khi tôi được truyền chức. Gần đây tôi dành thì giờ cho chị lớn của tôi (người theo Ngũ Tuần) lúc chị sắp chết vì ung thư. Chị ủng hộ tôi về những gì tôi đang làm. Chị khóc ngày tôi chịu chức, và nghĩ rằng đó là một điều tuyệt đẹp và cao cả.

Trong những ngày cuối cùng, chị ấy bị thu hút mạnh về phía Giáo Hội. Chị dự Thánh Lễ thường xuyên hơn, và chị yêu thích phụng vụ. Nếu chị còn sống, tôi nghĩ rằng chị hẳn sẽ trở thành người Công Giáo.

Ngọn gió nào thổi tôi đến tiểu bang Alaska? Một trong các bà chị của tôi và chồng chị ấy sống ở Anchorage. Họ mời tôi về thăm dịp Giáng Sinh lúc tôi đang học năm thứ hai đại chủng viện. Mùa hè sau đó tôi lái xe đi Anchorage và làm việc trong một xưởng in. Tôi làm việc như thế hai mùa hè nữa. Alaska trở nên thân thiện và thu hút tôi hơn tiểu bang Indiana.

Khi tôi trở lại học thần học, tôi thưa với cha giám đốc ơn gọi rằng tôi muốn được truyền chức linh mục cho Tổng Giáo Phận Anchorage. Ngài thảo luận vấn đề ấy với Giám Mục McManus, là người chỉ thị cho tôi phải liên hệ với Tổng Giám Mục Hurley ở Anchorage. Hai vị giám mục đồng ý là chuyện thay đổi sẽ được thực hiện.

Tôi tuyên thệ làm ứng viên cho Tổng Giáo Phận Anchorage. Có một sự căng thẳng nơi tôi trong quyết định của mình. Bạn phải làm gì khi bạn có hai giám mục đều tuyệt vời cả? Tổng Giám Mục Hurley mời tôi bay lên Alaska để tôi có thể thăm các giáo xứ, và để ngài có thể xem tôi thế nào.

Tôi đến vào mùa hè và trú ngụ tại giáo xứ thánh Elizabeth Ann Seton, làm việc với cơ quan Xã Hội Công Giáo. Thật là một kinh nghiệm tuyệt vời. Chúng tôi vạch ra các chi tiết, và tôi được nhận vào tổng giáo phận.

Trở lại Cincinnati, tôi tiếp tục học và thụ phong linh mục. Một tuần sau đó tôi khởi hành về Alaska, nơi tôi được bổ nhiệm về xứ thánh Bê-nê-đic-tô ở Anchorage. Tôi ở đó năm năm, với bài sai duy nhất là làm phó xứ. Sau đó là ba lần làm cha xứ và tiếp theo là giáo xứ hiện tại của tôi, xứ Đức Mẹ Guadalupe.

Khi sống ở một trong các giáo xứ đó, xứ thánh Maria[6] ở Đảo Kodiak, tôi để ý đến một số người đứng bên ngoài nhà thờ một mình, không đi vào với các giáo dân khác. Tôi bước đến nói chuyện với họ và khám phá ra họ từ Mễ-Tây-Cơ đến. Hai người trong đám họ chỉ biết nói một chút tiếng Anh.

Tôi tìm hiểu về họ và nhận ra có sự hiện diện của người gốc Tây-Ban-Nha ở Kodiak. Một cặp vợ chồng Tây-Ban-Nha xin tôi rửa tội cho con của họ. Họ không biết nói tiếng Anh, mà tôi cũng chẳng biết nói tiếng Tây-Ban-Nha, vì thế tôi phải học những chữ trong nghi lễ với một cặp vợ chồng biết song ngữ. Tôi tập nói những chữ tiếng Tây-Ban-Nha để ít nhất làm cho mấy phụ huynh cảm thấy thoải mái lúc cử hành nghi lễ. Chúa Nhật đó tôi đã rửa tội cho em bé đầu tiên bằng tiếng Tây-Ban-Nha.

Đang khi cử hành nghi lễ, tôi thấy xúc động với ý nghĩ đây là một khoảnh khắc rất ý nghĩa trong cuộc sống của một gia đình, và họ không thể hiểu những gì đang diễn ra trong phụng vụ ngoại trừ qua biểu tượng. Điều ấy khiến tôi suy nghĩ. Tôi bắt đầu lưu ý là còn nhiều người Tây-Ban-Nha nữa trong xứ đạo. Họ hỏi xem tôi có nghĩ đến chuyện dâng Thánh Lễ bằng tiếng Tây-Ban-Nha không. Tôi mua một cuốn sách lễ nhỏ bằng tiếng Tây-Ban-Nha và học cách phát âm các từ ngữ.

Thế rồi tôi lên chương trình Thánh Lễ tiếng Tây-Ban-Nha. Một linh mục thông thạo ngôn ngữ đó đáng lẽ sẽ đến Anchorage để cử hành Thánh Lễ, nhưng ngài đã hủy cuộc hẹn khiến tôi phải làm thay. Mồ hôi rớt thành hột, nhưng một cách nào đó tôi đã vượt qua được. Tôi cho chạy cuốn băng bài giảng tiếng Tây-Ban-Nha và xoay sở để hoàn tất lễ nghi mà không đọc sai quá nhiều chữ.

Khoảng 200 người gốc Tây- Ban-Nha mà tôi chưa bao giờ gặp đã đến dự Thánh lễ. Tôi đã thấy những người này sống quanh khu vực nhà thờ, tha thiết mong mỏi một ai đó nhận ra ngôn ngữ và văn hóa của họ, và tôi lo lắng biến họ thành một phần của giáo xứ. Năm kế tiếp tôi đi nghỉ hè ở Guatemala, ghi danh học ngôn ngữ đó trong ba tuần tập trung.

Tôi đã hơi quen thuộc với ngôn ngữ đó khi trở về nhà. Những biến cố này khiến tôi nộp đơn xin đi tu nghiệp 16 tuần để học tiếng Tây-Ban-Nha ở nước Cộng Hòa Dominica, sau đó ở El Salvador. Từ đấy tôi đến Mexico City, nơi tôi sống trong đại chủng viện và học ở đại học. Lúc tôi trở lại Kodiak, tôi bắt đầu phụng vụ hằng tuần bằng tiếng TâyBan-Nha. Kinh nghiệm ấy trở nên một phần rất ý nghĩa trong đời linh mục của tôi.

Tôi ở Kodiak sáu năm và mất mối liên hệ thường xuyên với các bạn linh mục. Tôi thuộc về nhóm Jesus Caritas phải gặp gỡ hằng tháng và có một tuần tĩnh tâm thường niên, song thật khó đến các buổi họp từ Kodiak. Bởi lý do đó, tôi đã xin thuyên chuyển về Anchorage. Tôi được bổ nhiệm về xứ Đức Mẹ Guadalupe nơi mà tôi có thể dâng Thánh Lễ bằng tiếng Tây-Ban-Nha.

Thêm vào công việc làm với người gốc Tây-Ban-Nha, tôi cũng đã làm một số mục vụ với người Phi-Luật-Tân. Có một năm tôi du hành khắp Phi-Luật-Tân để học hỏi về các vấn đề xã hội, kinh tế và chính trị ở đó. Tôi cũng học cách cử hành Thánh Lễ bằng tiếng Tagalog, và tiếng mẹ đẻ của người Phi.

Có một tuần lễ di sản văn hóa Phi-Luật-Tân ở Kodiak mỗi năm, và tôi được mời dâng Thánh Lễ. Tôi cử hành lễ bằng tiếng Tagalog, và những người Phi vui mừng hết sức. Dân số vùng Kodiak vào khoảng 3.000 hay 4.000 người Phi và 1.000 gốc Tây-Ban-Nha, trong một khu dân sinh khoảng 11.000 người. Hầu hết những người Phi đều là Công Giáo. Lúc tôi rời Kodiak, giáo xứ gần như là một cộng đoàn người Phi.

***
Một trong những kinh nghiệm khích lệ nhất trong đời tôi, và tôi chắc là điều ấy đúng đối với hầu hết các linh mục, là khi một người nào đó cảm nhận được ơn chữa lành sâu xa qua bí tích hòa giải, nghĩa là một người đã rời xa Giáo Hội, rồi trở về. Những biến cố như thế cho tôi thấy mình có giá trị, cái cảm tưởng là một cách nào đó tôi đã hoàn thành được một điều gì rất ý nghĩa – đúng hơn là Thiên Chúa đã hoàn thành nó qua tôi, và Chúa cần tôi cho giờ phút ân sủng đó. Thật là một điều kỳ diệu được làm khí cụ mang lại sự bình an và chữa lành cho một người bị thương tích.

***
Cam kết là một khái niệm quan trọng đối với tôi. Tôi không coi nhẹ lời cam kết. Khi tôi cam kết điều gì, tôi cần phải làm theo. Trong những ngày còn trai trẻ, tôi đã không làm như thế, nhưng trong quân đội tôi không có lựa chọn, việc đơn giản là tôi phải làm theo thôi. Đó là một sự học hỏi mà tôi trân quý, và tôi luôn cảm thấy thích hơn khi quân đội bó buộc tôi giữ một lời cam kết nào.

Tôi nhận ra rằng tôi càng hoàn tất một điều đã khởi sự, tôi càng cảm thấy hài lòng hơn về chính mình. Cam kết trong đời linh mục và trong hôn nhân thật quan trọng. Cần có sự kiên quyết cho mỗi chặng đường trong cuộc sống.

Độc thân là một vấn đề khó cho nhiều linh mục. Tôi thấy nhiều giá trị trong đó cho bản thân mình. Đó là dấu hiệu của sự mâu thuẫn, dấu hiệu của vương quốc, và là nguồn của việc rao giảng tin mừng. Khi một người sống một cuộc đời đối nghịch lại với những giá trị của xã hội trần thế, người ta sẽ phải tự hỏi “Tại sao họ lại làm như vậy?” Giá như giáo luật thay đổi ngày mai, tôi sẽ không vội vàng đi tìm cô dâu.

Rõ ràng có một số lợi ích trong cuộc sống tự do và một cơ hội để hiện diện cho nhiều người hơn. Tôi coi đó là một món quà cho tôi, nhưng không hẳn là món quà cho tất cả mọi người. Nhiều người đã bỏ đời linh mục, song tôi còn ở lại. Nói cho cùng, tôi tin rằng Thiên Chúa gọi tôi làm linh mục.

Điều ấy nghe có vẻ đơn giản, nhưng tôi xác tín rằng chức linh mục không phải do tôi lựa chọn: nó là điều Thiên Chúa chọn. Đây là món quà mà Thiên Chúa đã trao tặng cho đời tôi. Tôi cũng nhận biết rằng bất kể ơn gọi nào mà Chúa ban cho một người –dù là lập gia đình, làm linh mục, hay sống độc thân– đều chẳng bao giờ dễ dàng cả.

Thật tình tôi thích mỗi người chúng ta được tìm hiểu để tùy chọn sống độc thân. Trong giáo phận này chúng tôi sắp truyền chức cho một người đàn ông đã lập gia đình, đó là Scott Medlock, một mục sư Giám Lý mà vợ và các con ông ấy đều là Công Giáo. Ông ta thích thú với Công Giáo, song cũng muốn làm mục sư.

Với những chỉ thị mới sau Công Đồng Vatican II, ông đã tìm hiểu khả năng có thể được truyền chức linh mục. Ông tìm được một giám mục nâng đỡ, chuyển về Alaska, và trở lại đạo. [Giáo Hoàng John Paul II đã cho phép, và mục sư Medlock thụ phong linh mục cho Tổng Giáo Phận Anchorage ngày 26 tháng 7 năm 1996.

Các con trai ông giúp lễ trong Thánh Lễ truyền chức, và trong Thánh Lễ mở tay, cha Theodore Hesburgh, cựu viện trưởng đại học Notre Dame và là vị linh mục đã làm phép cưới cho họ, đến giảng thuyết. Tổng giám mục Francis Hurley nhắc đến lễ truyền chức của Medlock trong bài viết “Sự Trở Lại Mục Vụ Của Các Linh Mục Đã Lập Gia Đình Không Hoạt Động” (Tạp chí America, số 28 tháng 2 năm 1998, trang 13-16)].

Cha Medlock sẽ có một chiều kích đặc biệt cho công việc mục vụ qua hôn phối và các con mà những người khác không làm được. Trong khi có một dấu hiệu giá trị đối với đời sống độc thân không nên bị mất, những tài năng mà người đàn ông này có cũng quan trọng vậy.

***
Trái tim và trung tâm của đời sống linh mục là Thánh Thể: đó là điều chính yếu mà linh mục là người không thể thiếu được, và bí tích hòa giải. Nói cho ngay, linh mục là sự sống còn cho đời sống nhiệm tích của Dân Chúa. Linh mục cũng cần thiết cho các anh em linh mục của mình. Tôi thường nghĩ về kinh nghiệm của cha Michael Shields.

Ngài được truyền chức trước tôi một năm. Ngài đã trải qua một giai đoạn khó khăn vì bất đồng chính kiến và đang kiếm tìm giải pháp. Ngài dường như cảm thấy có một ơn gọi theo Chúa một cách đặc biệt, một ơn gọi sẽ giúp làm mới lại sứ vụ linh mục. Cuối cùng ngài xin nghỉ một thời gian để suy nghĩ.

Ngài đã thực hiện một cuộc tĩnh tâm khá dài, sau đó ngài tin rằng đã nhận được ơn gọi đi Nga, và đồng thời một ơn gọi sống hoàn toàn nghèo khó. Ngài đã phân phát hết mọi thứ mình có và mặc áo dòng: Ngài gặp hằng tuần và cầu nguyện cùng với tổng giám mục suốt một năm trọn để biện phân ơn gọi của mình.

Tôi cảm động trước tinh thần của ngài, sự nhiệt thành, ngay thẳng, thành thật, cởi mở và thuận phục nữa. Tôi cũng cảm động trước liên hệ giữa linh mục với linh mục giữa cha Michael và tổng giám mục. Cha Michael đang làm tốt công việc của một cha xứ trong xứ đạo Magadan ở Nga.

Magadan là một thành phố mà bẩy triệu tù nhân đã đi qua để tiến đến chỗ chết –khu vực của trại tù tồi tệ nhất. Đó là nơi mà Solzhenitsyn gọi là “cái cực lạnh của trại tù khổ sai.”

***
Các linh mục có thể làm nhiều điều để cổ võ ơn gọi. Chúng ta cần phải cho thấy cuộc đời mình là hạnh phúc và viên mãn, rằng có sự hoàn thành, và thỏa lòng trong những gì chúng ta đang làm. Tôi có là một linh mục hạnh phúc không? Có, tôi hạnh phúc lắm. Một vài ngày tôi không cảm thấy hạnh phúc, song luôn luôn có ý nghĩa và sự hoàn thành trong những gì tôi làm.

Các linh mục chúng ta cũng cần mời gọi quý ông vào làm linh mục. Có một người bạn trẻ đã nói chuyện với một số cha sở về ơn gọi. Khi tôi nói chuyện với anh ta, anh bảo tôi rằng tôi là người đầu tiên xin anh trở thành linh mục. Phải, tôi có yêu cầu anh ấy. Tôi gặp một chú bé ở một đại hội mới đây và nói với em rằng em nên nghĩ đến việc làm linh mục.

Em nói là đã từng nghĩ về việc học làm linh mục năm năm rồi, song chưa bao giờ được một lời khích lệ. Em đang hy vọng được vào chủng viện mùa thu này.

Tôi nói cho các anh em thuộc mọi lứa tuổi rằng chức vụ linh mục là một thách đố và một cuộc mạo hiểm. Tôi cho họ biết họ sẽ không tìm được một bài sai gọn gàng tốt đẹp đâu. Đúng hơn, họ sẽ tìm thấy cả hằng tấn công việc phải làm, họ sẽ gặp nhiều thử thách, song tất cả đều là một phần của bất cứ nghề nghiệp nào.

Tôi nói thêm là có một điều họ chắc chắn sẽ tìm được là sự thỏa lòng lớn lao, một niềm hạnh phúc sâu xa, một cảm giác vui thỏa và hoàn thành mỗi lần họ mang một người nào đó lại gần Chúa hơn, mỗi khi họ giúp một ai đó tìm lại ý nghĩa cuộc sống, mỗi lần họ tìm được con chiên lạc, mang con chiên ấy trên vai và mang chiên trở về đàn.


Nguồn: GP Xuân Lộc

Bạn có thể quan tâm

Đức tin của Michael Jackson, gia nhập Công Giáo khi nghe bài hát Ave Maria

Michael Jackson, gia nhập Công Giáo khi nghe bài hát Ave Maria

Công ty sản xuất phim Condor Pictures Production sẽ chiếu phim “Món quà từ Chúa” (A Gift from God) trong Liên hoan phim Cannes tháng 5 năm nay, cuốn phim do bà Liana Marabini viết kịch bản và đạo diễn nói về một khía cạnh gần như chưa được biết đến của Michael Jackson liên quan đến đức tin của ông. Ông là một người ngưỡng mộ Đức Gioan Phaolô II. Phim kể lại bảy năm trong đời của vua nhạc Pop từ 1982 đến 1989: thời đại của Thriller, Billie Jean, Bad và những bản nhạc thành công khác.

lên đầu trang