Tắt Quảng Cáo [X]

Bất ngờ sự trùng hợp trong chuyện lạ cây có hình Chúa Giêsu tại Gia Lai – Xin cầu nguyện

10:19 17/09/2023
hoc du

Bài viết được chia sẻ từ fanpage Gieo Mầm Ơn Gọi:

Kính thưa cộng đoàn, 

Mấy ngày dân mạng xôn xao với sự kiện lạ lùng: “Gương mặt Chúa Giê-su, buồn, rất buồn tỏ hiện trên cây si. Điều đáng nói là cây si, một cây cổ thụ ở giữa chợ, vì thế có rất nhiều người ngoại thấy và cả những người Công giáo cùng đổ xô tới mang theo hương hoa tới khấn vái nguyện cầu. Trong số đó còn có nhiều người còn thấy cả hình Đức Mẹ nữa.”

Gương mặt Chúa buồn, có một điều trùng hợp lạ lùng là gương Mặt buồn của Chúa tỏ hiện ngay trước hai ngày lễ kính nhớ sự thương khó của Chúa Giê-su; (Lễ Suy Tôn Thánh Giá) và sự đau đớn của Đức Mẹ; (Lễ Đức Mẹ Sầu Bi). Cùng với hai ngày lễ này trong giáo phận phép lạ xảy ra cũng là những ngày buồn với tang lễ Đức cố Giám mục hữu Phê-rô Trần Thanh Chung. Lễ an tang ngài đúng vào ngày lễ (Lễ Suy Tôn Thánh Giá, 14/9).

***
Trong câu chuyện Thiên Chúa hiện ra trong lửa cháy giữa bụi gai, Chúa muốn cho chúng ta thấy mấy điều sau:
1. Ngài hiện ra ở bất cứ nơi nào Ngài muốn
2. Nơi nào Ngài hiện ra thì đó là Đất Thánh, và nơi đó Chúa muốn mọi người phải cung kính.

Thật vậy; Chúa phán với ông Mô-sê: “Chớ lại gần! Cởi dép ở chân ra, vì nơi ngươi đang đứng là đất thánh.

Lần đó ông Mô-sê không được nhìn thấy dung nhan của Chúa, mà chỉ nhìn thấy lửa cháy ở giữa bụi gai. Ngay cả danh xưng của Thiên Chúa ông cũng không biết, vì thế Thiên Chúa nói với ông: “Nếu họ hỏi con: Tên Đấng ấy là gì? Thì ngươi trả lời họ: “Thiên Chúa là Đấng Hiện Hữu.” Đó là danh Ta muôn thuở, danh hiệu các ngươi sẽ dùng mà kêu cầu Ta từ đời nọ đến đời kia.”

Từ câu chuyện của ông Mô-sê chúng ta có thể liên tưởng tới câu chuyện cây si gây nhiều tranh cãi mấy ngày qua bởi có một số người theo quan niệm dân gian cho rằng cây đa cây đề thì chỉ có ma quỷ chứ Thiên Chúa nào ở đó, nhưng Chúa đã hiện diện không phải chỉ ở nơi cây cổ thụ đẹp nhưng Ngài ở giữa bụi gai với lửa cháy.

Người Công giáo Việt nam chúng ta chắc chắn ai cũng biết tới bài thánh ca: “Năm xưa trên cây sồi làng Fatima xa xôi…”

Thật vậy, Đức Mẹ đã hiện ra trên cây sồi.

Ở Việt Nam chúng ta Theo Tư liệu Tòa Tổng Giám mục Huế – 1998, dưới triều đại vua Cảnh Thịnh (lên ngôi năm 1792), với chiếu chỉ cấm đạo ngày 17 tháng 8 năm 1798, một số các tín hữu ở gần đồi Dinh Cát (nay là thị xã Quảng Trị) phải tìm nơi trốn ẩn. Họ đã đến lánh nạn tại núi rừng La Vang. Nơi rừng thiêng nước độc, hoàn cảnh ngặt nghèo, thiếu ăn, bệnh tật, sợ hãi quan quân, sợ thú dữ, các tín hữu chỉ biết một lòng tin cậy phó thác vào Thiên Chúa và Đức Mẹ. Họ thường tụ tập nhau dưới gốc “cây đa” cổ thụ, cùng nhau cầu nguyện, an ủi và giúp đỡ nhau.

Một hôm đang khi cùng nhau lần chuỗi Mân Côi kính Đức Mẹ, bỗng họ nhìn thấy một người phụ nữ xinh đẹp, mặc áo choàng rộng, tay bồng Chúa Hài Đồng Giêsu, có hai thiên thần cầm đèn chầu hai bên. Họ nhận ra ngay là Mẹ Maria. Mẹ bày tỏ lòng nhân từ, âu yếm, và an ủi giáo dân vui lòng chịu khó. Mẹ dạy hái một loại lá cây có sẵn chung quanh đó, đem nấu nước uống sẽ lành các chứng bệnh. Mẹ lại ban lời hứa: Mẹ đã nhận lời các con kêu xin. Từ nay về sau, hễ ai chạy đến cầu khẩn Mẹ tại chốn này, Mẹ sẽ nhận lời ban ơn theo ý nguyện.

Đức Mẹ hứa “Từ nay về sau, hễ ai chạy đến cầu khẩn Mẹ tại chốn này”. Chốn này chẳng phải là vị trí “cây đa” xưa đó sao? Và từ chốn này nỗi bao nỗi buồn đã hoá thành niềm vui. Cũng vậy, nơi cây si này với những ai biết đón nhận thì nỗi buồn cũng hoá thành niềm vui cho dù có người coi thường hay chế nhạo. Đặc biệt đây chính là niềm vui cho GHCGVN chúng ta nói chung và Giáo phận Kon tum nói riêng vì: “Chúa Giê-su đến viếng thăm và tỏ mình ra cho dân ngoại.”

***
Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Ðông, nên chúng tôi đến bái lạy Người.” (Mt 2, 2b)

Đó là câu chuyện của hơn hai ngàn năm trước, ba nhà thông thái nhờ ngôi sao dẫn đường họ đã đến gặp Chúa và thờ lạy Ngài, dù trước đó họ chưa bao giờ được nghe biết về Thiên Chúa. Hôm nay Chúa không ngự ở cây si, nhưng qua nó Chúa tỏ mình ra cho dân ngoại. Khởi đầu là các vị sư tới hạ cây đó để đưa vào trồng trong chùa, kế đó là biết bao người dân thường khác vì cây si, cây cổ thụ này đang ở giữa chợ, tiếp sau nữa là công an, là chính quyền địa phương.

Theo một nguồn tin cho biết: Cây si có hình khuôn mặt Chúa Giêsu ở chợ Nghĩa Hưng – Chư Pah – Gia lai đã được chính quyền địa phương đề nghị Nhà thờ Ea Hlu (hay gọi Nhà thờ Sê Đăng) đưa về. Sau khi trao đổi, Nhà thờ Ea Hlu đã chấp nhận với danh nghĩa chính quyền tặng cây cảnh chứ không đặt nặng về tâm linh và chiều tối qua (12/9/2023) cây đã đưa về khuôn viên Nhà thờ Ea Hlu.

Tạ ơn Chúa! Điều này chẳng lẽ không phải là một dấu lạ nếu không muốn nói là phép lạ đó sao? Và chừng đó vẫn chưa đủ để chúng ta nói lên câu: Tạ ơn Chúa! hay sao???.

Chắc chắn các sư trong chùa, và giới chính quyền họ đã thấy Chúa. Họ thấy bằng cách nào, bằng hình ảnh hay ngôn ngữ, Chúa biết và chính họ biết.

Chúa phán: “Còn anh em, mắt anh em thật có phúc vì được thấy, tai anh em thật có phúc, vì được nghe. Quả thế, Thầy bảo thật anh em, nhiều ngôn sứ và nhiều người công chính đã mong mỏi thấy điều anh em đang thấy, mà không được thấy, nghe điều anh em đang nghe, mà không được nghe.” (Mt 13, 16-17).

Quả vậy, thật là có phúc cho những ai được thấy, được nhận ra đó là khuôn mặt của Chúa, vì chính vị ngôn sứ vĩ đại và là thủ lãnh tối cao của dân Israel – ông Mô-sê chỉ được nghe tiếng Thiên Chúa giữa ngọn lửa bụi gai cháy, chứ không thể nhìn được dung nhan của Ngài.

Chúa phán: “Nhưng nếu Ta làm các việc đó, mà anh em không muốn tin Ta, thì ít ra hãy tin các việc ấy, để nhận biết và tin Cha ở trong Ta và Ta ở trong Cha” (xGa 10, 38).

Vậy nếu ai đó không tin vào việc khuôn mặt Chúa tỏ hiện ở thân cây thì hãy nhìn vào phép lạ Chúa đã làm cho những người ngoại này.

Chúa phán: “Thế thì của Caesar, trả về Caesar; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa.”(Mt 22,21)

Cây si khi Thiên Chúa muốn nó phải ở vị trí mà Ngài muốn là khuôn viên nhà thờ thì ai có thể cưỡng lại được. Chúa đưa cây si từ ngoài vào khuôn viên nhà thờ chẳng phải là Ngài muốn mọi người tới nhà thờ, và qua cây si Ngài sẽ đưa nhiều người ngoại cùng những con chiên lạc trở về với Ngài. Thực sự cái cây đó cũng đã thu hút nhiều người tới nhà thờ đó và sẽ có nhiều người ngoại khác nữa sẽ tới. Việc của chúng ta, của mọi người Công giáo Việt nam là hãy nói lời Tạ ơn Chúa và cầu nguyện cho Danh Cha cả sáng và Ý Cha được thể hiện, cùng mở rộng vòng tay và tâm hồn để đón nhận, để dắt dìu họ đi tới lãnh nhận Bí tích rửa tội và Bàn Tiệc Thánh.

***
“Tôi đã thấy Chúa”. Đó là lời rao giảng đầu tiên về Tin Mừng Phục sinh của CHÚA GIÊ-SU. (Ga 20, 18). Lời rao giảng đầu tiên này không phải được phát ra từ môi miệng của ai đó trong các tông đồ, nhưng lại là lời của người phụ nữ nổi tiếng ăn chơi trác táng. Đặc biệt bà là người được Chúa Giê su giải thoát khỏi bảy quỷ. (x Lc 8, 2). Ðó là bà Maria Mácđala.

Chuyện của 2000 năm trước là thế và hôm nay tại một vùng quê phố núi, không phải là một Maria Mácđala nhưng là nhiều Maria, nhiều Mátta cùng nhiều, rất nhiều các vị khác cùng nói lên điều xác tín đó bằng chính hành động của họ rằng : “Tôi đã thấy Chúa”, dù hành động đó có thể làm cho một số người không hài lòng.

Ước gì mỗi người chúng ta, cách riêng những ai nhìn thấy rõ gương mặt của Chúa tỏ hiện nơi thân cây này được trở nên những vị vua, như ba vua tới thờ lạy Chúa khi Ngài mới hạ sinh nơi máng cỏ.

– Vua của lòng can đảm lên đường tìm kiếm Chúa ở mọi nơi mọi hoàn cảnh.
– Vua của lòng mến để tạo nên sức mạnh không ngại ngần, không kiêu kỳ, kiêu sa với vẻ giàu sang quý phái của mình để biết quỳ xuống dưới chân Chúa mà tôn thờ.
– Vua của lòng quảng đại mà dâng hiến cho Thiên Chúa. Amen

***
“Tôi đã thấy Chúa”. Vâng, người viết bài này đã nhìn thấy rất rõ gương mặc của Chúa Giê-su tỏ hiện trên cây si này.

Bạn có thể quan tâm

lên đầu trang