Nguồn ảnh: St
Cách đây không lâu, một thống kê cho biết, tại làng Trung Thành, thuộc xã Hải Vân, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định, suốt 8 năm, từ năm 1982 đến năm 2000, nơi có 6.000 giáo dân sinh sống, chỉ có hai cặp bỏ nhau.
Tuy nhiên, đây mới là kỷ lục. Tại giáo xứ Hà Hồi, thuộc xã Hà Hồi, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội, nơi có 1.500 giáo dân, nhưng từ năm 1945 đến năm 2015, chỉ có hai đôi ly thân.
Xưa rồi Diễm…
Đó là chuyện xưa! Không biết hiện nay, tại hai giáo xứ kể trên có bao nhiêu đôi ly hôn? Nhưng trong thực tế, những năm gần đây, tình trạng ly hôn của các cặp hôn nhân tại các xứ đạo gia tăng từng năm.
Nếu trước đây, nói về tình trạng ly hôn tại các xứ đạo, người ta thường tính xem có bao nhiêu xứ đạo có người ly hôn, thì nay phải tính xem có bao nhiêu đôi ly hôn trong một xứ đạo.
Có một thực tế, ngay tại những xứ đạo truyền thống, trước đây thường không có đôi nào ly hôn, thì nay tình trạng ly hôn trở nên phổ biến và khá dễ dàng.
Tại giáo xứ Đ.C., thuộc giáo phận Phát Diệm, một giáo xứ truyền thống, trước đây không có đôi nào ly hôn, thì nay đã có khoảng hơn ba mươi đôi hôn nhân ly dị, hay tại một họ giáo nhỏ của huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội với khoảng 180 gia đình, thì đã có 8 gia đình chia tay…
Lý do chia tay
Theo Ủy Ban Mục Vụ Gia Đình trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, trước tòa án dân sự, các cặp ly hôn thường chỉ nêu lý do là do không hợp nhau.
Tuy nhiên, trong thực tế, có bốn nguyên nhân đang tạo nên “tâm bão ly hôn”, trong đó có những cặp đôi Công giáo. Đó là: mâu thuẫn về lối sống: 27,7%; ngoại tình: 25,9%; kinh tế: 13%; bạo lực gia đình: 6,7%.
Một thống kê khác cho thấy, 70% số vụ ly hôn thuộc về các gia đình trẻ mà vợ/chồng trong độ tuổi từ 18 – 30; trong đó 60% ly hôn sau khi kết hôn từ 1 – 5 năm, nhiều trường hợp mới cưới nhau được vài tháng và những người đứng đơn đa phần là phụ nữ.
Gia đình là công trình của Chúa
Đối với các gia đình Công giáo đổ vỡ hôn nhân, ngoài những nguyên nhân kể trên, một trong những yếu tố quan trọng khiến hôn nhân đổ vỡ dẫn đến chia tay, là do họ đánh mất cảm thức về sự thánh thiêng của tình yêu hôn nhân gia đình, đã được Chúa thiết lập qua bí tích Hôn nhân.
Một nghiên cứu tại Mỹ gần đây cho thấy: “Những cặp vợ chồng càng sùng đạo thì càng tạo được sự bền vững, sự thỏa mãn và nhiều phúc lợi trong đời sống gia đình của họ”. Nghiên cứu cũng cho thấy: số những người đến nhà thờ hàng tuần ly dị ít hơn nhiều lần số những người không bao giờ đến nhà thờ.
Vì thế, ngoài việc chuẩn bị kỹ lưỡng cho các bạn trẻ trước khi kết hôn, để cho hôn nhân bền vững, các cặp vợ chồng còn phải luôn xây dựng gia đình và nhìn gia đình trong sự quan phòng của Chúa, để công tác với Ngài bằng đời sống hy sinh, yêu thương, tha thứ và cầu nguyện với nhau trong gia đình.
Mẹ Têrêxa Calcuta đã từng chia sẻ: “Người ta hỏi tôi dùng lời khuyên nào cho các đôi vợ chồng đang phải khổ sở tranh đấu trong quan hệ hôn nhân. Tôi luôn trả lời: Cầu nguyện và tha thứ. Đối với những thanh thiếu niên lớn lên từ những gia đình bạo lực, tôi cũng nói: Cầu nguyện và tha thứ. Và đối với cả các bà mẹ đơn thân không được gia đình nâng đỡ, tôi cũng nói: Cầu nguyện và tha thứ”.
Theo: Phảilàmgì?