Tắt Quảng Cáo [X]

Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tình trạng ly hôn tại các xứ đạo là Xuất khẩu lao động?

12:39 15/03/2024
hoc du
Những năm gần đây, tình trạng người Công giáo ly hôn ngày càng tăng. Điều đáng nói, sự gia tăng các cuộc ly hôn tại các xứ đạo lại chủ yếu đến từ “xuất khẩu lao động.”

phailamgi_Ly hôn_cv1.jpg
Ảnh: phunuvietnam.vn

Làn sóng xuất khẩu lao động bắt đầu tại Việt Nam từ những năm 1980 và gia tăng từng năm. Hiện nay, mỗi năm có hàng trăm ngàn người ra nước ngoài tìm kiếm cơ hội đổi đời tại các thị trường xuất khẩu lao động.

Tuy nhiên, đằng sau những đồng ngoại tệ kiếm được, những ngôi biệt thự được xây lên từ những nguồn tiền do xuất khẩu lao động, là những sự thật đắng cay: vợ chồng lục đục kéo nhau ra tòa, con cái hư hỏng khi thiếu bàn tay chăm sóc, dạy bảo của bố mẹ…

Tan nát những xứ đạo vùng quê
Nằm sát bờ Sông Hồng, giáo xứ T.L., một giáo xứ cổ kính, có bề dầy về đời sống đức tin. Giáo xứ chỉ vỏn vẹn có hơn hai trăm gia đình, và mới chỉ bắt đầu tham gia trào lưu xuất khẩu lao động mấy năm gần đây với chưa đầy 50 người đi hợp tác xuất khẩu lao động, nhưng đã có hàng chục đôi hôn nhân ly dị. Các đôi hôn nhân này đều có vợ hoặc chồng đi xuất khẩu lao động.

Chị Maria Nguyễn Thị H. một tân tòng lấy chồng theo đạo. Cách đây mấy năm, chồng chị một người Công giáo đạo dòng, gốc Bùi Chu, sang Nga làm ăn. Xa nhà, xa gia đình, thiếu thốn tình cảm, những năm sống tại Nga, anh quen và sống với một phụ nữ khác. Sau khi trở về quê, anh nhất quyết bỏ vợ và hai đứa con để tự do đi theo tiếng gọi của tình yêu. Tuy nhiên, cuộc hôn nhân hờ cũng sớm tan vỡ. Hiện không ai biết anh đang lưu lạc nơi đâu.

Nổi tiếng đạo đức và có truyền thống kiên trung trong đức tin, nhưng ngay cả các giáo xứ tại các giáo phận Vinh, Hà Tĩnh, cũng phải chịu chung tình trạng các gia đình trẻ ly hôn vì lý do xuất khẩu lao động.

Giáo xứ K.L. nằm ngay cạnh quốc lộ I, thuộc giáo phận Hà Tĩnh, giáo xứ có bề dầy lịch sử cả trăm năm. Trước đây, giáo xứ hầu như không có ai ly hôn. Tuy nhiên, kể từ khi phong trào xuất khẩu lan rộng, nhà nhà có người đi xuất khẩu lao động, thì tình trạng ly hôn cũng gia tăng từng năm. Trong số khoảng hơn 400 gia đình, thì đã có hàng chục gia đình ly hôn, đó là chưa kể cũng có hàng chục gia đình khác đang trên bờ vực đổ vỡ, do xuất khẩu lao động.

phailamgi_Ly hôn_cv2.jpg

Ảnh: pinterest.co.uk

Chị Anna Đ.T.L, 38 tuổi vừa phải ra tòa kết thúc cuộc hôn nhân kéo dài 17 năm sau nhiều lần được giáo xứ và tòa án hòa giải. Năm 21 tuổi, chị kết hôn với một người Công giáo xứ bên cạnh. Cuộc hôn nhân thật hạnh phúc với 3 đứa con chào đời chỉ trong vòng 5 năm. Năm 2013, do kinh tế khó khăn, chị lên đường sang Hàn Quốc theo diện xuất khẩu lao động. Do chăm chỉ làm ăn, chị nhanh chóng gửi tiền về cho chồng trả nợ và xây nhà. Ở nhà, do không làm gì, anh sinh cờ bạc, rượu chè, chơi bời. Năm 2020, hết hạn hợp đồng, chị trở về. Tài sản không còn, chồng nghiện ngập, hai bên thường xuyên cãi vã không hòa giải được dẫn tới ly hôn.

Nỗi đau không hồi kết
Trên đây chỉ là vài trường hợp điển hình, trong số hàng trăm, hàng ngàn gia đình Công giáo đã ly hôn tại các giáo xứ thuộc các giáo phận có bề dầy truyền thống đức tin, nhưng nay đang phải đối diện với tình trạng ly hôn ngày càng gia tăng, có nguy cơ không hồi kết.

Việc ly hôn dễ dàng, ồ ạt đa phần liên quan tới xuất khẩu lao động, thực tế, đang đe dọa hầu hết các xứ đạo, đặc biệt tại các xứ đạo có đông người trẻ tham gia xuất khẩu lao động. Việc ly hôn không chỉ làm biến dạng cấu trúc gia đình mà còn đang phá vỡ bầu khí đạo đức tại các xứ đạo, kéo theo nhiều hệ lụy khó lường, như con cái vì không được cha mẹ quan tâm chăm sóc dẫn tới chơi bời, hư hỏng… Tại các giáo xứ này, nhiều ngôi biệt thự chỉ có các người già và trẻ em sinh sống.

phailamgi_ly hôn_01.jpg

Ảnh: istockphoto.com

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng ly hôn của các cặp đôi này là do vợ chồng xa nhau lâu ngày, thiếu thốn tình cảm dẫn đến phát sinh tình cảm ngoài luồng.

Bên cạnh đó, có những người do sinh sống ở nước ngoài quá lâu, từ 10 – 20 năm nên bị ảnh hưởng bởi lối sống, tập quán của người bản địa, dẫn đến có nhiều trường hợp đã không trở về, hoặc một số về lại quê nhà thì tư duy, lối sống đã thay đổi.

Đó là chưa kể đến, trong quá trình làm ăn, nhiều trường hợp tích cóp gửi tiền về để nuôi chồng, nuôi con nhưng số tiền này đã bị “nướng sạch” vào lô đề, cờ bạc, rượu chè và thậm chí là bồ bịch, dẫn đến bao năm tích cóp xứ người, nghèo vẫn hoàn nghèo nên xung đột nảy sinh, từ đó gia đình tan vỡ…

Câu hỏi đặt ra là: Làm thế nào để giảm bớt tình trạng ly hôn đang ngày càng gia tăng tại các xứ đạo mà nguyên nhân chủ yếu do xuất khẩu lao động?


Theo: Phảilàmgì?

 

Bạn có thể quan tâm

lên đầu trang