Tắt Quảng Cáo [X]

Tại sao người Công giáo gọi Chúa Nhật thay vì chủ nhật?

10:45 07/10/2023
hoc du
Có nhiều bạn hỏi tôi rằng, tại sao những người đạo Thiên Chúa (Công giáo) cứ cố tình kêu nhang nhảng cái chữ “Chúa Nhật” mà không phải gọi chữ “Chủ Nhật” như người ta thường gọi, có phải họ cố tình truyền đạo hay tôn vinh Đạo của họ lên trước mặt mọi người chăng?!
Giờ lễ Nhà Thờ Hà Đông (Gò Vấp) ✞ Giờ thánh lễ - giothanhle.net

Xin cắt nghĩa thế này, dù bạn gọi Chúa Nhật hay Chủ Nhật cũng là ngày của Chúa chúng tôi. Vì nguồn gốc của tên gọi Chúa Nhật (Chủ Nhật) trong tiếng Việt xuất phát từ đạo Công Giáo. Tên gọi gốc là “Chúa Nhật”, Nhật có nghĩa là ngày, Chúa Nhật có nghĩa là “ngày của Chúa”. Chữ Chúa và Chủ đều bắt nguồn từ chữ zhǔ (主) trong tiếng Hán, vì lúc Thiên Chúa Giáo truyền vào Trung Hoa, người Tàu dịch là Thiên Chủ, sau đời Mãn Thanh mới đổi thành Thiên Chúa cho trang trọng. Chúa và Chủ đều giống nhau. Nên có thể gọi là Chúa Nhật hoặc Chủ Nhật đều như nhau. Người theo đạo Công giáo buộc phải đi lễ nhà thờ, giữ tâm tịnh và kiêng việc xác thịt vào ngày này.

Trước năm 1975, hầu hết trong văn bản hành chánh, văn chương sách vở, âm nhạc, truyền thông… đều kêu là ngày “Chúa Nhật” chớ không ai kêu Chủ Nhật cả. Sau năm 1975, chính quyền Đảng Cộng Sản không muốn cho dân chúng kêu bất cứ tên gọi nào có “mùi” Tôn Giáo nên kêu từ “Chủ Nhật” nghe cho nó nhẹ, riết rồi quen miệng hơn mấy chục năm nay.

Ví dụ, từ trong Âm Nhạc, nó chẳng phải Thánh Ca ca ngợi Chúa -tôn giáo gì cả, nhưng người ta vẫn quen gọi Chúa Nhựt.

“Hôm chia tay chiều Chúa Nhật, anh bảo rằng tuần sau anh đến, hái một nụ hoa xinh xin màu tim tím anh cài lên mái tóc thề…” (Hoa Mười Giờ – Đài Phương Trang.)

“Hôm nay ngày Chúa Nhật vườn tao ngộ em đến thăm anh, đường Quan Trung nắng đổ xa xôi mà em đâu có ngại khi tình yêu ngun ngút cao lên rồi…” (Vườn Tao Ngộ- Khánh Băng)

“Chiều Chúa Nhựt lối năm giờ, cô Lý giấu chồng để dành tiền được hai trăm đồng bạc, cô đi qua Mỹ Tho vay thêm một trăm đồng bạc nữa để hùn hạp làm tiệm lúa cho Kỳ Tâm làm Tổng Lý…” (Tiểu thuyết Tỉnh Mộng – Hồ Biểu Chánh).

Ngày xưa, không ai kêu Chủ Nhật, cho nên đừng nghĩ những người đạo Thiên Chúa truyền đạo mà kêu tên Chúa, mà phải biết ngày “Chúa Nhật” nguồn gốc nó từ đâu.

Petrus Trần
______________
Có 1 bài viết khác do BÁO BÌNH ĐỊNH đăng tải, tác giả là ThS. Phạm Tuấn Vũ. Nội dung bài viết như sau:

Từ đâu mà có “chủ nhật”?

Trong bảy ngày của tuần, ngày cuối cùng lại có tên gọi riêng, không nằm trong hệ thống thứ + n như tên của sáu ngày trước đó. Về ý nghĩa của tên gọi “chủ nhật”, không phải ai cũng rõ. Vậy, từ đâu mà có “chủ nhật” và ý nghĩa của nó là gì?

Trước hết, về nguồn gốc ngôn ngữ, “chủ nhật” là một từ Việt gốc Hán. Trong đó, “nhật” (chữ cũng là bộ), có nghĩa là “mặt trời” (như trong từ nhật nguyệtnhật thực) và “ngày” (như trong sinh nhật). Còn “chủ” (bộ chủ với tự dạng một dấu chấm) lại có hai âm đọc là “chủ” và “chúa”. Với âm đọc “chủ”, nó có nhiều nghĩa, chẳng hạn: 1. Vua, chúa (như trong quân chủ); 2. Người tiếp khách trong quan hệ với khách (như trong chủ khách); 3. Kẻ thuê người làm trong quan hệ với người làm thuê (như trong chủ tớ); 4. Người sở hữu tài sản (như trong địa chủ); 5. Người lãnh đạo (như giáo chủ)… Còn với âm đọc “chúa”, từ này có các nghĩa: 1. Người chủ; 2. Người có quyền lực cao nhất trong một miền hoặc một nước có vua thời phong kiến (như Chúa Trịnh); 3. Đấng tạo hóa của đạo Thiên Chúa; 4. Con cái chuyên lo việc sinh đẻ ở một số loại côn trùng (như ong chúa).

Như vậy, giữa hai chữ “chủ” và “chúa” có sự gần gũi về âm đọc và nghĩa. Đó là lý do dẫn đến sự nhầm lẫn và ra đời của tên gọi “chủ nhật”. Vì đúng ra, tên gọi của ngày cuối cùng trong tuần phải là “chúa nhật”. Trên thực tế, ở một số nơi, nhất là trong cộng đồng người theo đạo Thiên Chúa, Tin Lành, người ta vẫn còn bảo lưu tên gọi ban đầu là “chúa nhật”.

Như đã biết, nguồn gốc tên gọi của bảy ngày trong tuần trong tiếng Việt là do ảnh hưởng của văn hóa phương Tây. Trong đó, tên gọi “chủ nhật” bắt nguồn từ Thiên Chúa giáo. Theo Kinh Thánh, trong buổi sáng thế, Chúa Trời dựng nên trời đất và muôn loài trong sáu ngày đầu tiên. Ngày thứ bảy, Ngài nghỉ ngơi và lấy ngày này làm ngày thánh. Từ đó, đối với người theo đạo Thiên Chúa, ngày này được gọi là “ngày của Chúa”.

Như vậy, gọi đúng phải là “chúa nhật”, viết một cách nghiêm nhặt thì phải là “Chúa nhật”. Tuy nhiên, theo thời gian, có lẽ do sự nhầm lẫn về âm đọc hoặc một nguyên nhân khác nào đó, nó trở thành “chủ nhật” và giành luôn vị trí chính thống của từ “chúa nhật”.


Bạn có thể quan tâm

lên đầu trang