Tắt Quảng Cáo [X]

Tại sao người Công Giáo không được lạy phật?

12:30 17/01/2023
hoc du

Câu hỏi: Khi có dịp đi tham quan hoặc được mời đi tham dự lễ hội ở chùa chiền, người công giáo có được lạy tượng phật hay vái nhang không?

Trả lời: 

Nếu xem việc cúi đầu trước tượng phật như một hành vi tôn trọng niềm tin của người khác chứ không phải vì vấn đề đức tin thì bạn được phép làm. Cũng giống như việc vào nhà thờ chúng ta cúi bái vừa là để tôn thờ vừa là để chào Chúa, thì việc cúi đầu (không cần cúi sâu và không chấp tay vái lạy) trước tượng Phật theo nghĩa một sự chào hỏi là không có gì sai. Nhưng hành vi vái nhang hay dâng của lễ thì không được, vì đây là cử chỉ diễn tả niềm tin và sự tôn thờ. Chúng ta chỉ tin Chúa và tôn thờ Chúa, riêng cử chỉ cúi đầu đã đủ diễn tả sự tôn trọng của chúng ta đối với tôn giáo khác. Tuy nhiên nếu bạn ái ngại hoặc sợ bị hiểu lầm và không làm thì cũng không sao.

Tương tự như vậy là việc thăm viếng người qua đời không cùng tôn giáo, chúng ta được phép vái nhang cho người quá cố như lời tiễn biệt và cầu nguyện cho họ. Việc vái nhang này thuộc về văn hóa “nghĩa tử là nghĩa tận” của người Việt chứ không phải là hành vi mê tín hay có gì nghịch với đức tin ở đây. Riêng việc cúi chào và thắp nhang là đủ chứ chúng ta không tham dự vào việc cúng tế hay đốt vàng mã. Cầu nguyện cho linh hồn người không cùng tôn giáo vẫn là một điều nên làm và không có gì sai dù họ không cùng đức tin. Vì chúng ta tin rằng Chúa muốn cho mọi người được ơn cứu độ và Ngài có nhiều cách thế để cứu các linh hồn, nên chúng ta hãy cứ phó thác cầu xin.

Việc tham dự vào các buổi hầu đồng, cầu cơ, xem bói, xin xăm xin quẻ bị cấm vì đi ngược với đức tin công giáo, còn tham dự các lễ hội của các tôn giáo khác với tư cách một khán giả thì không sao. Tuy nhiên, như thánh Phaolo căn dặn, nếu điều đó gây hiểu lầm hoặc gây gương mù cho người yếu đuối thì chúng ta đừng làm.

Sau hết vẫn xin nhắc lại điều căn bản sao đây, việc thăm viếng đền thờ của các tôn giáo khác với thái độ tôn trọng là điều đúng đắn, chúng ta đừng quá sợ hãi và bối rối khi mình làm hay khi thấy người tín hữu công giáo khác làm như vậy. Sự sợ hãi và bối rối này là do chúng ta chưa hiểu biết rõ ràng về giáo lý mà ra.

Điều quan trọng vẫn nằm nơi ý hướng của bạn, vì tội bắt nguồn từ bên trong chúng ta, như Chúa Giêsu đã nói: “Không phải cái từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế được; nhưng chính cái từ trong con người xuất ra, là cái làm cho con người ra ô uế” (Mc 7,15).

M. Hạnh Tử


Câu trả lời khác của lm. phi quang:

Hỏi: Thưa Cha, một người có đạo và người kia không có đạo, hai người lấy nhau đạo ai nấy giữ, đã có phép chuẩn đầy đủ nhưng bên gia đình không có đạo họ muốn người có đạo đứng trước mặt ông Phật để bái lạy nhưng không cần phải thắp nhang. Vậy có được không, thưa Cha?

Đáp:

Vì đây là một nghi lễ tôn giáo bày tỏ lòng tôn kính đối với Đức Phật trái với niềm tin của người Công giáo, do đó người tín hữu Công giáo không được phép. Nếu trường hợp đứng trước bàn thờ tổ tiên tỏ bày niềm tôn kính, ghi ơn các bậc tổ tiên sinh thành, thì theo thông cáo của các Đức Giám Mục Việt Nam ban hành tại Nha Trang ngày 14-11-1974, các ngài đã qui định: “Việc đốt nhang hương, đèn nến, trên bàn thờ gia tiên, và vái lạy trước bàn thờ, giường thờ tổ tiên, là những cử chỉ những thái độ hiếu thảo tôn kính, được phép làm.” Nếu có sự trùng hợp có tượng Phật trên bàn thờ tổ thì cần phải giải thích cho những người tham dự về thái độ tôn kính của mình đối với gia tiên chứ không có ý tuyên xưng niềm tin vào Đức Phật hay Đạo Phật.

Tinmung.net


 

Bạn có thể quan tâm

lên đầu trang