Tắt Quảng Cáo [X]

Cảnh báo: Phép lành Tòa thánh dịp Tết Nguyên Đán 2024 là GIẢ!

03:42 25/02/2024
hoc du

Đức Giáo Hoàng Francis đã nhiều lần lên tiếng, cần tỉnh tảo trước những thông tin giả.​

Lợi dụng đức tin, sự yêu mến Giáo hội của nhiều tín hữu, không ít người đã tạo ra những sản phẩm truyền thông, trang thông tin giả, phát tán chúng và mưu cầu lợi ích cá nhân.​

Dịp Tết Giáp Thìn vừa rồi, trên mạng xã hội tràn lan hình ảnh một phép lành Tòa Thánh Vatican (Tòa Thánh) ban cho “Giáo hội Việt Nam” và “Cộng đồng dân Chúa”… “ban cho quý vị hạnh phúc và bình an”.

Nhìn kỹ vào hình ảnh của phép lành này dễ thấy nhiều điểm nghi vấn bởi sự cẩu thả. Đối tượng chúc lành là “Giáo hội Việt Nam” và “Cộng đồng dân Chúa” với sự trùng lặp không đáng có.

Chữ “Việt” trong “Việt Nam” được in trong phép lành không có dấu nặng, sự sai sót khó chấp nhận được.

Vào mục quy định phép lành của Tòa thánh có cho các trường hợp và dịp: Rửa tội; rước lễ lần đầu; thêm sức (chỉ dành cho người độc thân); dịp lập bí tích hôn nhân; truyền chức linh mục; người chịu trách nhiệm cho một ông việc cụ thể trong đời sống Giáo hội; truyền chức phó tế vĩnh viễn; kỷ niệm các năm chẵn của kết hôn, thụ phong linh mục, khấn dòng, sinh nhật.

Quy định này không đề cập tới trường hợp xin phép lành Tòa thánh ban cho dịp năm mới.

Kinh Nghiệm Của Người Trực Tiếp Xin Phép Lành Tòa Thánh

Một linh mục, dòng Tên, du học nhiều năm ở Roma và có kinh nghiệm xin giúp các phép lành Tòa Thánh cho các tín hữu ở Việt Nam chia sẻ: Chưa từng thấy mẫu phép lành như hình ảnh phép lành lan truyền trên mạng trong dịp Tết Giáp Thìn. Phép lành từ Tòa Thánh thường cũng không dùng 2 kiểu chữ xen kẽ như trong hình ảnh được lan truyền trong dịp Tết.

Phép lành Tòa Thánh khổ lớn được ban cho cho các tín hữu ở Việt Nam thường sử dụng mẫu ở bốn góc có hình ảnh các đại vương cung thánh đường ở Roma. Cạnh chữ ký của Hồng y Tổng trưởng Bộ Phục vụ Bác ái luôn có dấu nổi của bộ này. Hiện nay là chữ ký của Hồng y Konrad Krajewski từ tháng 8/2023.

Phép lành Tòa thánh hiện có sẵn cho các ngôn ngữ tiếng Anh, Pháp, Đức, Ý, Ba Lan, Tây Ban Nha và Bồ Đồ Nha.

Dù vậy, việc xin phép lành của Tòa thánh bằng tiếng Việt vẫn được, qua trung gian các cha đang học tập, làm việc cạnh Tòa Thánh, với phép riêng từ văn phòng làm phép lành.

Theo đó, các cha đến văn phòng của Bộ Phục vụ Bác ái điền thông tin để được in ra. Công việc này phải rất cẩn thận từng chữ, dấu câu… nếu sai thì phải làm lại. Sau đó lên bộ phận đóng dấu.

Phép lành của Tòa thánh thường được ban cho một người, hoặc một nhóm người/cộng đoàn/gia đình/tập thể…đi kèm theo tên của một cá nhân đại diện cụ thể. Chẳng hạn, ban cho “Cha xứ… và cộng đoàn dân Chúa giáo xứ….” Không được phép ban chung chung cho tập thể “Giáo hội Việt Nam”, “Cộng đồng dân Chúa”, “quý vị”.

Vị linh mục này cũng kể rằng, trước đây từng xin phép lành của Tòa thánh cho một ca đoàn ở Việt Nam nhưng đã bị từ chối, nếu không bổ sung tên của người đại diện ca đoàn lên trước tiên.

Khẳng Định Từ Linh Mục Đặc trách

Phép lành Tòa thánh bằng tiếng Việt, hiện do hai linh mục Việt Nam đang sinh sống, học tập, làm việc tại Roma đang làm cầu nối xin cấp.

Linh mục Giuse Trần Đức Anh, dòng Đaminh, phụ trách Đài Chân lý Á châu, đang làm việc ở Roma và là người có kinh nghiệm nhiều năm xin các phép lành Tòa thánh chia sẻ: Đã được nhiều người gởi cho hình ảnh của phép lành Tòa Thánh cho Giáo hội Việt Nam này, và khẳng định: “đây là phép lành được làm giả”.

“Văn phòng không có kiểu chữ như vậy. Cũng không có mẫu phép lành và hình Đức Thánh Cha như thế, phép lành không có dấu nổi.”, linh mục Anh giải thích thêm.

Một linh mục khác – cũng đang làm trung gian cho những tín hữu từ Việt Nam xin phép lành Tòa Thánh – là Cha Giuse Lại Quốc Tuấn, dòng Chúa Ba Ngôi, đang làm phó xứ Fornaci tại Roma và học phụng vụ ở đây, cho biết: “Trong văn phòng Bộ Phục vụ Bác ái không có làm phép lành đó. Phép lành ngày copy trông giống như ở văn phòng cho làm, nhưng mẫu đó không có trong văn phòng và không có con dấu nổi của văn phòng, nên không thể là thật”.

“Tôi Không Xin, Không Làm Trung Gian Gì Về Vấn Đề Này”

Phép lành cho Giáo hội Việt Nam phát tán trong dịp Tết vừa rồi, được giới thiệu, “Do một linh mục đạo đức ở Tổng giáo phận Sài Gòn xin cho Giáo hội Việt Nam”.

Tôi đã tìm hiểu và liên hệ với người đưa hình ảnh (hình ảnh này không còn thấy trên tài khoản Facebook của anh) phép lành này sớm nhất và được anh cho biết: “Phép lành là của một linh mục, hiện là giáo sư tại Đại Chủng viện Thánh Giuse ở Sài Gòn”.

Tuy nhiên, khi được hỏi vị linh mục này đã khẳng định qua một email, “Tôi không xin, không làm trung gian gì về vấn đề này. Và ai tạo hình phép lành này, tôi cũng không chịu trách nhiệm.”​

phailamgi_Đừng lợi dụng niềm tin để tạo ra điều giả dối_01.jpg

Ông còn giải thích thêm, “Còn nói là tôi làm Photoshop phép lành Tòa Thánh thì càng không bao giờ. Bởi vì tôi chỉ sử dụng điện thoại và email, không bao giờ dùng Facebook và các mạng xã hội. Tôi cũng không hề biết sử dụng chương trình Photoshop hay chương trình làm hình ảnh nào. Máy vi tính của tôi chỉ sử dụng để dạy học và chương trình Word để đánh văn bản. Tôi với tư cách gì mà xin phép lành Tòa Thánh cho cả Giáo hội Việt Nam”.

phailamgi_Đừng lợi dụng niềm tin để tạo ra điều giả dối_02.jpg

Vậy ai đã lợi dụng đức tin, lòng đạo đức, sự yêu mến của nhiều tín hữu để tạo ra và phát tán một sản phẩm giả mạo là phép lành Tòa thánh, lừa các tín hữu Công giáo Việt Nam? Điều này chắc chắn khiến nhiều người hiểu không đúng về phép lành của Tòa thánh, gây mất lòng tin vào Giáo hội.

Một sản phẩm giả, mạo danh không thể truyền tải một thông tin tốt dù với bất kỳ lý do gì.​

Một người yêu mến Giáo hội không thể lợi dụng đức tin, lòng đạo đức, sự yêu mến của nhiều tín hữu để phục vụ cho mục đích cá nhân.

phailamgi_Đừng lợi dụng niềm tin để tạo ra điều giả dối_03.jpg


Theo: Phảilàmgì?

 

Bạn có thể quan tâm

lên đầu trang