Tắt Quảng Cáo [X]

Nghẹn Ngào Cảm Động Chuyện 1 Giáo Dân VN Bỏ Đạo Vì Linh Mục

08:10 16/10/2022
hoc du
“Tôi bỏ đạo (bỏ đi lễ) mấy năm nay bởi vì ông cha …”

Đó là câu mà mình nghe được từ một số người, hoặc đọc được trên mạng xã hội, mình không dám trách ai, nhưng chỉ cảm thấy thực sự buồn khi nghe hay đọc được như vậy.

Trích:

Em bỏ đạo từ lâu lắm rồi, lâu tới mức độ lương tâm không còn cắn rứt nữa. Người ta hỏi tại sao, thì Em chỉ cười trừ. Tôi day dí hỏi Em, thì Em xổ một hơi, không kịp nuốt nước miếng…

1. Em giận cha sở. Em đi lễ Chúa nhật. Em đánh đờn cho ca đoàn. Em đang mải mê thả mười ngón tay thon thả rong ruổi trên hàng phím… “câm”… Bỗng thấy mọi người trố mắt nhìn mình. Thì ra…cha sở đang cảnh cáo đích danh Em trên tòa giảng. Em giận tái mặt. Em giận run cả người.

Sau thánh lễ, Em giáp mặt cha sở, đòi cha sở phải trả lại danh dự cho Em. Cả hai cha con đều nóng như lửa. Cha đập bàn bình bình. Con giậm gót xabô cộp cộp. Cha có tự ái của người lãnh đạo. Con có tự ái của cô giáo cấp ba. Cả hai cha con đều tháo xiềng cho tự ái leo thang, leo tới đọt dừa, rồi không thèm xuống nữa.

– Nếu cô cứ cứng đầu như thế, tôi sẽ ra vạ tuyệt thông cho cô.

– Nếu cha không trả lại danh dự cho con, con sẽ bỏ đạo luôn.

2. Tình cờ mua được một cuốn sách nói về nhân cách của Đức Giêsu. Em thấy Đức Giêsu hiền từ, bao dung đối với bao mọi tội nhân, đặc biệt đối với người đàn bà ngoại tình. Em tự hỏi tại sao Em không gặp được Đức Giêsu nhân từ ấy trong suốt mấy chục năm làm con của Chúa? Em đã học qua các lớp giáo lý rước lễ lần đầu, Thêm Sức, Bao Đồng…Giảng Viên Giáo Lý nói về tội và hình phạt nhiều hơn là nói về tình yêu và lòng nhân từ của Chúa. Em chỉ thấy Chúa là quan toà chí công. Sợ Chúa, sợ hoả ngục là đám mây đen che khuất toàn diện tình yêu của Chúa trong suốt cuộc đời của Em. Em thấy mình là nô lệ của Giavê, hơn là người con yêu dấu của Chúa Cha nhân từ.

Môsê ra lệnh ném đá người ngoại tình. Giáo Hội Do Thái đang chuẩn bị ném đá một người phụ nữ bị bắt quả tang ngoại tình. Đức Giêsu phớt lờ Môsê, phớt lờ luôn cả cơ chế Do Thái Giáo, để ôn tồn trao đổi đôi lời với người phụ nữ đang run rẩy trước cái chết đau đớn và ô nhục.

– Những người tố cáo chị đi đâu hết rồi? Họ không lên án chị sao?

– Thưa thầy không.

– Tôi không lên án chị đâu. Chị cứ về đi và đừng phạm tội nữa.

Em mừng cho người phụ nữ ấy, nhưng Em lại băn khoăn hỏi giùm chị ấy một câu: “Thưa Thầy chị ấy về với ai bây giờ. Cha, mẹ, chồng, con, anh em, bạn bè và giáo xứ đều nhân danh Chúa mà loại trừ chị ấy”. Về phần Em, Em cũng đã hỏi một người cao niên:

– Thưa bác, con có nên trở lại không?

– Nên.

– Con trở lại với ai? Cha xứ đã loại trừ con rồi.

– Hãy trở lại với Đức Giêsu, rồi Người sẽ dậy con phải làm gì.

3. Được khích lệ, Em lại đi lễ Chúa Nhật, Em lại đánh đờn cho ca đoàn. May quá, hôm ấy cha sở đi vắng. Cha khách làm lễ giùm, nên Em không cảm thấy ngột ngạt. Nhưng khi chủ tế chúc mọi người ra về bình an, thì Em lại nghe lao xao ngay trước nhà thờ:

– Đừng cho con quỷ đánh đờn.

– Nó không xứng ở trong ca đoàn.

– Chống cha sở mà còn vác mặt đi lễ…

Em đã hận cha sở, bây giờ Em lại hận giáo xứ và hận chính mình. Em thề sẽ bỏ đạo mãi mãi. Tôi chẳng biết nói gì với Em bây giờ. Tôi im lặng để chia sẻ nỗi xót xa của riêng Em.

Bây giờ Em hãy bình tĩnh nghe tôi. Em hận cha sở, Em ghét họ đạo: Em có lý, nhưng chưa có tình. Em tiếc vì các lớp gieo hạt giống Sợ nhiều hơn là hạt giống Yêu. Em nghĩ đúng, nhưng thiếu lòng bao dung, và nhất là Em chưa dám để mình trở thành hạt giống YÊU THƯƠNG.

Đây là ý nghĩ của riêng tôi. Em hận, Em ghét, Em tiếc, để rồi cuối cùng Em thề bỏ đạo mãi mãi…tất cả chỉ là hậu quả của một nguyên nhân xa lắc xa lơ mà Em không ngờ.

1. Cha Em đi tập huấn ở tận Vũng Tàu, lâu lâu mới về thăm nhà một lần. Thế mà mẹ Em lại mang bầu trong thời gian ấy. Cha Em cay cú hỏi mẹ Em:

– Nó là con thằng nào?

– Chừng nào tôi đẻ, anh sẽ biết nó là con thằng chó nào,mẹ Em nghĩ thầm như thế.

Thế rồi Em ra đời, giống cha như lột, Em khóc hoài khóc huỷ mà không có được một giọt sữa. Cô mụ năn nỉ, mẹ Em lờ đi. Cô mụ la hét om xòm, mẹ Em đành miễn cưỡng cho Em bú. Giọt sữa đầu đời là giọt sữa hận thù và cay đắng: “Nó là con thằng nào?”.

Đó là một câu hỏi bình thường trong ngành pháp luật, nhưng là một cái tát nảy lửa trong tình nghĩa vợ chồng. Câu hỏi ấy lăng nhục mẹ Em, bôi bẩn cả một đời làm vợ của người phụ nữ trung trinh. Ngày xưa, thiếu phụ Nam Xương đã đọc được câu hỏi ấy trong ánh mắt đục ngầu của người chồng viễn chinh trở về. Nàng không thể sống được nữa. Nàng đã đâm đầu xuống sông để chết. Chết sướng hơn nhục, dù rằng chết là phải bỏ lại đứa con yêu dấu. Bị xúc phạm quá đáng, mẹ Em hờn dỗi, giận cá chém thớt…

Em giống cha như lột, Em là chứng tá cho lòng trung trinh của mẹ. Nhưng Em cũng là chứng nhân của một lòng trung trinh của mẹ. Nhưng Em cũng là một chứng nhân của một người chồng vô ân bạc nghĩa đối với người vợ chung thuỷ. Trong cơn giận quá đỗi, vì bị xúc phạm quá đỗi, mẹ Em đã gọi Em là con của một thằng chó: “Chừng nào tôi đẻ, anh sẽ biết nó là con của thằng chó nào”. Cha Em sai. Em là nạn nhân. Tội nghiệp!

2. Mẹ hắt hủi Em vì Em giống cha mà Em được cha yêu thương đặc biệt. Cha ở nhà, Em chỉ đeo cha. Cha đi vắng, Em lủi thủi một mình. Cha đi vắng nhiều hơn ở nhà.

Thế rồi bỗng cha Em nằm xuống. Đứa bé ba tuổi bỗng thét lên một cách tuyệt vọng. Sau đám tang. Em mếu máo hỏi mẹ: “Cha con đâu rồi?”. Lần đầu tiên Em ôm lấy mẹ và cảm thấy mình có mẹ! Nhưng…vòng tay của mẹ vẫn lỏng lẻo, tình yêu của mẹ vẫn hững hờ…

Em! Không được mẹ yêu, Em khổ quá! Tôi không tìm được lời để an ủi Em. Xin gởi Em cho người Mẹ tuyệt vời, Mẹ Maria sẽ bù đắp cho Em.
— — —- —- —
Đúc kết:

Xét về mặt con người, một cách rất tự nhiên, không ai có thể làm hài lòng mọi người, cũng không ai hài lòng với tất cả mọi người. Do đó, thích người này, ghét người kia là điều hết sức bình thường. Linh mục cũng là con người, nên chắc chắn không thể được 100% giáo dân quý mến.

Hơn nữa, trong các mối tương quan trên bình diện con người, những xung đột, bất đồng, xích mích, bất hoà, tranh cãi… cũng không có gì khác thường. Trong nhiều gia đình, chính cha mẹ, vợ chồng, con cái, anh chị em cũng lục đục bất hoà thường xuyên với nhau đó thôi. Vậy mà giận ông cha, vì một lý do nào đó, cho dù rất chính đáng, rồi bỏ đạo thì thật không đáng một chút nào.

Một số trường họp bỏ đạo bởi vì thấy hay biết linh mục tội lỗi. Cho dù trải qua một quá trình huấn luyện trên dưới 10 năm, cũng như sự cân nhắc của các vị hữu trách, trước khi thụ phong linh mục, nhưng điều đó không bảo đảm 100% linh mục trở nên hoàn hảo, thánh thiện. Là con người, kể cả linh mục, không ai miễn trừ khỏi đam mê, cám dỗ và tội lỗi.

Do đó, mỗi linh mục cần ý thức thân phận “bình sành dễ vỡ” của mình để sống hoán cải mỗi ngày trong ơn Thánh. (Chính bản thân mình rất ý thức về điều này). Tuy nhiên, những thói hư, tật xấu, những vấp ngã và tội lỗi của linh mục là điều có thể xảy ra, và đó là một điều đáng buồn, đáng tiếc và không ai muốn. Nhưng vì một linh mục tội lỗi mà quyết định bỏ đạo, thì cũng không đáng một chút nào.

Là Kitô hữu, chúng ta được mời gọi bước theo Đức Kitô, vươn lên sự thánh thiện mà tất cả chúng ta được mời gọi theo bậc sống của mình qua đời sống tin tưởng, cậy trông và yêu mến, để kết hợp với sự sống của Thiên Chúa bằng cách tham dự vào Thân Thể Mầu Nhiệm của Đức Kitô .

Sống đạo là bước đi trên con đường theo Chúa để đạt đến hạnh phúc vĩnh cửu mà Thiên Chúa đã dành cho mỗi người chúng ta. Đức tin vừa mang tính cộng đoàn vừa mang tính cá nhân. Đức tin phải là xác quyết của cá nhân chúng ta. Do đó, mỗi người chúng ta phải chịu trách nhiệm về đời sống của mình. Những gương sáng, những đời sống thánh thiện của người khác là động lực cho chúng ta vươn lên mỗi ngày. Còn nếu như bởi vì những gương mù gương xấu, cho dù là gương xấu của linh mục, khiến chúng ta bỏ đạo, vậy liệu rằng điều đó có chính đáng chăng?

Có một điều rất căn bản cần phải xác định thật rõ ràng: chúng ta giữ đạo vì ai và cho ai? Bỏ đạo thì ai sẽ thiệt thòi và mất mát. Sự được hay mất ở đây không phải là của cải vật chất, nhưng chính sự sống đời đời, đó mới là điều quan trọng nhất cần suy nghĩ cẩn thận và nghiêm túc.

Lm. Giuse Cao Viết Tuấn, CM


Bạn có thể quan tâm

lên đầu trang