Tắt Quảng Cáo [X]

Linh mục có nên tìm kiếm các “ông bà cố” ở nước ngoài không?

08:22 06/05/2024
hoc du
Hỏi: cha nghĩ gì về việc một số linh mục, chủng sinh trong nước thi nhau đi tìm các “ông bà cố” ở nước ngoài để xin bảo trợ, giúp đỡ về tài chính?

Trả lời:
Trước hết, có thể nói : chỉ riêng ở Việt Nam từ xưa đến nay mới có tục lệ gọi cha mẹ của các linh mục và tu sĩ là các “ông bà cố” mà thôi. Nghĩa là ở các quốc gia Tây phương ( ngay cả ở Á Châu như Đại Hàn, Philippines, Trung hoa..) và nhất là ở Mỹ, thì tuyệt đối không có tục lệ này. Nên dù là cha mẹ của các linh mục, giám mục hay Hồng Y thì giáo dân Âu Mỹ đều không dùng danh xưng nào tương đương với danh xưng “ ông bà cố” để gọi họ .

Cụ thể, ở các giáo xứ Mỹ, dù có cha mẹ cha xứ hay cha mẹ Giám mục giáo phận cư ngụ và sinh hoạt trong giáo xứ, thì người giáo dân Mỹ cũng chỉ coi họ như mọi giáo dân khác mà thôi, chứ không hề có tước hiệu nào tương đương như “ ông bà cố, bác cố , chú cố. anh chị cố” để gọi các ông bà này như giáo dân Viêt Nam trong và ngoài nước. . Lại nữa, giáo dân Mỹ cũng không hề coi cha mẹ của linh mục, giám mục hay Hồng Y như những người thuộc giai cấp riêng phải kính trọng như ở các giáo xứ Viêt Nam. Thí dụ, trong các buổi hội họp hay lễ hội quan trong nào trong giáo xứ, thì người Mỹ, Mễ .. không hề cung kính thưa:
Cha xứ, cha phó, thưa quí ông bà cố, rồi mới thưa các vị trong Hội Đồng mục vụ tài chính, và các đoàn thể Công giáo tiến hành …như thực hành ở các Giáo xứ và Cộng đoàn Viêt Nam ở Mỹ . Nói thế, không phải là giáo dân Mỹ không kính trọng các “ ông bà cố” như giáo dân Việt Nam. Họ kính trọng nhưng chỉ dùng danh xưng chung là Parents, Father hay Mother của cha xứ hay của Giám mục giáo phận mà thôi. .Truyền thống gọi cha mẹ của linh mục, tu sĩ là “ông bà Cố” đã có từ lâu đời ở Việt Nam, nên đã phát sinh “tệ tục” là có những người thích được làm “ông bà , chú bác, anh chị Cố” , và coi đây như một vinh dự thiêng liêng, hay một ơn gọi được lãnh nhận chung với con cái của mình được làm linh mục, giám mục hay tu sĩ.

Chính vì não trạng sai lầm này mà xưa kia có những cha mẹ đã quá mong muốn cho con mình đi tu làm linh mục để mình được làm “ông bà cố” Và có những linh mục mà thâm tâm họ không muốn làm linh mục, nhưng vì sợ cha mẹ buồn, và thất vọng , nên phải ráng cố gắng “qua cầu” để cho cha mẹ vui sướng và hãnh diện vì được làm ông bà cố !. (Tôi có quen một linh mục đã hồi tục và ông đã xác nhận điều này. )
Cũng vì ham làm “ông bà cố” như vậy, nên nếu con mình đi tu mà không được chọn, khiến phải trở về thì cha mẹ lấy làm buồn tủi và xấu hổ với bà con thân thuộc vì phải mang tiếng “ông bà cố
hụt”.

Đây là sự thật không thể phủ nhận được trong tâm thức của rất nhiều người công giáo Việt Nam đã lớn tuổi. Hy vọng thế hệ trẻ ngày nay sẽ thay đổi được não trạng này để chúng ta có cái nhìn đúng hơn về vai trò của cha mẹ có con làm linh mục, tu sĩ hay giám mục. Cũng nên biết rằng Giáo Hội không hề dạy phải kinh trọng cha mẹ của linh mục như một đặc ân riêng nào cả, mà chỉ dạy yêu kinh cha mẹ nói chung như điều răn thứ 4 của Chúa dạy “ phải thảo kinh cha mẹ,”mà thôi.

Chính vì nhiều người công giáo Việt Nam lớn tuổi còn thích làm “ông bà cố” hay “anh chị cố”nên đã nảy sinh thực trạng nhận con nuôi, em nuôi, đã làm linh mục hay đang còn học để trở thành linh mục để mình được là “ông bà hay anh chị cố”.Tôi biết rõ có những chủng sinh có ba ,bốn cha mẹ nuôi như vậy ở nước ngoài để họ giúp đỡ tài chính đang khi còn học ở chủng viện. Tôi cũng có một người làng đã bảo trợ ,giúp đỡ được 8 chủng sinh làm linh mục và đang hãnh diện với danh xưng “chị cố“ ở bên này (chị không có chồng, nhưng đi làm có tiền gửi về nuôi các em thiêng liêng làm linh mục.)

Nói ra vấn đề trên tôi không có ý chỉ trích riêng ai mà chỉ muốn nhân đây nói riêng về một số linh mục và chủng sinh đang có hoặc đang vận động để có ân nhân giúp đỡ về tài chính để nhận lại danh hiệu “ ông bà cố, anh chị cố”

Điều này chỉ áp dụng cho người công giáo Việt Nam thôi, còn người Âu Mỹ có bảo trợ ( sponsor) cho ai làm linh mục, thì cũng chỉ biết mình là Sponsor của linh mục ấy, chứ không nhận được tước hiệu nào tương đương như danh tước “ ông bà cố” của người Việt Nam.

Tại sao tôi phải nói riêng về việc này ?

Lý do là linh mục của Chúa thì phải sống khó nghèo như Chúa Kitô “ Đấng vốn giầu sang phú quý, nhưng đã tự ý ở nên khó nghèo vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giầu có.” (
2Cr 8:9)

Chúa Kitô không những dạy khó nghèo mà chính bản thân Người đã thực sự sống khó nghèo từ khi sinh ra trong hang lừa máng có, giá lạnh giữa mùa đông..lớn lên sống lang thang như người vô gia cư, đúng như lời Chúa đã nói với một kinh sư kia:

“ Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người ( tức Chúa Giê su-Kitô) Không có chỗ tựa đầu !,” ( Mt 8: 20)

Đặc biệt, Chúa đã chết trần trụi trên thập giá và không có chỗ mai táng, khiến môn đệ phải mượn ngôi mộ trống của ông Giô-xép để cho Chúa nằm tạm trong ba ngày chờ sống lại. ( Mt 27: 59-60)

Như vậy , là tông đồ của Chúa trong Giáo Hội ngày nay, mọi đấng bậc như Hồng Y, Giám mục và linh mục đều được mong đợi thực hành và sống tinh thần khó nghèo của Chúa để không ai chạy theo tiền của, làm thân với người giầu có, người quyền thế, danh vọng để mưu lợi ích cho cá nhân mình, bỏ quên gương khó nghèo của Chúa Kitô.

Nếu mình dạy cho giáo dân gương khó nghèo của Chúa mà chính mình lại sống phản chứng bằng đời sống sa hoa, chạy theo tiền của thì ai còn tin và thực hành lời mình giảng dạy nữa ???

Đó là ý do vì sao Đức Thánh Cha Phanxicô đã lưu ý mọi thành phần dân Chúa trong Giáo Hội về nguy cơ “tôn thờ tiền bạc=cult of money” đang ngự trị trong tâm hồn của biết bao người trên thế giới tục hóa ngày
nay.

Vì thế, là các Tông đồ lớn nhỏ của Chúa, mọi người đều được mong đợi sống khó nghèo theo gương Chúa Kitô, Đấng đã khó nghèo từ khi sinh ra cho đến khi chết trần trụi trên thập giá năm xưa.

Nhưng thực tế ra sao ?

Trước hết là các linh mục VN ở ngoại quốc- đặc biệt là ở Mỹ- đều có lương của giáo xứ và bổng lễ (mass stipends) nên không ai khó nghèo cả. Đặc biệt là những linh mục coi các xứ VN ở Mỹ, thì rất khó mà nghèo được , khó mà nói đến sống khó nghèo , vì tất cả đều có đời sống bảo đảm tối thiểu về mọi nhu cầu vật chất cần thiết, trừ những người ham tiền, thích đi xe Lexus, Volvo, ..đeo đồng hồ Rolex. Omega . v.v và chỉ nhận các bổng lễ cao chứ không nhận lễ có 5 dollars hoặc không có bổng lễ.

Ngược lại ở Việt Nam, các linh mục không được trả lương nhưng làm việc ở những xứ có ít, nhiều nguồn lợi, thì linh mục cũng ít nhiều là người giầu có., chứ không ai khó nghèo đến mức phải đi xin ân nhân nước ngoài giúp đỡ về mặt tài chính cả. Có xin hay vận động để ra nước ngoài xin tiền, thì phần lớn là để cho vào túi mình chứ không hoàn toàn vì nhu cầu chính đáng phải đi xin. Ai có tật thì giật mình.

Chính vì chỉ ở VN, linh mục mới không có lương như ở các quốc gia trên thế giới cho nên nếu làm việc ở các giáo xứ giầu thì linh mục giầu, làm ở xứ nghèo thì linh mục không có tiền rủng rỉnh như những người làm ở các xứ giầu. Vì thế ai cũng muốn bon chen để về coi các xứ giầu, béo bở chứ không mấy ai chịu đi coi các xứ nghèo ở thôn quê xa xôi. Thực tế đúng như vậy.

Đây là một tệ trạng rất phi lý, bất công mà các Giám mục bên nhà cần thay đổi để trả lương đồng đều cho các linh mục giúp xứ, và thuyên chuyển định kỳ các linh mục coi sóc các xứ có nhều nguồn lợi. Như thế sẽ tránh bất công cho các linh mục phải coi và ở mãi các xứ nghèo, xa xôi miền quê.

Cũng vì phải sống tinh thần khó nghèo này, mà các chủng sinh đang còn học để chịu chức linh mục sau này, cần được giáo dục, đào luyện đến nơi đến chốn về kiến thức thần học, Kinh Thánh, mục vụ ..cách riêng về sự cần thiết phải noi gương Thầy chỉ thánh của mình về đức khó nghèo, để khinh chê của cải vật chất chóng qua ở đời này. Do đó, phải ngăn cấm họ vận động tìm ân nhân ở nước ngoài xin giúp đỡ về tài chính để sống sa hoa ngay từ bây giờ, thì sau này khi ra làm linh mục, làm sao thực hành được tinh thần và gương khó nghèo của Chúa Kitô ?

Vả lại, chủng sinh có cần tiền để trả cho chủng viện trong thời gian học tập hay không ? Nếu không, thì chủng sinh tìm ân nhân nước ngoài làm gì nữa ? Đây cũng là gương xấu và bất công khi có chủng sinh tìm được 2, hay 3 ân nhân trong khi nhiều chủng sinh khác không tìm được ai bảo trợ !

Một điều quan trọng nữa phải nói là linh mục tương lai thì cần thiết phải xa tránh lối sống của những bậc đàn anh, đàn cha ,bác..mà rất nhiều là những người chỉ giảng cho người ta sống, nhưng chính bản thân mình lại sống phản chứng với lời mình rao giảng, dạy dỗ, khiến không thuyết phục được ai tin lời mình dạy dỗ nữa.

Và đó là lý do thất bại của sứ vụ linh mục ( priestly ministries) nói chung – và cách riêng- sứ vụ phúc âm hóa môi trường ở bất cứ địa phương nào trong và ngoài nước.

Tóm lại, là linh mục của Chúa Kitô thì phải sống nhân chứng cho Chúa về tinh thần và đời sống khó nghèo thực sự để không chạy theo tiền của và mọi sa hoa phóng túng của người đời. Nếu không thì sẽ tự mâu thuẫn và thất bại trong sứ vụ của mình.

Chúa nói: “ Ai có tai nghe ,thì nghe.” ( Mt 13: 43, Mc 4:23; Lc 8:8)

LM Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn


 

 

Bạn có thể quan tâm

lên đầu trang