Tắt Quảng Cáo [X]

Kiêng việc xác ngày Chúa nhật và các ngày lễ buộc

05:46 14/08/2023
hoc du

NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT

I. GIỮ CHAY VÀ KIÊNG THỊT

1. Luật buộc giữ chay và kiêng thịt ngày thứ Tư Lễ Tro và ngày thứ Sáu Tuần Thánh (Gl 1251).

2. Luật chung buộc kiêng thịt các ngày Thứ Sáu quanh năm. Khi có lý do, có thể thay việc kiêng thịt này bằng một việc đạo đức hoặc từ thiện bác ái. Ví dụ: đọc hay nghe một đoạn Lời Chúa, làm một việc hãm mình đền tội hoặc từ bỏ tội lỗi, bố thí cho người nghèo hoặc làm một việc công ích (GL 1253).

Riêng trong Giáo phận Hưng Hoá, theo sự đồng thuận của Hội Nghị Mục Vụ toàn Giáo phận ngày 08/12/2011, Đức Giám mục quy định chung cho các giáo hữu, NẾU VÌ LÝ DO GÌ KHÔNG THỂ KIÊNG THỊT NGÀY THỨ SÁU HÀNG TUẦN, THÌ CÓ THỂ THAY THẾ BẰNG BẰNG VIỆC ĐẠO ĐỨC,bằng cáchgóp tiền vào quỹ bác ái của giáo xứ, theo lượng tiền Hội Nghị Mục Vụ Giáo phận ấn định.

3. Luật kiêng thịt buộc những người từ 14 tuổi tròn đến mãn đời, còn luật giữ chay buộc những người từ tuổi 18 đến bắt đầu tuổi 60.

II. THAM DỰ THÁNH LỄ

Các giáo hữu đã đến tuổi khôn (từ 7 tuổi tròn), khi không mắc ngăn trở chính đáng (như ốm đau, coinhà, bận con dại, già yếu, ở quá xa nhà thờ), buộc đi dự lễ CÁC NGÀY CHỦ NHẬT và bốn ngày lễ trọng sau đây: LỄ CHÚA GIÊSU GIÁNG SINH, LỄ CHÚA GIÊSU LÊN TRỜI, LỄ ĐỨC MẸ HỒN XÁC LÊN TRỜI và LỄ CÁC THÁNH (xem GL 1246-1248).

III. KIÊNG VIỆC XÁC

Giáo luật điều 1247 dạy: “Vào ngày Chủ Nhật và các ngày lễ buộc khác, giáo hữu buộc phải tham dự Thánh lễ, và hơn nữa, kiêng làm những công việc hay hoạt động làm ngăn trở sự thờ phượng Thiên Chúa, sự hưởng niềm vui riêng trong ngày của Chúa, và sự nghỉ ngơi cần thiết cho tâm trí và thân xác”.

Do đó, các giáo hữu đã đến tuổi khôn, khi không có lý do chính đáng, phải kiêng việc xác cả ngày (từ nửa đêm hôm trước đến nửa đêm hôm sau) trong tất cả các ngày Chủ Nhật và bốn ngày lễ trọng sau đây: LễCHÚA GIÁNG SINH, Lễ CHÚA GIÊSU LÊN TRỜI, Lễ ĐỨC MẸ HỒN XÁC LÊN TRỜI và Lễ CÁC THÁNH (nếu các ngày lễ này không trùng vào ngày Chủ Nhật).

Bề Trên giáo phận, nhờ đặc ân Tòa Thánh, thông quyền cho các cha xứ được tha phép làm việc xáctùy từng trường hợp cho những người giáo hữu nào đến xin phép mà cha xứ xét thấy họ thực sự gặp hoàn cảnh khó khăn,ví dụ như: không đủ ăn đủ mặc.Họ phải xin phép mỗi năm ít là một lần.

Ai được làm việc xác ngày Chủ Nhật vẫn phải đi dự lễ khi không có ngăn trở chính đáng. Nếu không thể tham dự việc cử hành Thánh lễ vì bất cứ một lý do nghiêm trọng nào khác, tha thiết khuyên nhủ các tín hữu nên tham dự phụng vụ Lời Chúa […], hoặc nên cầu nguyện trong một thời gian thích hợp, cách riêng tư hoặc với gia đình, hoặc với các nhóm gia đình, tùy dịp (GL 1248,§2).

IV. GIỮ CHAY THÁNH THỂ

Đức Thánh Cha ước ao cho các giáo hữu siêng năng chịu lễ, nên nới rộng luật giữ chay trước khi chịu lễ như sau:

1. Tất cả các giáo hữu muốn chịu lễ, chỉ phải kiêng các thức ăn uống (trừ nước lã) một giờ trước khi chịu lễ, bất luận là chịu lễ vào sáng – trưa – chiều – tối hay nửa đêm cũng thế.

2. Những người sau đây thì chỉ phải giữ chay Thánh Thể khoảng 15 phút đồng hồ trước khi chịu lễ:

a. Các bệnh nhân nằm tại bệnh viện hoặc ở nhà, mặc dầu không ốm liệt giường.

b. Các giáo hữu đã nhiều tuổi, hoặc vì già cả phải nằm ở nhà, hoặc trong các nhà dưỡng lão.

c. Các linh mục bị bệnh dù không liệt giường hoặc già nua, sẽ dâng lễ hoặc chịu lễ.

d. Những người chăm sóc bệnh nhân và những thân nhân của bệnh nhân cũng được chịu lễ đồng thời với bệnh nhân, dù không thể giữ lòng không đúng một giờ như luật ấn định, vì có một lý do chính đáng nào đó.

3. Các giáo hữu chịu lễ như của Ăn Đàng trong lúc nguy tử thì không buộc giữ chay Thánh Thể.

4. Các bệnh nhân dù không liệt giường vẫn được uống chất lỏng (không phải rượu, bia) và các thứ thuốc bất cứ lúc nào trước khi dâng lễ hoặc chịu lễ.

V. VỀ ÂN XÁ

Giáo hội dùng quyền của mình mà phân phát kho tàng ơn cứu chuộc của Chúa Kitô và công nghiệp của các Thánh cho các giáo hữu đã làm và giữ những điều kiện Giáo hội ấn định. Đó là Giáo hội ban Ân xá:

1. Hằng ngày và nhất là lễ trọng, giáo hữu có thể lĩnh nhiều Ân xá: hoặc Tiểu xá là ơn tha một phần hình phạt phải chịu vì tội, hoặc Đại xá là ơn tha tất cả hình phạt.

2. Không ai được lĩnh hộ Ân xá cho người còn sống, mà chỉ lĩnh cho mình, hoặc có thể nhường Ân xá cho kẻ đã qua đời.

3. Không còn nói đến Ân xá mấy ngày, mấy năm nữa mà chỉ nói chung là Tiểu xá và Đại xá.

4. Không còn nói đến Ân xá theo người, theo nơi, theo đồ vật nào nữa, mà chỉ nói Ân xá do việc lành đã làm dù có nói là việc lành ấy với vật nọ, ở nơi kia.

5. Việc viếng nhà thờ để lĩnh Ân xá được bắt đầu từ trưa hôm trước đến nửa đêm hôm sau.

6. Muốn lĩnh Ân xá, đương sự phải có ý lĩnh ít là cách chung và phải làm việc lành theo thể thức đã ấn định.

7. Mỗi ngày chỉ được lĩnh một ơn Đại xá, nhưng trong giờ lâm tử được lĩnh thêm một ơn Đại xá nữa.

8. Mỗi ngày được lĩnh nhiều ơn Tiểu xá.

9. Việc lành phải làm khi viếng nhà thờ là đọc một kinh Lạy Cha, một kinh Tin Kính.

10. Muốn lĩnh một ơn Đại xá nào đó thì phải làm một việc lành có ơn Đại xá và giữ ba điều kiện thường lệ là: Xưng tội – Chịu lễ – Cầu nguyện theo ý Đức Giáo Hoàng(có thể đọc một kinh Lạy Cha, một kinh Kính Mừng và một kinh Sáng Danh chỉ theo ý ngài).

11. Cha giải tội có quyền thay đổi việc làm có Ân xá, hoặc thay đổi các điều kiện cho những ai, vì ngăn trở chính đáng, không thể làm việc lành và giữ những điều kiện đã ấn định.

12. Xưng tội để lĩnh Ân xá: Xưng tội để lĩnh ơn Đại xá thì dù có tội nhẹ cũng phải xưng vì là một điều kiện. Ai xưng tội một tháng hai lần hoặc quen chịu lễ hằng ngày hay ít là một năm xưng tội 5 lần thì không buộc xưng tội để lĩnh ơn Đại xá nữa.

Theo ơn rộng của Tòa Thánh ban thì:

a. Các giáo hữu chỉ xưng tội một tháng một lần cũng được lĩnh các ơn Đại xá trong cả tháng.

b. Tại những nơi không thể hoặc khó đến cùng linh mục giải tội, các giáo hữu giục lòng ăn năn tội và quyết chí sẽ xưng tội sớm hết sức khi có thể, thì cũng được lĩnh các ơn Đại xá.

c. Chịu lễ chính ngày lễ có Ân xá hoặc ngày trước hoặc trong tám ngày sau ngày có Ân xá cũng được.

VI. NGÀY THỨ SÁU ĐẦU THÁNG

Chúa muốn và Giáo hội khuyên các giáo hữu dùng ngày Thứ Sáu Đầu tháng làm việc Đền Tạ Trái Tim Cực Thánh Đức Chúa Giêsu.

Những ai muốn thực sự đáp lại những mong muốn của Chúa và Giáo hội, nên làm những việc sau đây:

1. Dự thánh lễ và rước lễ có ý đền tạ Trái Tim Cực Thánh Chúa, nhất là những tội người ta phạm đến Chúa Giêsu trong phép Thánh Thể.

2. Nghe giảng, nghe sách và suy gẫm về tình yêu của Chúa đối với loài người để thêm lòng mến Chúa.

3. Suy nhớ tội lỗi của loài người phạm khắp nơi để thống hối ăn năn, xin Chúa tha thứ và quyết tâm cải thiện đời sống của mình hơn nữa để đền bù phạt tạ.

4. Nơi nào có thể thì tổ chức Chầu Thánh Thể long trọng, sốt sáng hoặc vào buổi sáng hoặc vào buổi tối. Trong giờ Chầu sẽ đọc kinh cầu Trái Tim Chúa Giêsu và kinh Đền Tạ, nhất là có bài sách suy gẫm về Trái Tim và Thánh Thể Chúa.

5. Hoặc tốt hơn nữa, làm giờ Thánh theo ý muốn của Chúa để kính mến đền tạ Trái Tim Chúa. Giờ thánh là giờ cầu nguyện trước Thánh Thể, nhất là ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, thứ sáu Lễ Thánh Tâm Chúa Giê-su và các thứ sáu đầu tháng. Giờ ấy có thể tổ chức bằng nhiều hình thức, cốt sao cho người ta yêu mến Chúa hơn, gớm ghét tội lỗi hơn, sửa đổi đời sống tốt hơn. Có thể làm như sau: lần hạt Mùa Thương, ở lặng để suy ngẫm là điều cần thiết giúp cầu nguyện theo bài Tin Mừng, đọc Kinh Cầu Trái Tim Chúa Giêsu và kinh Đền Tạ.

VII. NGÀY CHẦU LƯỢT

Yêu cầu và mục đích của ngày chầu lượt cũng giống như Giờ Thánh, chỉ khác là ngày chầu lượt được tổ chức long trọng. Xưa nay các giáo hữu vốn quý trọng ngày chầu lượt, vì là ngày chầu Mình Thánh thay mặt giáo phận. Cha xứ, hoặc một cha trong giáo phận được mời đến dâng lễ, giảng giải và tổ chức việc Chầu Mình Thánh cho sốt sáng.

Nếu không có linh mục, thì giáo hữu cũng sốt sáng tổ chức ngày cầu nguyện đặc biệt trước Thánh Thể.

Nên đọc những kinh như: lần hạt Mân Côi, kinh cầu Trái Tim Chúa Giêsu, kinh Đền Tạ.

Cần có những phút thinh lặng để suy gẫm, cầu nguyện riêng, nhất là suy niệm một đoạn Tin Mừng thích hợp. Nên hát những bài hát sốt sáng kính Mình Thánh Chúa.

NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ PHỤNG VỤ THÁNH LỄ

I. HUẤN THỊ VỀ PHỤNG VỤ

Các mục tử không phải chỉ chú tâm tuân giữ các lề luật trong các hoạt động phụng vụ, để cử hành thành sự và hợp pháp mà thôi, nhưng còn phải làm cho tín hữu tham dự phụng vụ một cách ý thức, linh động và hữu hiệu” (PV, số 11).

Tác vụ của linh mục là tác vụ của toàn thể Hội Thánh. Vì thế, không thể thi hành tác vụ này nếu không có sự vâng phục, sự hiệp thông cùng hàng giáo phẩm và chăm lo phục vụ Thiên Chúa và anh em. Bản chất phẩm trật của phụng vụ, hiệu lực bí tích và sự tôn trọng phải có đối với cộng đoàn Dân Chúa, đòi linh mục phải chu toàn nhiệm vụ trong việc phượng tự ‘như thừa tác viên và người phân phát trung tín các mầu nhiệm của Thiên Chúa’, và không được tự đưa vào những lễ nghi không được quy định và chấp nhận trong các sách phụng vụ” (Huấn thị Liturgicae Instaurationes ngày 5/9/1970, cuối số 1).

II. THÁNH LỄ CẦU CHO GIÁO DÂN
Theo luật chung, đó là lễ mà giám mục giáo phận dâng để chỉ cho giáo dân trong giáo phận (GL 388), và linh mục quản xứ dâng để chỉ cho giáo dân trong giáo xứ (GL 534).

GL 534§1: “Sau khi đã nhận giáo xứ, cha quản xứ có nghĩa vụ phải chỉ thánh lễ cho giáo dân được giao phó cho mình, vào mỗi ngày Chủ Nhật và lễ buộc trong giáo phận; ai bị ngăn trở chính đáng không cử hành được, thì phải nhờ người khác chỉ lễ trong chính các ngày ấy, hay chính mình chỉ lễ vào các ngày khác”.

GL 534 §2: “Cha quản xứ phải coi nhiều giáo xứ, thì vào những ngày nói ở tiết 1, chỉ buộc phải chỉ một lễ cho tất cả giáo dân được giao phó cho mình”.

GL 534 §3: “Cha quản xứ không làm đủ bổn phận nói ở tiết 1 và tiết 2, thì đã bỏ bao nhiêu lễ, phải lo chỉ cho đủ bấy nhiêu lễ sớm hết sức”.

Phải chỉ lễ cho giáo dân vào những ngày sau đây:
Lễ Chúa Giáng Sinh (25-12)
Lễ Chúa Hiển Linh
Lễ thánh Giuse (19-3)
Lễ Phục Sinh
Lễ Chúa Giêsu Lên Trời
Lễ Hiện Xuống
Lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô
Lễ thánh Phêrô và thánh Phaolô, tông đồ (29-6)
Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời (15-8)
Lễ Các Thánh Nam Nữ (01-11)
Lễ Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội (8-12).

III. THÁNH LỄ CỬ HÀNH CHIỀU HÔM TRƯỚC
NGÀY LỄ BUỘC VÀ CHIỀU THỨ BẢY

GL 1248 §1: “Ai tham dự thánh lễ vào chính ngày lễ hay vào chiều ngày trước lễ, thì người ấy đã chu toàn việc buộc dự lễ”.

Vì thế, thánh lễ chiều Thứ Bảy và chiều trước ngày lễ buộc sẽ được sắp xếp với mọi yếu tố phải có (diễn giảng, lời nguyện tín hữu), hay nên có (dân chúng tham dự tích cực hơn bằng lời ca tiếng hát, v.v…, IM 115-116) trong thánh lễ của ngày lễ.

Còn chính bản văn thánh lễ thì theo nguyên tắc chung, tức là “luôn luôn phải dành ưu tiên cho thánh lễ phải giữ theo luật buộc, mà không phải quan tâm gì đến bậc phụng vụ của hai lễ cử hành trùng nhau” (Thánh Bộ Phụng Tự, Notitiae 1984, tr. 603). Vì vậy, trong thực tế, nếu lễ chiều thứ Bảy có giáo dân tham dự, thì sẽ cử hành Thánh lễ Chủ Nhật (là Thánh lễ Chủ Nhật hay thánh lễ trùng và thay Chủ Nhật năm đó).

IV. LỄ TRONG TUẦN TRONG MÙA VỌNG, MÙA GIÁNG SINH, MÙA CHAY VÀ MÙA PHỤC SINH
Trong các ngày có lễ nhớ không bắt buộc:
a.   Các ngày trong tuần Mùa Vọng từ 17 đến 24/12;
Các ngày trong tuần bát nhật Giáng Sinh;
Các ngày trong tuần Mùa Chay trừ thứ Tư lễ Tro
và các ngày trong Tuần Thánh:
Linh mục cử hành thánh lễ theo ngày trong tuần, nhưng có thể đọc lời nguyện nhập lễ của lễ nhớ ghi trong lịch chung, thay lời nguyện nhập lễ của ngày trong tuần.
b.   Các ngày trong tuần Mùa Vọng trước ngày 17/12;
Các ngày trong tuần Mùa Giáng Sinh từ ngày 2/1;
Các ngày trong tuần Mùa Phục Sinh:
Linh mục có thể chọn hoặc thánh lễ theo ngày trong tuần, hoặc thánh lễ vị thánh được nhớ, hay vị thánh có ghi trong Sổ bộ các thánh của ngày đó.

V. VỀ VIỆC CỬ HÀNH THÁNH LỄ HÔN PHỐI

Khi cử hành hôn phối trong thánh lễ, thì chỉ được cử hành Thánh lễ Hôn Phối vào một số ngày trong năm mà thôi.

A. Không được cử hành thánh lễ Hôn Phối trong những ngày sau đây:

  • Các lễ trọng buộc cũng như không buộc
  • Các Chủ Nhật Mùa Vọng, Mùa Chay, Mùa Phục Sinh
  • Lễ Tro và các ngày trong Tuần Thánh
  • Lễ cầu cho các tín hữu đã qua đời (2/11)
  • Các ngày trong tuần bát nhật Phục Sinh.
Gặp những ngày trên, phải cử hành thánh lễ theo ngày phụng vụ và đọc tất cả các bài Sách Thánh của ngày lễ đó. Vẫn đọc lời cầu nguyện cho đôi tân hôn trong thánh lễ, và cuối lễ có thể dùng công thức ban phép lành cho đôi tân hôn. Nếu không phải là Tam Nhật Vượt Qua hay lễ trọng lễ buộc, thì cũng có thể đọc một bài Sách Thánh về hôn phối.

B. Các Chủ Nhật Mùa Giáng Sinh và Thường Niên: cử hành thánh lễ Chủ Nhật, nhưng trong các bài Sách Thánh, có thể đọc một bài về hôn phối; nếu cử hành hôn phối trong thánh lễ không có cộng đồng giáo xứ tham dự, thì có thể cử hành toàn bộ thánh lễ Hôn Phối.
(CE 603 và OCM mới [1990] các số 34, 54 và 56)

Tuyệt đối không được cử hành Hôn Phối vào ngày Thứ Sáu và Thứ Bảy Tuần Thánh.

Nhằm nêu bật tính cách cộng đồng của hôn lễ, nghi thức Hôn phối chiếu theo OCM mới số 28, cũng được phép cử hành cho nhiều đôi hôn phối trong cùng một thánh lễ ngày Chủ Nhật. Trong trường hợp ấy thánh lễ có thể cử hành với các lời nguyện của lễ Hôn phối hay của lễ ngày Chủ Nhật, tuy các bài đọc nên lấy từ lễ Hôn phối (trích trong “nhiệm vụ thánh hóa của Giáo Hội”).

VI. LỄ NGOẠI LỊCH

Các ngày Thứ Bảy trong Mùa Thường Niên, khi không có lễ nhớ bắt buộc, có thể cử hành lễ kính Đức Mẹ.

Các ngày trong tuần Mùa Thường Niên, khi không có lễ nhớ buộc, có thể làm lễ ngoại lịch kính nhớ các Thánh, nhưng không được phép dời lễ kính nhớ các Thánh theo lịch sang ngày khác.

VII.     VỀ VIỆC KÍNH TRỌNG THỂ

Để phục vụ lợi ích mục vụ cho giáo dân, trong các Chủ Nhật Thường Niên, được phép mừng các lễ nào gặp trong tuần mà được giáo dân sùng mộ, miễn là những lễ ấy cao hơn chính ngày Chủ Nhật theo bảng ghi thứ tự ưu tiên. Có thể mừng các lễ ấy trong mọi thánh lễ có đông giáo dân tham dự” (AC 58).Theo bảng ưu tiên ở AC 59, thì các lễ được xếp hạng như sau:

  • Các lễ trọng kính Chúa.
  • Các lễ trọng kính Đức Mẹ và các Thánh có ghi trong lịch chung.
  • Lễ cầu cho các tín hữu đã qua đời.
  • Các lễ trọng riêng như lễ kính tước hiệu nhà thờ, lễ kỷ niệm cung hiến thánh đường, v.v…
  • Các lễ kính Chúa có ghi trong lịch chung.
  • Các Chủ Nhật Mùa Giáng Sinh và Thường Niên.
Như vậy, vào những ngày Chủ Nhật Mùa Thường Niên và cả Mùa Giáng Sinh đương nhiên theo luật (ipso jure), được cử hành thánh lễ quen gọi là “kính trọng thể” về những lễ liệt kê ở hạng 1,2,4,5 trên đây, thí dụ:
  • Các lễ trọng: Kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời (15/8).
  • Các Thánh Nam Nữ (1/11); Thánh Phêrô và Thánh Phaolô, tông đồ (29/6); Sinh nhật Thánh Gioan Tẩy Giả (24/6); Tước hiệu nhà thờ; Kỷ niệm Cung Hiến Thánh Đường…
  • Các lễ kính về Chúa trong lịch chung: Chúa Hiển Dung (6/8); Suy tôn Thánh Giá (14/9); Cung hiến đền thờ Latêranô (9/11)…

VIII. BẢNG CHỈ DẪN VIỆC CỬ HÀNH CÁC THÁNH LỄ CÓ NGHI THỨC RIÊNG, THÁNH LỄ TÙY NHU CẦU VÀ THÁNH LỄ CẦU CHO CÁC TÍN HỮU ĐÃ QUA ĐỜI.
Chữ viết tắt:
V1  Thánh lễ có nghi thức riêng (IM 372).
Thánh lễ tuỳ nhu cầu và ngoại lịch do Đấng Thường Quyền sở tại chỉ định hoặc cho phép, khi gặp một nhu cầu hay một lợi ích mục vụ quan trọng (IM 374).
V2  Thánh lễ tuỳ nhu cầu và ngoại lịch theo sự xét đoán của vị phụ trách thánh đường hay của chính linh mục chủ tế, nếu thực sự có nhu cầu hoặc lợi ích mục vụ đòi hỏi (IM 376).
V3  Thánh lễ tuỳ nhu cầu và ngoại lịch, do linh mục chủ tế chọn theo lòng đạo đức của giáo dân (IM 373, 377).
D1  Thánh lễ An Táng (IM 380).
D2  Thánh lễ Cầu hồn sau khi được tin người chết hoặc trong ngày Giỗ đầu (IM 381).
D3  Thánh lễ Cầu hồn hằng ngày (IM 381).

Để áp dụng:
01. Các lễ trọng buộc
02. Các Chủ Nhật Mùa Vọng,
Mùa Chay và Mùa Phục Sinh
03. Thứ Năm Tuần Thánh,
Tam Nhật Vượt Qua
KHÔNG ĐƯỢC
CỬ HÀNH
Tất cả
các lễ trên
04. Các lễ trọng không buộc
Lễ cầu cho các tín hữu đã qua đời
05. Thứ Tư lễ Tro;
Thứ Hai-thứ Tư Tuần Thánh
06. Các ngày trong tuần bát nhật PS
CHỈ ĐƯỢC
CỬ HÀNH
Lễ D1
07. Các Chủ Nhật Mùa Giáng Sinh
và Mùa Thường Niên
08. Các lễ kính
CHỈ ĐƯỢC
CỬ HÀNH
Lễ V1 D1
09. Các ngày từ 17 đến 24/12
10. Các ngày trong tuần
bát nhật Giáng Sinh
11. Các ngày thường trong Mùa Chay
CHỈ ĐƯỢC
CỬ HÀNH
Lễ V1 D1 D2
12. Các lễ nhớ bắt buộc
13. Các ngày thường từ đầu Mùa Vọng cho đến hết ngày 16/12
14. Các ngày thường Mùa Giáng Sinh, từ ngày 2/1
15. Các ngày thường Mùa Phục Sinh,
sau tuần bát nhật
CHỈ ĐƯỢC
CỬ HÀNH
Lễ V1 V2
D1 D2
16. Các lễ nhớ không bắt buộc
17. Các ngày thường
Mùa Thường Niên
ĐƯỢC CỬ HÀNH
Lễ V1 V2 V3
D1 D2 D3
IX. RAO LỊCH HẰNG TUẦN
Mỗi Chủ Nhật, các nơi sẽ rao lịch trong tuần tại nhà thờ, nhà nguyện của mình.
Không rao lịch khi giảng sau Tin Mừng, nhưng trước hoặc sau lời nguyện hiệp lễ (IM 166, 184).
Nếu được, mỗi gia đình nên có một cuốn Lịch Công Giáo để biết các ngày lễ của Hội Thánh, ý nghĩa và nghi lễ của các mùa phụng vụ hay dịp lễ.

http://www.giaophanhunghoa.org/vi/thong-bao/lich-phung-vu

——————–

Xin Cha cho con hỏi, theo luật giáo hội phải kiêng việc xác vào ngày Chúa Nhật và lễ buộc, nhưng cuộc sống của chúng con có nhiều khó khăn nên chúng con phải làm việc vào những ngày này. Vậy chúng con có phải xin phép để làm việc vào những ngày Chúa Nhật và lễ buộc không? Vậy nếu xin phép thì một năm là một lần phải không? Và xin phép bất cứ một vị linh mục nào cũng được hay sao? Chân thành cám ơn Cha.
———

Đáp:

Giáo luật số 1247 đã quy định vào các ngày Chúa Nhật và các lễ buộc khác, buộc các tín hữu “phải kiêng làm việc xác và những công việc gây trở ngại cho việc thờ phượng Thiên Chúa, cho niềm vui riêng trong ngày của Chúa, hoặc cho việc nghỉ ngơi cần thiết của tinh thần và thể xác”.

Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo , số 2185, còn bổ túc thêm, là trong ngày Chúa Nhật và các lễ buộc, các tín hữu còn phải quan tâm đến việc thực thi đức ái cách đặc biệt sự: “Ngày Chúa Nhật và các ngày lễ buộc, các tín hữu tránh lao động và các sinh hoạt ngăn trở việc thờ phượng Thiên Chúa, việc hưởng niềm vui trong ngày của Chúa, việc bác ái và tịnh dưỡng thể xác cũng như tinh thần”. Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 2186 còn nhắc nhở thêm:  “Theo truyền thống đạo đức công giáo, ngày Chúa Nhật phải là ngày dành riêng để làm việc lành và khiêm tốn phục vụ cho bệnh nhân, kẻ tàn tật và già lão. Người tín hữu cũng phải thánh hiến ngày Chúa nhật bằng cách dành thời giờ để chú tâm đến gia đình và thân hữu, những người mà thường nhật họ khó chú tâm tới. Ngày Chúa nhật cũng là thời gian suy tư, tĩnh lặng, rèn luyện và suy niệm cần thiết để đời sống nội tâm của tín hữu được phát triển”

Tuy nhiên việc kiêng việc xác ngày Chúa Nhật và các ngày lễ buộc: có thể được miễn chuẩn, khi có trách nhiệm gia đình hay nghĩa vụ xã hội quan trọng (Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 2185)

Có nghĩa là, khi có điều kiện cho phép thì phải giữ các ngày Chúa nhật và các lễ buộc cùng kiêng việc xác trong những ngày này. Nhưng nếu vì lý do kinh tế, phải đi làm những ngày đó mới đủ sống cho bản thân và gia đình, hoặc phải đi làm theo đòi hỏi của người thuê mướn; các bác sĩ, y tá làm việc ở các bệnh viện, nhân viên cấp cứu, nhân viên an ninh công cộng vì nhu cầu của lợi ích chung là những lý do chính đáng để được miễn trừ theo lương tâm và theo giáo lý của Giáo Hội.

Các Đức Giám Mục giáo phận và các Cha sở được quyền miễn chuẫn cho giáo dân của mình khỏi giữ luật kiêng việc xác, cũng như đối với luật dự lễ vậy (x. can. 1245).


Giải Đáp và Hướng Dẫn:
Lm. Antôn Pađôva Hà Văn Minh, Gp. Phú Cường

Bạn có thể quan tâm

lên đầu trang