Tắt Quảng Cáo [X]

Công an bắt 1 Linh mục VN khai tội phạm nhân đã xưng – Lm. Piô Ngô Phúc Hậu

11:37 25/10/2023
hoc du

Xin chia sẻ với cộng đoàn câu chuyện “Xưng tội với linh mục là chuyện buồn cười” trong sách Như Trái Mắm của Cha Piô Ngô Phúc Hậu.
Chuyện hy hữu ngàn năm một thuở – Linh mục Piô Ngô Phúc Hậu – HUYNH ĐOÀN  GIÁO DÂN ĐA MINHChuyện này xảy ra trong một gia đình bất hạnh. Ông chồng thì đam mê cờ bạc, rượu chè, trai gái. Bà vợ thì cắn răng chịu đựng. Chịu đựng mãi thành hiện tượng dồn nén. Dồn nén mãi thì phải bùng vỡ. Hôm ấy ông chồng đi chơi mãi tới quá nửa đêm mới về. Ông gọi cửa. Bà mở cửa. Ông vừa đưa đầu vào, thì một lưỡi dao phập xuống…

Cơn điên qua rồi, bà vợ khóc lóc thảm thiết. Bà đến nhà thờ xưng tội với cha xứ, rồi đi thú tội với công an xã. Công an xã mời linh mục chính xứ tới để bổ túc hồ sơ.

– Bà Nguyễn Thị M. khai rằng bà đã đi xưng tội, kể lể hết mọi hành vi tội ác. Vậy yêu cầu linh mục cho chúng tôi biết bà M. đã khai gì với linh mục?

– Tôi không biết.

– Đương sự đã khai với linh mục, thì linh mục có nhiệm vụ phải khai với chính quyền, vì đây là vụ án quan trọng.

– Tôi không được nói, vì theo Giáo Luật, tôi không được làm lộ những gì người ta xưng trong tòa.

– Như vậy là ông coi thường chánh quyền. Nếu ông ngoan cố, tôi sẽ còng tay ông.

Ông trưởng ban công an xã đập bàn, giận dữ. Ông chủ tịch Mặt trận phải vội vàng chạy qua góp ý.

– Luật của đạo Thiên Chúa như vậy đó. Các anh cứ ghi nhận những gì bà M. đã khai – Bà M. đã tự thú, thì bà còn giấu giếm làm chi. Lời khai của bà là đủ rồi.

– Thôi, cụ đi về đi.

Anh công an hạ giọng, gấp hồ sơ, đứng dậy, đi tìm điếu cày…

Ông cha xứ 90 tuổi đi về, lòng buồn man mác. Anh công an rít một điếu thuốc lào, lòng nhẹ lâng lâng.
——————-

Một người đàn ông đồ sộ vỗ vai một ông linh mục, vừa hỏi vừa cười hóm hỉnh:

– Chỗ anh em với nhau, tôi hỏi thiệt tình, anh đừng giận tôi nha.

– Chuyện gì mà vô đề long trọng dữ vậy?

– Tôi nghe người ta nói: đạo của anh bắt tín đồ có tội phải đi xưng tội với cha cố và cha cố tha tuốt luốt. Cái đó có không?

– Có. Thì đã sao nào?

– Thì đạo của anh buồn cười quá à.

– Những gì làm anh buồn cười, thì kể cho tôi nghe coi.

– Nhiều lắm. Thứ nhất: linh mục các anh là người như người ta; cũng biết ăn gian nói dối; cũng biết ngoại tình… thì tại sao lại dám ngồi tòa tha tội cho người gian dối, gian dâm?

– Ông chánh án ngồi tòa: tha bổng, kêu án tử hình, kêu án tù chung thân…, thì ông chánh án là người hay là thiên thần?

– Ông chánh án cũng là người nên cũng có thể phạm tội, nhưng ông ngồi tòa với tư cách là đại diện công lý, đại điện cho dân.

– Thì linh mục chúng tôi có tha tội cho tín đồ với tư cách của cá nhân mình đâu. Chúng tôi tha tội nhân danh Chúa và do yêu cầu của Chúa. Đức Giêsu trước khi về trời đã nói với các Tông đồ rằng: “Điều gì chúng con tha dưới đất, thì trên trời cũng tha”.

– Tội phạm tới Chúa thì xưng với Chúa và xin Chúa tha, hà cớ gì Chúa lại trao quyền ấy cho các anh?

– Để tôi kể cho anh một câu chuyện:

Có một người mẹ đang mổ cá, tay dơ quá. Thằng cu tí của bà đang chạy chơi trên sân sũng nước, vì trời mới mưa, bỗng té ạch một cái. Bà không dám bỏ rổ cá đang dang dở, vì con mèo cồ đang ngồi liếm mép. Bà kêu cô chị của thằng cu tí: “Hai! Con đi tắm cho em!”. Cô chị cũng chẳng sạch sẽ gì, mới quét chuồng heo xong, thoang thoảng mùi cháo thiu, vội vàng dìu cu tí đi tắm. Cu tí sạch boong, thay quần áo mới, tóc rẽ ngôi láng coóng, thơm thơm mùi nước hoa của mẹ, nhảy tưng tưng, cười toe toét, thương chị quá chừng.

Vậy đó. Bây giờ tôi hỏi anh: Ở trên đời này, có thằng cu tí nào thắc mắc với cô chị nó rằng: “Chị lấy quyền gì mà tắm cho tôi? Chị có sạch sẽ gì đâu mà dám tắm cho tôi, chải đầu cho tôi, thay đồ cho tôi, lại còn lấy dầu thơm của mẹ mà xức cho tôi nữa. Bày đặt!”. Xin lỗi anh. Nếu trên đời này có thằng cu tí nào nói như thế, thì nó chính là anh đấy.

– Anh trả lời hay. Cho anh mười điểm.

– Còn thắc mắc gì nữa nào?

– Thắc mắc thứ hai: Có tội thì phải phạt. Còn các anh thì tội gì cũng tha tuốt luốt. Như vậy là các anh vẽ đường cho hươu chạy, là xúi người ta cứ phạm tội tối đa.

– Linh mục chúng tôi là cô chị của thằng cu tí. Cô chị chỉ mong muốn một điều là thằng em hết dơ. Dĩ nhiên là thằng cu tí chẳng muốn té. Nhưng có thể là nó sẽ còn té nữa. Nếu nó té nữa, thì cô chị lại tắm cho nó, an ủi và khuyên nhủ nó. Như vậy đâu phải là cô chị vẽ đường cho hươu chạy. Nói cho vui vậy thôi, chứ vấn đề tha tội trong đạo không đơn giản như thế. Theo giáo lý, thì muốn được tha tội, thì phải có điều kiện. Điều kiện một là phải thành tâm sám hối, mà thành tâm sám hối, thì bao hàm việc quyết tâm chừa tội. Điều kiện hai là phải đền tội xứng đáng. Nếu ăn trộm, phá hoại thì phải bồi thường. Bồi thường tiền của. Bồi thường danh dự,… vân vân… Xét về mặt tâm lý, người Công giáo xưng tội xong cảm thấy tâm hồn sung sướng, giàu nghị lực để tránh tội, chứ không có ý đồ phạm tội lại, phạm tội thêm. Đó chính là tâm tư của thằng cu tí sau khi được chị nó tắm cho. Chị tắm và em được tắm nảy ra một tình cảm rất thân thương. Thằng cu tí thấy mình sạch quá, đẹp quá, thơm quá và chẳng muốn ở dơ chút nào.

-Cho anh thêm mười điểm nữa. Không ngờ mà đạo của anh vừa có tình vừa có lý. Và… bây giờ là thắc mắc thứ ba. Nếu tôi là tín đồ Công giáo, tôi chỉ dám xưng ba cái tội lặt vặt thôi, còn tội quan trọng…, thì tôi hổng dám đâu.

-Ví dụ tội gì nào?

– Ví dụ tôi xưng tội ăn cắp xe của bố anh, mà em của anh là trưởng ban công an xã, thì thế nào anh cũng móc điện thoại đi động gọi cho em của anh ngay. Ví dụ tôi xưng tội tò tí với em dâu của anh, thì thế nào anh cũng bật mí cho thằng em trai của anh liền. Đúng không nào?

– Chà. Kẹt dữ ạ.

– Vậy là anh thua rồi phải không?

– Có thể thua thôi, chứ chưa thua đâu. Nếu tôi vì quá thương bố mất xe, vì quá thương thằng em làm công an đang bí lối và thương thằng em trai bị vợ cắm sừng, thì tôi có thể làm bật mí tội của anh. Trong trường hợp này, theo Giáo Luật, thì tôi phạm một tội rất nặng. Tội này có tên là “Lỗi ấn tòa xá giải”. Sau khi phạm trọng tội này, tôi không thể đi xưng tội với bất cứ một linh mục nào. Tôi phải xin ơn tha tội nơi Tòa Thánh.

– Đã có một linh mục lỗi ấn tòa xá giải rồi.

– Ai và ở đâu?

– Một tín đồ ở miền Tây theo cách mạng, rải truyền đơn chống Pháp, đi xưng tội. Thế là ông cha báo cò Tây đến bắt, đày ra Côn Đảo.

– Rải truyền đơn chống Pháp thì tại sao lại bảo là tội, tại sao lại đi xưng làm chi? Người làm cách mạng không lẩm cẩm như vậy đâu. Về vấn đề “lỗi ấn tòa” tôi khẳng định với anh rằng: linh mục là người, thì có thể phạm lỗi ấy. Nhưng trên thực tế, thì tôi chưa thấy xảy ra điều đó, dù bên Tây hay bên Đông, dù thời xưa hay thời nay. Ngược lại có nhiều linh mục vì bảo vệ ấn tòa mà lâm nạn.

– Tôi giải đáp như thế là hết lời, hết ý rồi đấy. Anh vừa lòng chưa?

– Mới vừa lòng 90 phần trăm thôi.

– 90 hay 100 đã là “bên tám lạng bên nửa cân”. Tôi mừng lắm rồi. Chào anh.

Tạp bút của Lm Piô Ngô Phúc Hậu


 

 

Bạn có thể quan tâm

lên đầu trang