Tắt Quảng Cáo [X]

Giáo Phận Vinh chuyện lạ xảy ra ở Linh Địa Trại Gáo Thánh Antôn

01:32 10/12/2023
hoc du

(Hôm nay làm việc trên máy tính, vô tình thấy lại mấy tấm hình chụp cách đây 13 năm, lúc Khóa IX và X thuộc Đại Chủng viện Vinh-Thanh đi tĩnh tâm tại Linh địa Trại Gáo. Luôn tiện đăng đoạn lịch sử Trại Gáo có được thời làm cộng tác viên với cụ Vương Đình Chữ để ai đọc được thì hiểu hơn chút về chốn linh thiêng này).
GP.Vinh - TGM Giáo phận Vinh: Thông báo về Tuần Cửu Nhật kính Thánh Antôn  Pađôva
Lịch sử của Linh địa này được kể lại như sau: “Vào quãng giữa thế kỷ XIX, vùng đất Trại Gáo là trang trại của Nhà chung, dùng để trồng lúa và chăn nuôi gia súc. Cách Đền Thánh Antôn hiện nay hơn 1 km về phía Đông Bắc, Nhà chung có một kho chứa lúa. Vì thế lúc đầu người ta gọi nơi đây là “Trại Gạo” nhưng với thời gian, người ta đọc trệch thành “Trại Gáo”.

Khi mới hình thành trang trại, nơi đây chỉ có dăm gia đình công giáo sinh sống và làm công cho Nhà chung. Sau một thời gian, các linh mục ở Tòa Giám mục đã đưa các người nghèo khổ về đây để lao động, sinh sống. Khi số tín hữu nơi đây tăng lên chừng mươi hộ, các ngài đã cất cho họ một nhà nguyện ở xóm Nhà Hốm, bên cạnh kho lúa Nhà chung.

Vì sinh sống ở vùng ẩm thấp nên nhiều người bị ốm đau, do đó đã có những gia đình phải đời nhà lên phía trên đồi cách đó hơn 1 km về phía tây. Dù nơi đó rậm rạp âm u, nhưng họ hy vọng ở nơi cao ráo sẽ đỡ bệnh tật hơn.

Thấy những gia đình dời lên đồi cao được khỏe mạnh, một số gia đình khác cũng dời theo. Dần dần số dân ở trên triền núi đông hơn dưới khu vực đồng trũng.

Với mục đích giúp các tín hữu nơi đây noi gương Vị thánh “yêu chuộng sự khó khăn”, cũng như để phó thác những người nghèo đói khổ đau cho Đấng Thánh “hay làm phép lạ”, các linh mục đã chọn Thánh Antôn Pađôva làm Quan Thầy cho Giáo họ Trại Gáo. Để tỏ lòng tin tưởng và tôn kính nơi Ngài, năm 1898, các cha thừa sai người Pháp đã mua một pho tượng thánh nhân bằng thạch cao ở Pháp đưa về lập đền thờ. Sau nhiều ngày tháng di chuyển bằng đường thủy, tượng Thánh Antôn đã được đưa về Nhà chung Xã Đoài. Về đến đây, người ta tiếp tục dùng đò để đưa tượng thánh nhân lên Trại Gáo. Khi đến cuối làng Thanh Hương, các tín hữu mới dùng kiệu để cung nghinh Ngài về. Tới địa điểm Đền Thánh hiện nay, mọi người dừng lại nghỉ để lấy sức tiếp tục kiệu tượng lên đỉnh núi, nơi các cha đã định xây dựng Đền Thánh. Nhưng sau khi nghỉ xong, họ không làm sao nhấc tượng lên được. Huy động thêm người, vẫn không có kết quả, trái lại, tất cả dây khiêng đều bị đứt. Thấy dấu hiệu ấy, các vị hữu trách nhận ra ý Thánh Antôn muốn “dừng chân” tại đó. Vì vậy, các vị đã cùng với các tín hữu nơi đây dựng một ngôi đền dài 18 mét, rộng 12 mét, hoàn toàn bằng gỗ, để làm nơi tôn kính Ngài.

Sau phép lạ đầu tiên đó, cũng như sau khi Đền Thánh được làm xong, các tín hữu về sinh sống quanh Đền Thánh đông hơn. Năm 1976, một số giáo dân còn lại dưới vùng đất trũng cũng được chính quyền di dời lên triền núi để bảo đảm sức khỏe cho họ cũng như để lấy diện tích canh tác. Đến nay (2008), Giáo họ Trại Gáo đã có 210 hộ với 1.080 nhân danh.

Tiếng lành đồn xa. Được tin Thánh Antôn hay làm phép lạ và nhất là đã thực hiện việc lạ lùng ngay khi tượng Ngài được cung nghinh về đây, nhiều người dân trong khu vực, giáo cũng như lương, khi gặp khó khăn đều đến cầu khẩn Ngài. Rất nhiều người đã được Chúa ban ơn qua lời chuyển cầu của Thánh nhân. Nhiều người phương xa nghe tin cũng tìm đến với Thánh nhân mỗi khi gặp khó khăn, hoạn nạn, đau ốm.

Để bày tỏ lòng tri ân về những ơn lành mà Thánh nhân đã chuyển cầu cho nhiều người trong và ngoài Giáo phận, cũng như để khích lệ các tín hữu đến với Thánh nhân nhiều hơn, ngõ hầu được Ngài bầu cử cứu giúp, đồng thời noi gương Ngài trong việc mến Chúa yêu người, Đức Giám mục Giáo phận đã chọn nơi đây làm trung tâm hành hương chính của Giáo phận”. (Trích Kỷ niệm 110 năm thành lập Linh địa Trại Gáo. Năm Thánh An Tôn. Tập 2. Lưu hành nội bộ, 14-16).

Sau hơn 100 năm với các cuộc hành hương tự phát và lẻ tẻ hoặc với quy mô nhỏ, Trại Gáo chính thức trở thành Trung tâm Hành hương của Giáo phận qua biến cố tổ chức Năm Thánh Antôn (13-6-2008 đến 13-6-2009) do Tòa Ân giải Tối cao cho phép qua quyết định số 116/08/01 ngày 15-3-2008. Trong suốt một năm, 175 đoàn hành hương từ khắp các giáo xứ đã kéo nhau về Trại Gáo, với 35.153 người tham dự . Nếu kể thêm số lượt người vào các ngày lễ cao điểm kết thúc Năm Thánh, khoảng 5 vạn giáo hữu Vinh đã tham dự sinh hoạt đạo đức này mà mục đích, theo Tòa Ân giải Tối cao, là “để giúp các tín hữu tăng trưởng các nhân đức siêu nhiên Tin, Cậy, Mến, đồng thời giúp cải thiện phong hóa cho phù hợp với đường lối Tin Mừng và thắt chặt thêm nữa tình hiệp nhất phẩm trật giữa Đức Giáo hoàng và Đức Giám mục”.

Nhận thấy những lợi ích thiêng liêng cũng như những ân huệ mà Trung tâm hành hương này mang lại, Giám mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp đã ban hành Quyết định số 1518/QĐ-TGM ngày 09-7-2018, nâng Trại Gáo thành “Đền Thánh cấp giáo phận, trực thuộc Tòa Giám mục Giáo phận Vinh” và ban hành Quy chế hoạt động kèm theo.

Bên cạnh đó, theo đề nghị của tòa giám mục, tỉnh Nghệ An cũng chấp thuận cho mở rộng Đền thánh, lần đầu qua Quyết định số 533/QĐ-UB ngày 29-8-2017, với 63.005 m2, và lần thứ hai qua Quyết định số 644/QĐ-UB ngày 22-8-2018, với 10.492 m2, nâng tổng diện tích khu vực lên tới gần 15 mẫu.

Cùng với việc mở rộng quy mô và các công trình xây dựng, điều quan trọng hơn được Tòa Giám mục nhắm tới là thường tổ chức các cuộc hành hương hướng tới chiều sâu tâm linh. Càng ngày, Trại Gáo càng thu hút thêm khách hành hương: Mỗi ngày đều có các đoàn hành hương đến với Thánh Antôn. Riêng ngày thứ Ba hằng tuần, Trại Gáo trở thành điểm hẹn thân quen của nhiều người, lương cũng như giáo. Đặc biệt, vào ngày lễ kính Thánh Antôn hằng năm (13-6), hàng vạn khách hành hương tuôn đổ về đây. Trại Gáo cũng là một trung tâm sinh hoạt của các đoàn thể và tổ chức sự kiện trong giáo phận.


Nguồn: Linh mục Anthanh Linhgiang

 

Bạn có thể quan tâm

lên đầu trang