Tắt Quảng Cáo [X]

Tinh thần Kitô trong các phán quyết của thẩm phán Frank Caprio

10:02 25/03/2022
hoc du

Ông Frank Caprio là thẩm phán của thành phố Providence thuộc tiểu bang Rhode Island, Hoa Kỳ. Ông được nhiều người biết đến và yêu mến vì tinh thần Kitô và tính nhân văn trong những bản án dành cho các tội phạm. Gần đây trong chương trình truyền hình thực tế “Caught in Providence”, mọi người đã được chứng kiến cuộc gặp gỡ đầy tình người và mang tính nhân văn cao giữa cha Mark Mastin và thẩm phán Frank Caprio.

Mặc dù đã bước vào tuổi 85, ông Frank Caprio vẫn ngồi ở ghế dành cho thẩm phán trong các phiên toà. Từ vị trí này, thẩm phán đã đưa ra các bản án đúng công lý, nhưng đầy lòng trắc ẩn. Những phiên toà do ông xét xử luôn được mọi người chú ý, vì thế ông được mời tham gia vào một chương trình truyền hình thực tế.

Bắt đầu lên sóng truyền hình từ năm 2018, trong chương trình “Caught in Providence”, ông Caprio là diễn viên kiêm thẩm phán. Mỗi lần ghi hình đều là một phiên xử thật, được ghi lại trong hồ sơ tố tụng của chính quyền Providence. Mỗi khi ông Caprio xuất hiện là một lần mọi người được chứng kiến phong cách xử án “không giống ai” của ông.

Trong chương trình truyền hình thực tế này, mọi người theo dõi với đầy cảm phục và yêu mến cách thẩm phán Caprio chăm chú lắng nghe câu chuyện của mọi người, những người có liên quan đến vụ án. Và thay vì lên án vì những sai lầm của họ, ông đã trao cho họ cơ hội để phục hồi.

Thẩm phán từng nói: “Dưới tấm áo choàng thẩm phán của tôi không có huân chương nào cả. Tôi chỉ có một trái tim”. Thật vậy, từ lâu tầm nhìn của ông đã vượt qua những phiên xử đơn thuần. Ông luôn đặt những câu hỏi: Tại sao mọi người lại mắc lỗi? Họ thật sự cố tình hay chỉ vô ý vi phạm? Liệu có câu chuyện nào đằng sau việc họ vi phạm hay không? Làm thế nào để mọi người không tái phạm lỗi họ từng mắc phải?

Vị thẩm phán già quan niệm: Hình phạt không phải cách phù hợp để yêu cầu người dân tuân thủ luật lệ. Việc giáo dục họ, giúp họ nhận ra sai lầm có thể mang đến hiệu ứng tích cực hơn. Trên thực tế, hạt Providence là một trong những nơi có tỷ lệ vi phạm giao thông thấp nhất nước Mỹ, và hình phạt cũng không quá nghiêm khắc.

Quan trọng hơn cả, ông Caprio tin rằng tình thương yêu có thể lan tỏa qua sự thấu hiểu và cho đi. Điều này đã được mọi người chứng kiến ở cuối phiên xử bà mẹ đơn thân gần đây, thẩm phán đã nói: “Tôi và những nhà hảo tâm không giúp đỡ cô vô điều kiện. Hãy luôn nhớ: Nếu một ngày nào đó cô thoát khỏi khó khăn, hãy quay lại giúp đỡ những người kém may mắn hơn mình. Dù sao cô chắc chắn sẽ làm điều đó, phải không?”

Chứng kiến phong cách xét xử đặc biệt, khác những thẩm phán khác đã làm cho cha Mark Mastin ở Franklin, bang Wisconsin xúc động. Vì thế, linh mục của giáo xứ Thánh Tâm đã đến toà án của ông Caprio để trao cho ông một khoản tiền trị giá 1000 đô la.

Khi trao quà, cha Mastin giải thích cho thẩm phán về hoàn cảnh xuất thân của cha và làm thế nào cha có thể lớn lên trong cảnh nghèo cùng cực cùng với 7 người anh em. Mẹ cha một mình nuôi các con khôn lớn, trong đó có một người em gái của cha mắc hội chứng Down. Sau đó, cha chia sẻ cách mẹ cha đã không dám ăn, nhường phần cho các con. Nhờ làm việc vất vả, cha và các anh chị em của cha đều cảm nhận hạnh phúc và vui trong cuộc sống.

Thẩm phán lắng nghe chăm chú câu chuyện của cha Mastin. Vị linh mục tiếp tục ca ngợi ông Caprio, người mà cha gọi là “người giàu lòng nhân ái”. Theo cha Mastin, trong khi thực thi công việc, thẩm phán đã thể hiện phẩm chất quan trọng đối với Giáo hội Công giáo. Cha còn chia sẻ với thẩm phán về từ ngữ lòng nhân ái trong tiếng latinh và theo thần học có nghĩa là “đau khổ với” và cách Chúa thể hiện lòng trắc ẩn qua việc chịu đau khổ với chúng ta. Đi sâu vào vấn đề, cha cũng giải thích rằng cụm từ “lòng thương xót” trong ngôn ngữ Do Thái có nghĩa là đồng hành với ai đó, đưa họ ra khỏi vực sâu của sự tuyệt vọng.

Cha Mastin nói, cha nhìn thấy tất cả phẩm chất này nơi thẩm phán. Ông Caprio có thể trừng phạt những ai đã vi phạm pháp luật, nhưng ông thích xét xử công bằng hơn, cố gắng cải thiện cuộc sống của những người đang đứng trước mặt ông hơn là làm cho các nhà tù trong thành phố không còn chỗ.

Đáp lời cha Mastin, thẩm phán nói ông làm tất cả theo tiếng nói của lý trí và con tim. Thẩm phán cũng nhấn mạnh rằng chính cha đã chỉ ra tầm quan trọng của gia đình, đó chính là nền tảng cho xã hội. Ông nói: “Tinh thần, sự quảng đại của linh mục đến từ gia đình, từ người mẹ. Một trong những tội của thế giới trong lúc này là sự đổ vỡ của các gia đình. Chúng ta phải làm những gì có thể để gia đình luôn được bền vững. Cha đã chỉ ra hoa trái đến từ một gia đình hiệp nhất và từ một người mẹ luôn yêu thương hy sinh cho con cái”.

Cuối buổi gặp gỡ, cả hai đã ôm chào nhau và cùng chúc cho nhau theo ơn gọi của mỗi người luôn sống và làm chứng cho tình yêu Chúa trong thế giới.


Nguồn: VaticanNews

 

Bạn có thể quan tâm

lên đầu trang