Tắt Quảng Cáo [X]

“Sống thử” trước khi cưới có phạm tội hay không ?

01:14 13/08/2021
hoc du

“Sống thử” trước khi cưới có phạm tội hay không ?

Hỏi: Thưa cha, con xin hỏi: hai chúng con rất yêu nhau và muốn tiến đến hôn nhân. Và hai chúng con không gặp bất kì ngăn trở nào về giáo luật và dân luật. Nhưng ba mẹ hai bên vẫn không đồng ý cho tụi con lấy nhau. Tụi con đã chọn đăng kí kết hôn theo đúng dân luật. Nhưng trước mặt Giáo Hội thì tụi con chưa được làm lễ cưới trong nhà thờ. Tụi con đang sống cùng nhau. Thưa cha như thế có phạm tội không ạ? Chúng con không được chấp thuận cho cưới vì bên đàng trai không hài lòng khi con đang mắc bệnh viêm gan siêu vi B. Con xin cảm ơn.

Đáp: Giáo luật điều 1055 :

(1) Do giao ước hôn phối, người nam và người nữ tạo nên với nhau một cuộc thông hiệp trọn cả cuộc sống. Tự bản tính, giao ước hôn phối hướng về thiện ích của đôi bạn và việc sinh sản cùng giáo dục con cái. Chúa Kitô đã nâng giao ước hôn phối giữa người đã chịu phép rửa tội lên hàng Bí Tích.

(2) Bởi vậy, giữa những người đã chịu phép rửa tội, không thể có khế ước hôn phối hữu hiệu nếu đồng thời không phải là Bí Tích.

Vì thế, khi hai người nam nữ là Kitô hữu sống với nhau buộc phải có khế ước hữu hiệu, và điều đó chỉ có thể có được khi cả hai cử hành giao ước đó theo nghi thức Kitô giáo để giao ước trở thành Bí tích.

Do đó, chị và chồng chị đang ở trong tình trạng hôn nhân bất hợp pháp, và thường được gọi là tình trạng rối, chị và chồng chị không được xưng tội rước lễ cho tới khi tình trạng bất hợp pháp này được loại bỏ. Chị có thể hợp pháp hóa hôn nhân của chị bằng cách chị vào gặp cha xứ, nơi chị cư ngụ, trình bày cho ngài, và ngài sẽ giúp đỡ chị.

Trường hợp của chị cũng không khó khăn lắm đâu, bởi như chị trình bày, chị và chồng chị không vướng bất cứ một ngăn trở nào về Giáo luật và dân luật.

Theo Giáo luật, thi bệnh viêm gan siêu vi B của chị không cấu thành ngăn trở hôn phối, hơn nữa chồng chị đã biết căn bệnh của chị và đã chấp nhận. Chị nên tiến hành thủ tục hợp thức hóa hôn nhân để đời sống đức tin khỏi bị thiệt thòi, và để đời sống chung của hai vợ chồng được Chúa chúc phúc.

Trong đời sống vợ chồng, một trong những điều không thể bỏ qua đó là cha mẹ hai bên, giả như được các ngài đồng thuận thì đó qủa là một điều tốt lành cho hai vợ chồng, nhưng sự đồng thuận của các ngài không cấu thành các yếu tố thành sự của bí tích hôn nhân.

Cái chính yếu là sự đồng thuận của hai vợ chồng. Nghi thức bí tích hôn phối không hỏi các bạn có được cha mẹ chấp thuận không, nhưng là hỏi các bạn có hoàn toàn tự do và có bị ép buộc không.

Theo thiển nghĩ, cha mẹ công giáo thường quan tâm đến phần rỗi con cái nhiều hơn, nên chị và chồng chị đừng ngã lòng bỏ cuộc, và nếu có được sự giúp đỡ của cha xứ, có lẽ vợ chồng chị sẽ nhận được sư đồng ý của cha mẹ để vợ chồng chị tiến tới việc hợp thức hóa hôn nhân hầu chăm lo cho phần rỗi cho hai vợ chồng và con cái.


Conggiao.vn/ St từ Internet

Bạn có thể quan tâm

lên đầu trang