Tắt Quảng Cáo [X]

Ấn Độ lần đầu tiên có giáo dân được phong thánh: Phép lạ hồi sinh thai nhi tuần thứ 20

10:00 14/05/2022
hoc du

Lazare Devasahayam là thánh duy nhất không phải châu Âu trong số mười thánh sẽ được Đức Phanxicô phong ngày chúa nhật 15 tháng 5 tại Đền thờ Thánh Phêrô. Chân phước Lazare Devasahayam Pillai (1712-1752) là sĩ quan ấn độ giáo trở lại đạo công giáo.

Ngài là bộ trưởng tài chính của vương quốc Travancore, sẽ là người Ấn Độ thứ tám được phong thánh trong lịch sử Giáo hội công giáo, nhưng đây là giáo dân Ấn Độ đầu tiên được phong thánh.

Lazare Devasahayam sinh ngày 17 tháng 4 năm 1712 tại một ngôi làng phía nam của vương quốc Travancore, ở cực tây nam Ấn Độ, trải dài giữa các bang Kerala và Tamil Nadu ngày nay. Xuất thân từ gia đình thuộc đẳng cấp cao và theo đạo hinđu, ngài có trình độ học vấn rất cao, đặc biệt là thông thạo ngôn ngữ, và võ thuật truyền thống.

Tình bạn với Hà lan

 

Chân phước Ladare theo đạo hinđu truyền thống, trung thành với nguồn gốc của mình, ngài thăng tiến nhanh trong sự nghiệp và có tên là “Nilakandan”, bộ trưởng của vương quốc và quan chức của cung điện hoàng gia, phụ trách ngân khố và tài chính.

Năm 1741 khi ngài mới 29 tuổi, Hà Lan tấn công vào miền nam Ấn Độ bị thất bại với chiến thắng của Vua Marthandavarma tại cảng Colachel. Nhiều sĩ quan của quân đội của các Tỉnh bang Thống nhất – tên gọi của Hà Lan vào thời điểm đó – bị bắt làm tù binh, trong đó có đại đội trưởng Eustache de Lannoy theo đạo công giáo.

Vua của Travandore, người đánh giá cao danh tiếng của sĩ quan Lannoy, được công nhận là nhà chiến lược quân sự tài giỏi, đã thả ông và phong ông làm tướng của chính quân đội mình, sau đó ông đã giúp hiện đại hóa quân đội.

Ông cũng đã dựng lên các công sự. Sự hợp tác của ông với bộ trưởng Bộ Tài chính Nilankandan phát triển thành tình bạn cá nhân, nỗi đau khổ của sĩ quan người Hà Lan sống lưu vong này lặp lại sự cô đơn của vị bộ trưởng khi phải đối diện với tình trạng bị gia đình không tin yêu.

Trở lại và bị bắt bớ

 

Sau đó, Eustache de Lannoy giải thích đức tin công giáo của ông cho Ladare nghe, đặc biệt ông kể cho Ladare nghe các câu chuyện trong Kinh Thánh và về sự đau khổ của ông Gióp, được cho là người công chính. Sau đó bộ trưởng Nilankandan hiểu được đức tin kitô giáo và vì thế ngài tức giận nhà vua khi thấy lịch sử đã đồng hóa kitô giáo với sự đe dọa thuộc địa.

Cuối cùng, một tu sĩ Dòng Tên đã rửa tội cho ngài ngày 17 tháng 5 năm 1745 lấy tên trong Kinh thánh là Ladare, được dịch là “Devasahayam” trong ngôn ngữ Ấn. Vợ của ngài cũng được rửa tội, cả hai vợ chồng tích cực truyền giáo. Nhưng các tu sĩ ấn giáo lo lắng và tố cáo với nhà vua.

Trên trang chính thức của bộ Phong Thánh trình thuật: “Lần đầu tiên ngài từ chối thờ các thần hinđu trong cung điện và xa cách các lễ hội tôn giáo của đạo hinđu, vì thế đã làm cho nhiều quan chức không chấp nhận lời rao giảng của ngài về quyền bình đẳng của tất cả các dân tộc, vượt qua giai cấp và tình bạn với những người cùng đinh của các tầng lớp thấp hơn, một điều bị cấm với một người có đẳng cấp cao.”

Tra tấn và bị sỉ nhục

 

Cuối cùng ngày 23 tháng 2 năm 1749, nhà vua đã cho bắt ngài. Nhà vua muốn làm cho ngài từ bỏ đức tin công giáo, nhưng vô ích nên nhà vua đã cho tra tấn ngài công khai. Ngài đã trải qua thời gian lâu dài của đồi Canvê, chịu sỉ nhục khủng khiếp, noi gương Chúa Kitô trên đường lên đồi Gôngôta.

Đặc biệt, ngài bị trói vào thân cây trong bảy tháng, bị gió, mưa, đói, khát và thú dữ đe dọa. Nhưng ngài không bao giờ phủ nhận đức tin của mình và thời gian bị giam cầm nhục nhã này cũng là thời gian của truyền bá Phúc âm: nhiều người đến thăm ngài dưới chân cây, họ nhận lời cầu nguyện và phép lành, và những người lính canh giữ ngài tỏ ra nhân từ với ngài, thậm chí họ còn xúi ngài đi trốn.

Nhà vua chuyển ngài đến một nhà tù bí mật và cuối cùng ngày 14 tháng 1 năm 1752, ngài bị hành quyết trên một ngọn đồi khi ngài 39 tuổi. Lời cuối cùng của ngài: “Chúa ơi, xin cứu con.” Thi thể của ngài bị các người lính bỏ vào rừng để thi thể sẽ biến mất, nhưng cuối cùng, năm ngày sau người công giáo đã tìm ra thi thể và thi thể được xác nhận, được chôn cất ở Nhà thờ Thánh Phanxicô Xaviê Kottar, nhà thờ chính tòa hiện tại của giáo phận Kottar, Bang Tamil Nadu.

Người Ấn Độ thứ tám được phong thánh

 

Danh tiếng về sự thánh thiện của ngài lan truyền nhanh chóng ở Ấn Độ, ngài được phong chân phước ngày 2 tháng 12 năm 2012 trong một buổi lễ do hồng y Angelo Amato, bộ trưởng bộ Phong thánh thời đó cử hành với sự hiện diện của khoảng bốn mươi giám mục Ấn Độ, 2000 linh mục, các tu sĩ thánh hiến và đông đảo giáo dân.

Phép lạ được chọn để phong thánh cho ngài là thai nhi của một phụ nữ Ấn Độ ở tuần thứ 20 thai kỳ được hồi sinh. Sắc lệnh công nhận phép lạ được Đức Phanxicô ban hành ngày 21 tháng 2 năm 2020.

Việc phong thánh cho ngài có tác dụng nổi bật, đặc biệt do có nhiều vụ tấn công mà tín hữu kitô ở Ấn Độ phải hứng chịu từ các trào lưu cực đoan nhất của đảng dân tộc chủ nghĩa hinđu đang nắm quyền ở cấp liên bang.

Devasahayam Pillai sẽ là người Ấn Độ thứ tám được phong thánh, các thánh khác đều là tu sĩ. Người nổi tiếng nhất vẫn là Mẹ Têrêsa, người gốc Albania, nhưng được xem là người Ấn Độ vì Mẹ có quốc tịch Ấn. Bảy người Ấn Độ khác đã được tuyên chân phước, và theo cơ quan Giáo hội Châu Á, Ấn Độ có ít nhất 11 “bậc đáng kính” và hơn 40 “tôi tớ Chúa”.


Nguồn: Phanxico.vn

 

Bạn có thể quan tâm

lên đầu trang