Tắt Quảng Cáo [X]

Nghe xót xa: “…Đạo thờ ông ở truồng thấy kỳ quá…!” – Lm. Piô Ngô Phúc Hậu

09:06 27/10/2023
hoc du

— Xin gửi tới cộng đoàn bài “Nỗi Buồn Khôn Nguôi” trong tập “SUY TƯ TRÊN ĐƯỜNG TRUYỀN GIÁO” của Linh mục Piô Ngô Phúc Hậu.
Đêm 21.01.1975, hai anh công an dẫn độ mình từ nhà ông Hai Bến Tre, ấp Lung Tra, đến nhà chị Chín Nữa, ấp Bến Bọng. Sáng hôm sau, mình đi tới đi lui trên sân nhà chị Chín để lần hạt. Lần hạt xong thì nhìn ngắm trời mây nước để định hình vị trí quản thúc. Phía trước là con rạch và cây mắm cổ thụ. Phía sau là vườn và ruộng. Ruộng thì trống trơn, vì chưa tới mùa cấy. Vườn thì chỉ có đế sậy mọc hoang. Phong cảnh thì chẳng có gì hấp dẫn. Lòng trí thì bơ vơ và tăm tối.

Bỗng có một người đàn bà, tuổi sồn sồn, xăm xăm đi tới. Không thèm chào, không thèm hỏi, bà ném vào mặt mình một câu nói chua lè như giấm: “Chúa anh thờ, mà anh để Chúa anh trần truồng như vậy đó hả. Như vậy có khác gì anh bêu diếu Chúa của anh”. Sau đó, bà hít một hơi dài, để dạy mình hai bài học: “Hình ảnh ông bà, cha mẹ trên bàn thờ tổ tiên thì phải chọn ảnh đẹp. Nếu cha mình say sỉn nằm lõa lồ trên đường, thì phải lấy mền đắp lại mà khiêng về nhà”. Bà chỉ nói bấy nhiêu lời, rồi quay ngoắt một cái, bỏ đi mà không một lời giã từ. Còn mình thì đứng trơ ra đó, không kịp nói một lời nào để thanh minh. Buồn quá! Tủi quá! Nỗi buồn tủi này giống như một vết thương bị chém bất ngờ, không có thuốc để cầm máu, không có vải để băng bó. Đành thở dài và thất vọng. Bỗng thấy một khúc cây nằm chình ình ở cuối sân, mình đến đó ngồi để ngẫm nghĩ sự đời.

Thái độ bất bình của người đàn bà chứng tỏ bà đã bị sốc lớn khi thấy ảnh Chúa thụ nạn. Cú sốc ấy bị dồn nén nhiều năm, nay mới được giải tỏa. Thấy Chúa chết nhục và chết đau quá thì thương. Nhưng thương Chúa bao nhiêu, thì giận tín đồ của Chúa bấy nhiêu. Đối với bà, thì thờ ảnh Chúa trần truồng như thế là xúc phạm quá đáng, không thể tha thứ được.

Dĩ nhiên đó là ý kiến riêng của bà, chứ không phải của mọi người. Biết bao nhiêu người phải rơi nước mắt vì thấy Chúa khổ như thế và tình yêu của họ đối với Chúa lại tăng lên vùn vụt. Nhưng dù sao ý kiến của bà ấy vẫn phải được kính trọng.

Mình bình tĩnh ôn lại lịch sử và thấy rằng ảnh Chúa thụ nạn xuất hiện vào thế kỷ XII. Trước thế kỷ XII, chỉ có cây thánh giá cẩn xà cừ, hoặc gắn vàng bạc, để nói lên ý tưởng này là “Từ khổ giá đến vinh quang”. Bởi vậy nếu có ai muốn cây khổ giá không có Chúa thụ nạn, thì cũng nên tôn trọng họ.
Chuyện người đàn bà chửi mình như tát nước vào mặt đã qua đi gần một nửa thế kỷ rồi, nhưng vẫn không phai mờ. Không những không phai mờ, mà còn quy tụ về nhiều nỗi buồn khác nữa. Chuyện nào cũng đau nhói trong tim. Nếu có khác, thì chỉ là đau quá hay quá đau mà thôi. Những chuyện buồn ấy lần lượt xuất hiện như sau.

Chuyện 1 – Hồi còn bé, mình đi chăn trâu với bạn. Bạn có đạo và bạn ngoại đạo. Một lần kia bạn ngoại đạo trêu mình: “Đạo của mày thờ ông Giêsu để cu ra ngoài”. Đau quá, nhục quá, nhưng không dám đánh để trả thù. Đánh thì thua, vì chúng nó đông và to con hơn mình; mà thanh minh cũng không được, vì ảnh Chúa thụ nạn có trần trụi thật. Tủi nhục này chỉ biết giấu trong lòng chứ không dám kể lại cho cha mẹ nghe. Càng kể lại, càng thêm tủi nhục.

Chuyện 2 – Năm 1965, Đức cha Nguyễn Kim Điền điều mình về làm linh mục phụ tá giáo xứ Chánh tòa Cần Thơ. Cha xứ Trần Kim Long trao cho mình trách nhiệm điều hành trường tiểu học Tây Đô với tư cách là Hiệu trưởng.

Hôm ấy, ông Thanh Tra Tiểu Học của tỉnh Phong Dinh (tỉnh Hậu Giang bây giờ) đến thanh tra trường Tây Đô. Mình dẫn ông ấy đi quan sát hết các phòng học từ lớp một đến lớp năm. Trước khi ra về, ông ghé tai mình nói nhỏ nhẹ: “Xin cha vui lòng trang trí phòng học bằng các tranh ảnh đẹp, để tạo ảnh hưởng tốt cho các em”.

Lời dặn dò tha thiết của ông Thanh Tra khiến mình phải suy nghĩ. Mình nhớ lại là phòng học nào cũng có ảnh Chúa thụ nạn và bức tranh Đức Mẹ Sầu Bi. Ảnh Chúa thụ nạn là ảnh bạo lực, nhưng may mắn là ảnh rất nhỏ không gây ấn tượng. Tranh Đức Mẹ Sầu Bi thì không vui một tí nào hết. Đức Mẹ cúi mặt, dòng lệ đang lăn trên gò má, hai tay ôm ngực, quả tim bốc lửa và bị bảy lưỡi gươm đâm thủng. Đứng trên phương diện tâm lý giáo dục thì phải công nhận rằng: trang trí lớp học như thế là phản giáo dục.

Chuyện 3 – Chuyện này do Đức cha Tri Bửu Thiên kể. Lúc ấy, ngài còn là cha xứ dạy giáo lý cho một cặp trai gái để chuẩn bị kết hôn. Anh con trai là dự tòng. Sau một tiết giáo lý, ngài dẫn hai anh chị vào nhà thờ để viếng Thánh Thể và để giải thích ý nghĩa của chặng đàng thánh giá. Khi anh chàng dự tòng nhìn lên phông cung thánh, thấy tượng Chúa thụ nạn, hắn giậm chân bẹt một cái, rồi quay gót, miệng lải nhải: “Cái đạo này thờ ông ở truồng, kỳ quá à! Tôi không theo đạo này đâu”. Thế là hắn rút lui luôn và không cưới cô gái Công Giáo ấy nữa. Cha sở thì buồn, mà chẳng biết phải làm thế nào. Cô gái Công Giáo thì vừa buồn vừa tiếc, mà chỉ biết lấy bàn tay gạt nước mắt.

Ý nghĩa của việc Chúa thụ nạn thì cao vời vợi, nhưng ảnh tượng Chúa thụ nạn thì có thể là như thế đó.

Chuyện 4 – Một nữ tu Dòng Chúa Quan Phòng kể chuyện tâm tình với chị em. Hôm ấy chị đến Bạc Liêu để thăm cộng đoàn. Trước khi vào nhà của cộng đoàn, thì ghé nhà thờ để viếng Chúa. Nhìn lên phông cung thánh, thấy tượng Chúa thụ nạn bằng thạch cao, vừa to vừa trắng. Cái khố xệ xuống để lộ một nửa vùng tam giác. Chị vội vàng cúi gầm mặt xuống. “Sexy quá!” Chị tuyên bố một cách giận lẫy như vậy.

Một tác phẩm nghệ thuật thánh được trưng bày trên cung thánh mà làm cho một nữ tu phải xấu hổ gục mặt xuống như thế, thì có nên xét lại không? Đó là một vấn đề lớn không nên bỏ qua. Các nghệ sĩ, nghệ nhân cũng phải sáng tác như thế nào để tâm hồn con người được nâng lên, chứ không bị gục mặt xuống như thế.

Chuyện 5 – Ông Chín Binh tập kết ra Bắc vào năm 1954 và được hồi kết sau năm 1975. Ông đến tâm sự với mình.

Lo kháng chiến chống Mỹ, quên cả Chúa. Bây giờ hòa bình lập lại rồi, xin cha rửa tội cho ba đứa con của con.

Thằng con trai lớn này bao nhiêu tuổi rồi?

Nó tám tuổi. Con Phượng thì sáu tuổi. Con Loan thì bốn tuổi.

Tám tuổi thì phải học giáo lý đã. Còn hai đứa bé thì rửa tội luôn.

Mình chọn cho hai bé Phượng và Loan hai bà vú xịn: vừa là giáo viên, vừa là ca viên. Hai bé mừng quýnh lên. Khi cử hành nghi thức “Ghi danh” tại cửa chính nhà thờ, thì hai bé vui như tết, quấn quýt mẹ đỡ đầu y như mẹ ruột. Nhưng khi tiến tới cung thánh để cử hành nghi thức chính, thì bé Loan khóc òa lên, không ai dỗ cho nó nín được. Mình hỏi vú đỡ đầu: “Tại sao nó khóc dữ vậy?” Vú đỡ đầu trả lời: “Tại nó thấy Chúa thụ nạn, nó sợ quá.”

Ảnh tượng Chúa thụ nạn làm cho người ta cảm động đến rơi lệ, nhưng đồng thời lại làm cho bé Loan sợ hãi đến trào lệ.

***
Đã có một thời nổi lên phong trào lấy ảnh tượng Chúa Phục Sinh thay cho ảnh tượng ChúaThụ Nạn. Mình mừng quá! Mình tự hỏi: “Nếu ảnh tượng Chúa Phục Sinh thay thế ảnh tượng Chúa Thụ Nạn từ ngày Tin Mừng đến Việt Nam thì hôm nay số tín hữu Công Giáo có phải là bảy triệu hay là nhiều hơn nữa?”

Vừa tự đặt câu hỏi ấy xong, thì ảnh tượng Chúa Phục Sinh lại bị cất đi khỏi cung thánh. Mình cụt hứng. Nỗi buồn lại trở thành khôn nguôi.


 

 

Bạn có thể quan tâm

lên đầu trang