Tắt Quảng Cáo [X]

Tết đến rồi, Người Công Giáo có được thờ cúng Ông Bà, tổ tiên không?

01:18 13/01/2023
hoc du

Tôn giáo là đức tin, mục đích của bất kỳ tôn giáo nào cũng hướng con người đến “cái đẹp”. Tục thờ cũng ông bà tổ tiên không phải là đặc trưng của một tôn giáo, mà đó là bổn thận, là trách nhiệm, và là nét đẹp văn hóa của mỗi con người.

Trong 10 điều răn của Hội thánh Công giáo, “thảo kính cha mẹ” là điều răn quan trọng, chỉ đứng sau những điều răn về Chúa. Tục thảo kính cha mẹ và ông bà tổ tiên là một nét đẹp đạo hiếu trong văn hóa của người Việt nói chung và của người Công giáo nói riêng. Trong Tin Mừng, Đức Giê-su đã răn dạy: “Ngươi hãy thờ kính Cha Mẹ, kẻ nào nguyền rủa Cha Mẹ, thì phải bị xử tử” (Mt 15,4).

Đạo Công giáo dành ra 01 tháng trong năm (tháng 11) để kính nhớ ông bà tổ tiên, những linh hồn đã khuất. Tương tự như tháng cầu siêu (tháng cô hồn) ở Phật giáo, đây là dịp để con cháu quây quần lại, tưởng nhớ đến người thân đã khuất bằng hương khói nhang đèn.

Bên cạnh đó, ngày mồng 2 tết Nguyên đán cũng được dành riêng để nhớ về nguồn cội. “Uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”,… là những câu tục ngữ thường nghe trong bài giảng của cha xứ những ngày lễ này.

Bàn thờ của người Công giáo được sắp xếp như thế nào?

Khác với những gia đình Công giáo tại Châu Âu, gia đình Công giáo tại Việt Nam luôn luôn có bàn thờ. Không những vậy, bàn thờ luôn được đặt ở vị trí trang trọng và đẹp đẽ nhất trong ngôi nhà.

Thứ tự: tượng Chúa xếp trên, di ảnh ông bà xếp dưới.

Người công giáo đặt tượng Chúa phía trên di ảnh thờ ông bà tổ tiên

Người công giáo đặt tượng Chúa phía trên di ảnh thờ ông bà tổ tiên

Bàn thờ là khu vực tâm linh trang trọng của mỗi gia đình. Nhiều tục lệ và đức tin được hình thành dựa trên sự tôn trọng: không nói tục, không cãi nhau, không đặt những đồ vật ô uế trước bàn thờ…

Việt Nam mang đậm nét văn hóa phương Đông, ảnh hưởng nhiều bởi Nho giáo và Đạo giáo, vì thế, vấn đề thờ kính ông bà cha mẹ rất được coi trọng. Việt Nam cũng là nước đa dạng tôn giáo, điều này cho thấy người Việt có nhiều nhu cầu về đời sống tâm linh. Đức tin là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho người Việt qua những khó khăn, thiên tai,… Khu vực bàn thờ sẽ là nơi giải bày, cầu nguyện, với mong muốn cuộc sống tốt đẹp.

Một số đặc điểm trong việc thờ kính tổ tiên của người Công giáo:

Bàn thờ Gia Tiên phải đặt dưới bàn thờ Thiên Chúa. Con cháu được phép đốt nhang, đèn nến để thể hiện cử chỉ tôn kính nhưng không mê tín dị đoan bằng việc đốt vàng mã, tiền giấy…

Người đã chết sẽ được linh mục làm thánh lễ ở nhà thờ, được làm phép mồ trong Vườn Thánh. Trong nhiều ngày đầu, thân nhân đều ra viếng mộ mỗi ngày, có gia đình thực hiện việc đó đến khi giỗ trăm ngày. Các chu kỳ giỗ thông thường là mỗi năm một lần vào ngày mà người đó mất, người ta xin lễ, đọc kinh, thăm mộ. Vào những dịp giỗ quan trọng (như 49 ngày, 100 ngày, giỗ đầu…) tất cả con cháu xa gần đều phải về “ăn giỗ” để tưởng nhớ người đã qua đời và để thể hiện sự “hiếu – kính” của mình với tổ tiên.

Ngoài những ngày giỗ, niên lịch của Giáo hội còn dành một ngày riêng để cộng đoàn và con cháu cầu nguyện cho ông bà cha mẹ, đó là ngày mồng 2 Tết Nguyên đán và ngày 2 tháng 11. Vào ngày đó, giáo dân đi xin lễ cầu cho ông bà, cha mẹ, tổ chức đi thăm mộ, sửa sang mộ, dọn dẹp Vườn Thánh. Một số nơi linh mục còn tiến hành dâng lễ ngay tại Vườn Thánh.

Việc tang ma giỗ chạp trong cộng đồng Công giáo có nhiều yếu tố hội nhập với văn hóa bản địa. Người ta cũng đặt một bàn nhỏ trưng hoa quả trước linh cữu người quá cố khi xác còn quàn tại nhà, có đặt lư hương để những người đến viếng thắp hương và xá người chết. Trong nhà người Công giáo cũng có bàn thờ ông bà cha mẹ, và nhiều người vẫn thường thắp hương ở đó, nhiều gia đình có đặt hoa quả nhất là trong dịp giỗ, dịp tết,…

Trong hôn lễ, cô dâu chú rễ nên làm lễ Gia Tiên để trình diện ông bà, bày bỏ lòng biết ơn…

Làm lễ Gia tiên trong hôn lễ Công giáo

Làm lễ Gia tiên trong hôn lễ Công giáo

Điểm tương đồng của người Công giáo và không công giáo

Người Công giáo hay không công giáo đều có quan niệm rằng “chết không phải là hết”. Họ tin tươrng rằng con người có phần hồn và phần xác, khi ông bà tổ tiên mất đi, họ sẽ luôn theo dõi, bảo vệ, che chở cho con cháu theo một cách nào đó.

Người Công giáo và không Công giáo đều thể hiện sự hiếu kính, biết ơn đối với người đã khuất vào những dịp lễ, giỗ… Đây là đặc điểm mà người Công giáo hay không Công giáo đều thực hiện bởi đây là văn hóa tốt đẹp “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”.

Tóm lại, người Công giáo, họ cũng thờ ông bà tổ tiên như người không Công giáo. Nhưng có vài điểm khác biệt hơn thuộc về tính chất tín ngưỡng riêng của họ.

———-

Xin gới thiệu đến đọc giả nghị quyết về ‘Lễ Nghi Tôn Kính Ông Bà Tổ Tiên’ được lập từ năm 1974 tại Nha Trang bởi các Giám Mục Việt Nam (Miền Nam).

I- Bổn phận thảo kính đối với Ông Bà Cha Mẹ của người Công Giáo.

Khi nhìn lại quá trình loan báo Tin Mừng trong Năm Thánh, người giáo dân ViệtNamchúng ta vẫn còn đối diện với một ngộ nhận khá phổ biến nơi người ngoài Kitô giáo cho rằng: “Theo Đạo, bỏ ông bà”. Thực ra, người Kitô hữu được yêu cầu thực hành Mười Điều Răn, trong đó Điều Thứ Tư yêu cầu người Công giáo phải thảo kính cha mẹ. Hơn nữa, mỗi khi tham dự thánh lễ, mọi Kitô hữu đều cầu nguyện cho Ông Bà Tổ Tiên đã ly trần.

Như vậy, Hội Thánh buộc ngặt con cái mình phải chu toàn đạo hiếu. Khi cha mẹ còn sống thì nghĩa cử hiếu thảo của người Công Giáo và không Công Giáo có thể coi như giống nhau: yêu mến, kính trọng, vâng lời, giúp đỡ…. Nhưng đạo hiếu đối với người đã khuất có thể khác nhau. Một người không tôn giáo sẽ dành bàn thờ tổ tiên nơi trang trọng nhất trong nhà. Người Công Giáo dành nơi trang trọng nhất cho Thiên Chúa, vì Ngài là Cha, “là nguồn gốc mọi gia tộc trên trời dưới đất” (Eph 3, 14) và theo niềm tin của người Công Giáo thì: “Khi ngắm xem muôn loài trong vũ trụ, tự nhiên chúng con thấy vạn sự đều có cội rễ căn nguyên : chim có tổ, nước có nguồn, con người sinh ra có cha có mẹ. Nhưng nhờ ơn Cha mạc khải chúng con mới nhận biết Cha là nguyên lý sáng tạo muôn loài, là Cha chung của tất cả chúng con. Cha đã ban sự sống cho tổ tiên và ông bà cha mẹ chúng con để các ngài truyền lại cho con cháu. Cha cũng ban cho các ngài ân huệ dư đầy, để chúng con được thừa hưởng mà nhận biết, tôn thờ và phụng sự Cha.” (Lời Tiền Tụng lễ Mùng Hai Tết, kính nhớ Tổ Tiên Ông Bà Cha Mẹ).

Kính nhớ ông bà tổ tiên là việc được giáo hội khuyến khích

Một người theo “đạo ông bà” sẽ rất dị ứng, khó chịu, đôi khi cho là xúc phạm khi phải dời bàn thờ tổ tiên nơi trọng tâm gia đình sang một bên. Nhưng với tinh thần tôn thờ Thiên Chúa là “Tổ Tiên của tổ tiên”, người tín hữu, và cả tổ tiên mình cũng vui mừng dành cho Thiên Chúa nơi thờ tự cao trọng nhất. Còn việc dâng hương, xá lạy. . . ta hãy đọc lại chỉ dẫn của Hội Đồng Giám Mục. Sau đây là nguyên văn của Quyết nghị này:

Hanh huong la vang
Kính nhớ ông bà tổ tiên

II- Quyết nghị của các Giám mục Việt Nam về Lễ nghi tôn kính Ông Bà Tổ Tiên (1974)

Quyết nghị về Lễ nghi tôn kính Ông Bà Tổ Tiên

Chúng tôi, các Giám mục chủ tọa khóa hội thảo VII về Truyền Bá Phúc Âm toàn quốc, tại Nha Trang ngày 12-14 tháng 11 năm 1974, đồng chấp thuận cho phổ biến việc thi hành trong toàn quốc, những quyết nghị của Ủy Ban Giám mục về Truyền Bá Phúc Âm ngày 14.6.1965, về các lễ nghi tôn kính Ông Bà Tổ Tiên, như sau:

“Để đồng bào lương dân dễ dàng chấp nhận Tin Mừng, hội nghị nhận định: Những cử chỉ thái độ, lễ nghi (sau này) có tính cách thế tục lịch sự xã giao để tỏ lòng hiếu thảo, tôn kính và tưởng niệm các Tổ Tiên và các bậc anh hùng liệt sĩ, nên được thi hành và tham dự cách chủ động” (Thông cáo Hội Đồng Giám Mục Việt Nam 14.06.1974).

1. Bàn thờ gia tiên để kính nhớ Ông Bà Tổ Tiên được đặt dưới bàn thờ Chúa trong gia đình, miễn là trên bàn thờ không bày biện điều gì mê tín dị đoan, như hồn bạch.

2. Việc đốt nhang hương, đèn nến trên bàn thờ gia tiên và vái lạy trước bàn thờ, giường thờ Tổ tiên, là những cử chỉ thái độ hiếu thảo tôn kính, được phép làm.

3. Ngày giỗ cũng là ngày “kỵ nhật” được “cúng giỗ” trong gia đình theo phong tục địa phương miễn là loại bỏ những gì là dị đoan mê tín, như đốt vàng mã, và giảm thiểu cùng canh cải những lễ vật biểu dương đúng ý nghĩa thành kính biết ơn Ông Bà, như dâng hoa trái, hương đèn.

4. Trong hôn lễ, dâu rể được làm “Lễ Tổ, Lễ Gia Tiên” trước bàn thờ, giường thờ Tổ tiên, vì đó là nghi lễ tỏ lòng biết ơn, hiếu kính trình diện với Ông Bà.

5. Trong tang lễ được vái lạy trước thi hài người quá cố, đốt hương vái theo phong tục địa phương để tỏ lòng cung kính người đã khuất cũng như Giáo Hội cho đốt nến, xông hương nghiêng mình trước thi hài người quá cố.

6. Được tham dự nghi lễ tôn kính vị thành hoàng quen gọi là phúc thần tại đình làng, để tỏ lòng cung kính biết ơn những vị mà theo lịch sử đã có công với dân tộc hoặc là ân nhân của dân làng, chứ không phải là mê tín như đối với các “yêu thần, tà thần”.

Trong trường hợp thi hành các việc trên đây sợ có sự hiểu lầm nên khéo léo giải thích qua những lời phân ưu khích lệ, thông cảm… Đối với giáo dân, cần phải giải thích cho hiểu việc tôn kính Tổ Tiên và các vị anh hùng liệt sĩ theo phong tục địa phương, là một nghĩa vụ hiếu thảo của đạo làm con cháu, chứ không phải là những việc tôn kính liên quan đến tín ngưỡng, vì chính Chúa cũng truyền phải “thảo kính cha mẹ”, đó là giới răn sau việc thờ phượng Thiên Chúa.

Tại Nha Trang, ngày 14.11.1974

Đồng ký tên:

– Philiphê Nguyễn Kim Điền, TGM Huế

– Giuse Trần Văn Thiện, GM Mỹ Tho

– Giacôbê Nguyễn Văn Mầu, GM Vĩnh Long

– Giacôbê Nguyễn Ngọc Quang, GM Cần Thơ

– Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, GM Nha Trang

– Phêrô Nguyễn Huy Mai, GM Ban Mê Thuột

– Phaolô Huỳnh Đông Các, GM Quy Nhơn


Nguồn: HHCG JM

 

Bạn có thể quan tâm

lên đầu trang