Tắt Quảng Cáo [X]

Miếng Bông biển Thánh – Chứng tích khổ hình của Chúa Giêsu

04:39 03/03/2023
hoc du
Hiện có một số nguồn lần ngược thời gian và lịch sử để tìm kiếm dấu vết và đường hướng di chuyển của miếng Bông biển Thánh, nhưng chuyên gia Shawn Norris được trang tin Aleteia nhận định đã làm được điều phi thường khi thu thập các thông tin liên quan đến thánh tích này và tổng hợp mọi thứ vào một chỗ.
Có nhiều thánh tích vẫn tồn tại sau 2.000 năm kể từ khi Chúa Giêsu chịu khổ hình trên thập tự giá. Ðược biết đến với cái tên Arma Christi (những vật dụng, binh khí liên quan đến việc Chúa Giêsu chịu khổ nạn), hoặc “chứng thư Con đường khổ hình của Chúa Giêsu”, những thánh tích quan trọng thuộc nhóm này bao gồm cây Thánh giá thật, Mão gai, đinh đóng trên thánh giá, Mũi giáo Thánh và miếng Bông biển Thánh.

NGUỒN GỐC TỪ THÁNH HELENA

Theo một số nhà nghiên cứu, miếng Bông biển Thánh được dùng để thấm ướt giấm, hoặc rượu chua, nhiều khả năng là loại rượu rẻ tiền có tên gọi posca, thường được binh sĩ La Mã và tầng lớp nô lệ thời đó uống, và dâng lên miệng Chúa Giêsu vào thời điểm Ngài chịu hành hình trên thập tự giá. Nhờ đó, Ðức Giêsu phần nào đỡ khát trước khi mọi khổ hình chấm dứt.

Bông biển Thánh đã được đề cập trong các Phúc Âm thánh Matthêu, Máccô, Gioan. Tuy nhiên, không rõ tung tích của thánh tích này trong khoảng 300 năm sau cuộc khổ nạn. Thời điểm hoàng hậu Helena của Constantinople thăm Jerusalem, vào giữa năm Trong lúc hoàng hậu cho áp dụng kỹ thuật khảo cổ xung quanh nơi này, người hầu của bà đã tìm được miếng Bông biển Thánh.

Sau đó, Bông biển Thánh được mang về Jerusalem để tôn thờ. Ðến đầu thế kỷ thứ 7, thánh tích này được chuyển đến Constantinople nhằm bảo đảm sự an toàn sau khi quân đội Ba Tư kiểm soát Ðất Thánh. Trong giai đoạn này, có thời điểm miếng Bông biển Thánh đã quay lại Jerusalem, vì đấng đáng kính Bede (672-735) cho biết đã nhìn thấy thánh tích trong một chiếc cốc bằng bạc ở đây.

GHI CHÉP CỦA THÁNH SOPHRONIUS

Những dòng ghi chép đầu tiên về Bông biển Thánh đã được tìm thấy trong các tài liệu văn thư của thánh Sophronius (560-638) vào khoảng năm 600. Lúc đó, thánh tích đã được đưa đến Palestine và được bảo tồn bên trong Phòng Lớn của Vương Cung Thánh Ðường Constantine. Thánh Sophronius đã thấy được miếng Bông biển Thánh tại đây và sau đó viết lại cảm nhận của mình:
“Và hãy để ta bày tỏ hoan hỉ trước thánh đường nguy nga lộng lẫy, nơi mà hoàng hậu cao quý Helena đã tìm thấy cây thánh giá của Sự thật; và bên trên đó, trái tim ta tràn ngập sự hân hoan, và thấy Căn phòng Lớn, cây Sậy, miếng Bông biển Thánh và Mũi giáo Thánh. Kế đến ta nhìn xuống thưởng lãm cái đẹp mới mẻ của Vương Cung Thánh Ðường nơi mà các tu sĩ đồng ca mỗi đêm đều ngân nga những bài hát thần thánh”.

Thánh tích sau đó được hoàng đế Louis IX của Pháp mua lại, mang về nước và cất giữ bên trong nhà thờ Sainte-Chapelle trên đảo Cité của Paris. Tại đây, miếng Bông biển Thánh được đặt kề bên Mão Gai và các mảnh gỗ lấy từ cây thánh giá của Sự thật, cho đến khi cách mạng Pháp nổ ra. Sau thời gian loạn lạc, các thánh tích này bị thất lạc nhiều năm, trước khi được tìm thấy và đưa vào cất giữa tại nhà thờ Ðức Bà Paris.

Giờ đây, một số mảnh của Bông biển Thánh được bảo tồn ở vài nhà thờ tại Rome, bao gồm Vương Cung Thánh Ðường Thánh Gioan Latêranô (có vết máu khô), Vương Cung Thánh Ðường Ðức Bà Cả, Vương Cung Thánh Ðường Santa Maria ở Trastevere, và Santa Maria ở Campitelli.

Một số nguồn cũng đưa ra giả thuyết khác về nguồn gốc của Bông biển Thánh, chẳng hạn anh em họ Nicetas của hoàng đế Heraclius là người đã mang thánh tích này và Mũi giáo Thánh về Constantinople từ Palestine. Cũng không loại trừ khả năng đó vì có lẽ chúng ta sẽ chẳng bao giờ biết rõ các cuộc hành trình mà Bông biển Thánh đã trải qua trong suốt 2 thiên niên kỷ.

Bạn có thể quan tâm

lên đầu trang