Tắt Quảng Cáo [X]

Phép lạ Thánh Giuse: Lời kể lại qua chứng nhân Đền Công Chính TGP. Sài Gòn

08:24 19/03/2023
hoc du

Nhân chứng được ơn Thánh Giuse, 1 câu chuyện được thuật lại:

(Cộng đoàn vui lòng chờ 3 giây để video hiện thị phía dưới và bấm vào giữa video để xem ạ. Cám ơn cộng đoàn!)

Lược sử Đền Công chính

Linh mục. Giuse Maria Châu Thủy

Cách đây năm mươi năm (1944-54), khi học tại Đại Chủng viện, tôi đã được đọc truyện
“Andre, Thầy dòng tí hon” và từ đó, thêm lòng sùng kính Thánh Cả Giuse.
Từ năm 1954, trên đường mục vụ, tôi đã được Thánh Cả ban phước nhiều lần nên càng đem lòng kính mến Người.
Sau khi viết mấy cuốn sách về Người, tôi đã kiến lập nhà Thánh Cả Giuse tại Mỹ hòa, Hóc Môn, giao cho mấy nữ tu coi sóc.
Từ sau năm 1975, được khỏi trách nhiệm coi xứ, tôi chuyên về sự cầu khấn Thánh Cả Giuse và dốc chí xây cất cho Người một ngôi Đền xứng đáng,- theo gương Thầy Anrê.
Nhưng không có đất dụng võ, chẳng biết xoay xở làm sao. Phép xây cất đã khó. Địa điểm nghĩ chưa ra. Tài chính bế tắc, con chiên không có, con dê cũng không. Lấy ai cộng tác với mình?
Đang loay hoay như vậy, thì ngày lễ Chư thánh năm 1990, tôi dọn về Nhà hưu Linh Mục Bùi chu. Vì ông chủ tại nhà tôi trọ tại Chí hòa dọn đi đoàn tụ gia đình tại Mỹ. Ông ấy là em rể tôi.

Những khó khăn ban đầu

Sở hưu dưỡng chưa có nhà nguyện, tạm thời dùng cái phòng đầu nhà (7m x 4m) làm nơi phụng vụ. Mọi thứ đều cũ kĩ xập xệ.
Tôi liền cho tô lại tường, sơn lại cửa, sửa lại nền nhà, đặt tượng Chúa Phục sinh, lập tòa Đức Mẹ và Thánh Giuse, làm bàn thờ mới. Nova sint omnia. Cha quản lý phải kêu lên “Thánh Giuse đổi mới mọi sự”.
Nhờ các anh chị Phan sinh giúp việc phụng vụ, tôi bắt đầu làm lễ mỗi buổi sáng, và ngày thứ Tư thì thêm một lễ ban chiều.
Số tín hữu từ Chí hòa và các nơi tới dự lễ chừng 40 người.
Con cái Thánh Cả suốt ngày lục tục tới kêu khấn. Tôi bỗng nhớ mình đã tậu thửa đất này (17 ngàn 500 m2) cho Tu hội Mân Côi và đã dâng cho Thánh Giuse. Nay tôi về đây ắt hẳn đã có sự an bài xa xưa của Thánh Cả. Phải chăng Chúa muốn cho tôi làm cái gì cho Thánh Cả ở đây?
Vui vẻ được mấy tuần lễ, thì một chiều kia, đang khi tôi hành lễ, phái đoàn công an phường 12 vào làm biên bản, quy trách tôi làm lễ nơi không phải là nhà thờ. Sáng hôm sau, tôi phải ra trình diện phòng công an. Tội nghiệp thay ông già 80.
-Tại sao các linh mục khác người ta không tìm mà lại chỉ tìm ông?
– Ông lang nào chữa khỏi bệnh thì người ta tìm, không ai dại mất công mà tới với tôi. Anh hỏi họ coi.
– Ai đặt tên Thánh Giuse cho nhà hưu linh mục?
– Thánh Giuse đứng giữa vườn kia ba mươi năm nay, chứ ai đặt.
– Linh mục khấn nghĩa là làm sao?
– Khấn nghĩa là cầu xin Thiên Chúa ban ơn giáng phúc cho kẻ có lòng tin. Tôi khấn không cần tòa, không cần tượng, không cần hương hoa đèn nến. Tôi chỉ “Alô” là Chúa đã nghe biết và ban ơn chúng tôi xin.
– Vậy các ơn xin có được cả không?
– Được cả thì tôi không dám chắc, nhưng được nhiều. Nếu anh tin thì tôi cũng xin cho anh được. Tôi hằng cầu xin ơn phước cho dân tộc Việt Nam.
– Khấn như vậy có bổng lộc gì không?
– Bổng lộc nhiều lắm: hoa nhiều, nến nhiều, dùng không hết.
– Còn tiền bạc thì sao ?
– Không có thùng nhận tiền. Cũng có người đưa tiền xin lễ, thì tôi làm lễ theo ý họ.
Sau đó công an cho tôi về, và dặn không được phạm nữa.
Vừa về đến nhà lại được giấy của mặt trận Tổ quốc Phường 12. Buổi chiều lại phải thất thểu ra văn phòng Mặt Trận và được bảo ban như buổi sáng.
Chủ tịch: Nhà hưu cần yên tĩnh, linh mục tiếp nhiều khách làm mất sự yên lặng đi.
Đáp: Nhà chúng tôi yên lặng như chợ chiều, có người đến an ủi thì phải mừng cho chúng tôi chứ?
Chủ tịch: Ông về đây, nhiều người đi lại làm mất cả trật tự trong phường.
Đáp: Vậy có kẹt đường, có ẩu đả, có cướp bóc xảy ra không?
Sau cùng cũng kết luận là tôi không được tiếp đón người đến cầu khấn nữa.
Hai năm đầu còn nhiều lần tôi phải đáp lễ Công an, nhưng sau thì êm dần, thông cảm, tôi dường như được mần ngơ để làm lễ và tiếp khách.

Kiến Thiết Đền Công chính

Tôi về nhà hưu Bảy Hiền đã được chừng một năm.
Một hôm Đức ông Trần Văn Hiến Minh Đại diện Giáo phận Bùi Chu tại miền Nam, qua cha Đinh Quốc Bảo là quản lý nhà hưu, đề nghị với tôi xây cho sở hưu một nhà nguyện.
Ước vọng này tôi đã ấp ủ từ lâu, nay không xin mà đã được phép. Tôi coi đó là dấu chỉ của Thiên Chúa.
Trong nội bộ cũng có ý kiến không tán đồng, nhưng cha chính cứ dùng quyền mà quyết định. Ngài chỉ cho chúng tôi một vạt đất về phía nam, song song với nhà chính, lúc đó là một vườn chuối hoang dại.
Kiến trúc sư đã trình bày đồ án kiên thiết như một ngôi đình.
Lễ Đức Mẹ Lên Trời năm 1992 khai móng.
Nhưng vì chưa có phép xây cất, nên công việc phải đình trệ.
Giả như cất đền tại địa điểm đó thì làm gì có cái cảnh trí quang đãng như ngày nay, rõ là trong cái rủi có cái may.
Mãi đến này 16 tháng 11 năm 1992 mới được Phòng xây dựng Tân Bình cấp giấy phép sửa chữa ngôi nhà cũ xập xệ tọa lạc ở cuối vườn.
Lễ Giáng sinh năm 1992, thì khởi động.
Đền làm theo kiểu phương đình, mỗi mặt dài 16m, có lầu tám mái. Bốn mái trên bốn mái dưới đều lợp ngói đỏ.
Thánh giá bầu trời vươn lên 12m, bốn con rồng cách điệu bốn bên chầu vào.
Phía trước là tiền đường rộng 100m2 với hai hàng cột màu gụ uy nghi.
Nền nhà cao 1m.
Nơi này có thể dung nạp 100 linh mục đồng tế.
Ba cửa lớn mở vào đền. Ba tòa đều giả gỗ sơn thiếp rất mỹ thuật. Bàn thờ với bốn chân quỳ khảm xà cừ rất uy nghi. Ánh sáng trong Đền mờ ảo, không biết từ đâu mà vào. Bầu khí linh thiêng như phảng phất nơi linh địa này. Trên cửa chính Đền treo tấm biển sơn son thiếp vàng mang ba chữ:

Đền Công Chính.

Hai cột cửa chính có câu đối đáp chữ nổi:
Công chính hoàng kim hồn rất thánh.
Khiết trinh bạch ngọc xác như thần.
Kiên trúc sư Bùi Đức vừa thiết kế đồ án, vừa trách nhiệm thi công với một đoàn thầy thợ giỏi giang và tận tụy của ông.

Các Tượng Đài

Ngôi đền nhìn xuống một khu vườn khá rộng có cây cao bóng mát, hoa cỏ xinh tươi, đượm một bầu khí an tĩnh, đặc biệt thuận lợi cho việc suy tư cầu nguyện.
Trong khuôn viên này, một quần thể kiến trúc được phối trí hài hoà, tăng vẻ tráng lệ cho ngôi đền chính.

a/ Cổng Tam quan:

Trước khi vào đền, khách ngưng lại trước cổng tam quan bốn trụ mái tròn, ba mái dốc, một Thánh Giá giữa làn hoa huệ và ba đại tự: Phúc Ân Môn

b/ Tượng Đức Thánh Mẫu

Qua Phúc ân Môn, nhìn về phía tay phải là tượng đài Mẹ Vô Nhiễm.
Đài được cấu trúc như hai bàn tay chắp lại thành hang động Lộ Đức, chân dài nằm trong một hồ nước tượng trưng cái suối lạ năm xưa.

c/ Tượng đài Thánh Giuse
Nhìn về phía tay trái là cây cầu vòng cung ba nhịp.
Nơi cao nhất là tòa Thánh Giuse bồng Chúa Hài Đồng.
Thánh Cả như đang phóng tầm mắt tận xa, mà vẫn ở gần những ai lên bậc thang đến với Người.
Phía trước có hồ cá với giả sơn. Trên tường ghi câu bất hủ “Hãy đến cùng Giuse”,
và trên cột khi hai câu đối:
Thánh Cả đã khơi nguồn bất tận.
Đoàn con đến múc nước trường sinh.
Rất nhiều bảng tạ ơn đủ cỡ, đủ màu được gắn vào trong các hầm vòng cung.


d/ Tượng đài chân Phước Anrê

Ngay trước ngôi đền, xế về phía tay phải là tượng đài Chân Phước Anrê, đúng vị trí của người canh Đền.
Thực ra Ngài đã được đặt ở đó, trước khi vị trí ngôi đền được chỉ định. Phải chăng đã có sự an bài cuả Thiên Chúa?
Tượng đài này nhỏ nhất và đơn sơ nhất, như để nói lên sự khiêm nhượng của Người. Người đứng đó để đón chào, chỉ dẫn gợi hứng cho tất cả mọi người chạy tới Thiên Chúa, qua sự phù trợ của Thánh Cả Giuse.

đ/ Nhà bia Chân Phước Andrê.

Phía trái tiền đường là nhà bia, kiến thiết kiểu Đông phương trang trọng,
ghi bài văn tế ca ngợi đức độ và công nghiệp Chân Phước Anrê.

            

Bi ký
TÔN VINH CHÂN PHƯỚC ANRÊ
(1885 – 1937)
Lạy mừng Người
Quê nước Can-Đa,
Tu dòng Thánh Giá,
Phận khiêm tỳ giữ cửa bốn chục năm.
Tay thánh đức ban muôn vàn phép lạ.
Bởi một niềm sùng kính Thánh Giuse.
Mà dốc chí xây nên Đền thờ cả,
Khách hành hương từ bốn biển tìm về,
Ơn vũ lộ ngày đêm tuôn xối xả.
Mừng Người nay đang hưởng phúc thanh nhàn.
Xin nhìn đến đoàn con còn vất vả.
Lạy Chân phước Anrê,
Xin dắt chúng con đến cùng Thánh Giuse.

Làm tại Đền Công Chính
Mùa Giáng Sinh 1993
Châu Vị Thủy Linh mục.
Carthage, lễ Chúa Thánh Thần 11 May 2008

Linh mục. Giuse Maria Châu Thủy


 

Bạn có thể quan tâm

lên đầu trang