Sapa là một điểm du lịch nổi tiếng của Việt Nam, nơi có những nét đặc trưng về khí hậu, là nơi duy nhất trên nước Việt Nam có những năm vào mùa đông được chứng kiến tuyết rơi.
Sapa còn nổi tiếng về cảnh vật thiên nhiên phong phú với ruộng bậc thang độc đáo, nhiều hoa quả đặc trưng của vùng miền này và là nơi hội tụ những sắc tộc thiểu số với nhiều nét văn hoá đa dạng… Chính điều ấy đã thu hút khách du lịch trong và ngoài nước tìm đến.
Nằm ngay tại trung tâm của thành phố Sapa, trên ngọn đồi cao là ngôi thánh đường bằng đá độc đáo với kiến trúc Gotic Rôma – là kiến trúc được xây theo hình thánh giá, thể hiện ở mái nhà, tháp chuông, vòm cuốn… đều là hình chóp tạo cho công trình nét bay bổng thanh thoát. Từ năm 1895 ngôi nhà thờ này đã hiện diện tại đây như dấu tích cho đời sống đạo Công Giáo trải qua hơn 125 năm.
Nhưng ít ai biết đến cha quản xứ tiên khởi của Giáo xứ Sapa là một vị linh mục Thừa Sai người Pháp đã bị sát hại ngay giữa lòng nhà thờ. Đó là Cha Jean-Pierre Idiart Alhor thuộc Hội Thừa Sai Paris - M.E.P (Missionnaires Etrangers de Paris).
Cha Jean-Pierre Idiart Alhor, sinh ngày 28 tháng 10 năm 1904 tại Bunus (Pyrénées-Atlantiques) thuộc giáo phận Bayonne. Ngài gia nhập chủng viện ngày 10 tháng 9 năm 1926, và được thụ phong linh mục vào ngày 17 tháng 12 năm 1932.
4 tháng sau ngày chịu chức, vào ngày 21 tháng 4 năm 1933, ngài tình nguyện lên đường sang Việt Nam truyền giáo. Giáo phận Hưng Hóa, vùng núi Tây Bắc là nơi ngài được sai đến phục vụ. Tại đây, ngài đã nhanh chóng hội nhập văn hóa và học ngôn ngữ tiếng Việt, trong thời gian làm thư ký cho Tòa giám mục ở Hưng Hóa, từ năm 1933 đến năm 1937.
Sau đó ngài được sai đến với đồng bào sắc tộc thiểu số H’Mông tại vùng núi Sapa. Ngay lập tức, ngài học tiếng dân tộc H’Mông và nhanh chóng sử dụng được ngôn ngữ này để giao tiếp với đồng bào sắc tộc. Tại Giáo xứ Sapa, với hai giáo lý viên người Việt, ngài đã thành lập cộng đồng tín hữu Công giáo Việt và viếng thăm đồng bào dân tộc H’Mông sinh sống tại các bản làng xung quanh.
Năm 1942, trong thời chiến tranh vùng Đông Dương, ngài cũng đã tiếp đón những nữ tu người Pháp rời Nhật đến Sapa. Khi chính quyền Pháp tạo điều kiện cho việc định cư cách Sapa tám cây số, cha Idiart-Alhor bắt tay vào việc xây dựng một tu viện mới cho các nữ tu này.
Là một kiến trúc sư, ngài đã thực hiện công việc này cách nhanh chóng và một tu viện đẹp đẽ mọc lên phục vụ cho cộng đồng . Với việc ra đời của tu viện, cùng với sự phục vụ của các nữ tu, cha Idiart-Alhor hy vọng rằng đời sống đạo tại khu vực xinh đẹp này sẽ nhanh chóng phát triển. Nhưng chiến tranh đã làm tiêu tan tất cả những dự án của cha.
Tháng 3 năm 1945, ngài bị Việt Minh bắt cùng với những người Châu Âu khác đang sống tại Sapa. Cộng đoàn Công Giáo tại đây bị lục soát và bị theo dõi nghiêm ngặt. Sau 3 tháng bị bắt giam, họ trục xuất ngài về Hà Nội. Khi tình hình trở nên khá hơn, cha Idiart-Alhor lên lại với Sapa.
Vào ngày 1 tháng 11 năm 1947, cha Idiart-Alhor trở lại với giáo xứ Sapa. Ngài lại tiếp tục công việc truyền giáo bằng việc thăm viếng các bản làng thuộc giáo xứ Sapa trong phạm vi khoảng 100km vuông. Nhà thờ vẫn còn nguyên vẹn.
Tuy nhiên các Kitô hữu Kinh cũng như H’Mông đã sơ tán khắp nơi khi Việt Minh kiểm soát vùng này. Cha Idiart-Alhor lại tìm đến với các bản làng H’Mông kêu gọi họ trở lại Đạo. Nhưng Việt Minh tìm cách theo dõi và ngăn cản cha không cho đến với các bản làng.
Vào sáng ngày 18 tháng 5 năm 1948, khi đang suy gẫm trước giờ cử hành thánh lễ ngay trong nhà thờ Sapa, họ đã ập vào đánh đập cha và sau đó đã chặt đầu cha đem đi vất trong cánh rừng phía sau Nhà thờ.
Một tuần sau, những người dân tộc thiểu số đã tìm được thủ cấp của cha, họ đưa về chôn cất cùng thi thể của ngài. Hiện nay mộ của ngài nằm ngay sau nhà thờ, bên cạnh hang đá Đức Mẹ. Ngài nằm đó cùng với Đức Giáo Mục Tiên Khởi của Giáo phận Hưng Hóa là Đức Cha Paul Ramond (Đức Cha Lộc).
Sau cái chết của ngài nhà thờ bị bỏ trống. Bà con tín hữu Công giáo Kinh cũng như các dân tộc thiểu số khác ly tán khắp nơi. Một số khác sống đức tin của mình trong âm thầm. Khu nhà thờ và nhà xứ bị chính quyền chiếm dụng làm nhà ở và nhà kho.
Năm 1995, sau gần 50 năm Nhà thờ Sapa mới được trả lại cho người Công Giáo. Tiếng chuông đồng của nhà thờ lại ngân lên. Tiếng chuông vang từ ngọn tháp cao đến tận các bản làng xa xôi của người H’Mông và bà con giáo dân lại quy tụ về để thờ phượng Chúa.
Lm. Giuse Trương Hoàng Vũ DCCT
Liên hệ góp ý, gửi bài, báo lỗi cho CONGGIAO.VN qua email: admin@conggiao.vn