Tắt Quảng Cáo [X]

Hé lộ bí mật vì sao Judas bán Chúa?

10:01 11/04/2022
hoc du

Có một người khi nói đến ai cũng khinh miệt, và danh tánh người này trở thành một biểu tượng của sự phản bội, sự tuyệt vọng và tội lỗi, đó là Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, một trong số 12 tông đồ được Đức Giê-su kêu gọi.

Có một người khi nói đến ai cũng khinh miệt, và danh tánh người này trở thành một biểu tượng của sự phản bội, sự tuyệt vọng và tội lỗi, đó là Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, một trong số 12 tông đồ được Đức Giê-su kêu gọi.

Tên họ của ông ta là Ít-ca-ri-ốt và có nghĩa là “người” (do tiếng Híp-ri “’îš” có nghĩa “người”) của Kariot, một xứ thuộc Giu-đê-a ở phía Nam, là quê của ông và gia đình ông. Do đó ông ta là người duy nhất trong số 12 tông đồ là người Giu-đê-a chứ không phải Ga-li-lê-a.

Hình ảnh con người bi thảm này trong lịch sử nhân loại xuất hiện rất ít trong Tân Ước và chỉ có một ý định là phạm tội và thất sủng. Sau này, truyền thống muộn thời không thiện cảm mấy với ông ta và quy tội ông ta là dấu hiệu mãi mãi nhuốc hổ và đáng chê cười.

Suốt dòng lịch sử Ki-tô giáo, người ta đã muốn tìm hiểu kỹ tâm trạng của Giu-đa để tìm ra lý do tại sao ông ta lại phản bội Đức Giê-su, nhưng vẫn không tìm ra câu trả lời thoả đáng. Điều khó hiểu trong sự phản bội này vẫn mãi thuộc về mầu nhiệm.

Nhưng có vài điểm chúng ta cần lý giải, đó là: Đức Ki-tô đã chọn ông ta dù ông ta phản bội Người, Người đã kêu gọi ông ta và biết rằng ông sẽ phản bội Người. Giả thiết rằng điều này xem ra là điều xúc phạm, thì có lẽ phải thừa nhận rằng rằng Đức Giê-su đã chú ý đến một người trong một hoàn cảnh mà trong đó người ấy không thể tránh được việc phạm đến một tội như thế: người ấy đã khước từ kế hoạch của Đức Ki-tô, theo đó Người muốn mọi người được cứu độ.

Người chọn ông ta vì muốn sống với ông ta

Tin Mừng nói rõ là Đức Giê-su đã chọn Giu-đa. Người chọn ông, giống như Người đã chọn những vị khác trong nhóm Tông đồ: để “các ông ở với Người, và để Người sai các ông đi rao giảng” (Mc 3,14-15). Và chẳng có gì cho thấy ngay lúc đầu Giu-đa lại hành xử không giống như các đồng môn khác. Trái lại, thái độ thiện cảm và tận trung của ông đối với Đức Giê-su và biết quan tâm đến các đồng môn của mình đã khiến ông được bầu làm người giữ túi tiền của nhóm (x. Ga 12,6). Điều này không xảy ra nếu Giu-đa đã không thích được mang tiếng tốt và được nể vì từ các tông đồ và Đức Giê-su. Tóm lại, ai nghĩ rằng Giu-đa ngay từ đầu đã thực sự là kẻ phản bội thì lầm to.

Vậy điều gì khiến người môn đệ này nộp Đức Giê-su vào tay kẻ thù để giết chết Người?

Có ba lý do sau đây có thể chấp nhận được để lý giải vấn đề này. Tất cả những điều được đề cập trong câu chuyện thì khác với ba lý do này. Chúng ta tìm cách phân tích để thấy được lý do nào là thích hợp nhất đối với tất cả những dữ kiện mà Tin Mừng cung cấp cho chúng ta.

Vì lòng tham

Hầu hết các nhà chú giải có xu hướng nghĩ rằng lòng tham là động lực thúc đẩy Giu-đa phản bội, điều này xem ra là hiển nhiên nhất. Để khẳng định vấn đề này, chúng ta cần dựa trên ba lý lẽ rút ra từ các bản văn Tin Mừng:

– Giu-đa bán Đức Giê-su để lấy tiền (x. Mt 26,15);

– điều liên hệ nhiều đến ông ta, như thấy trong câu chuyện nói về vị tông đồ này phản đối việc lãng phí nhân chuyện một người phụ nữ lấy dầu thơm hảo hạng xức chân Đức Giê-su, loại dầu ông nói là có thể bán được số tiền lớn (x. Ga 12,4);

– Tin Mừng tố cáo ông ta là tên ăn cắp (x. Ga 12,6).

Nhưng nếu bình tĩnh phân tích các bản văn Tin Mừng, chúng ta có thể cảm thấy rằng không thể rút ra được một kết luận hiển nhiên như thế từ các bản văn.

Khi nói đến việc bán Đức Giê-su lấy ba mươi đồng bạc, thánh Mát-thêu là người duy nhất nói về chi tiết này, vì khi cố gắng chỉ ra Đức Giê-su là người ứng nghiệm hình ảnh ngôn sứ xưa, thánh sử nhận thấy Đức Giê-su ứng nghiệm hình ảnh ngôn sứ Da-ca-ri-a (Dcr 11,12). Trái lại, thánh Mác-cô kể rằng Giu-đa đã tự nguyện đi nộp Đức Giê-su mà chẳng đòi điều kiện gì, còn các thượng tế rất vui mừng và hứa cho ông ta tiền bạc (x. Mc 14,10-11).

Một chỗ trong Kinh Thánh cũng nói đến việc bán lấy 30 se-ken bạc là giá rất thấp cho thấy điều này phù hợp với luật trả tiền bồi thường cho một người nô lệ chết bất ưng (x. Xh 21,32). Trước mạng sống của một người thầy của Lề Luật, một người tham lam có thể có được mà không nghi ngờ gì lắm. Giu-đa đã thực hiện một điều chẳng mấy lợi lộc lại còn cho thấy một ước muốn tầm thường.

Khi nói đến việc Giu-đa phản đối việc lãng phí dầu thơm, thánh Mát-thêu kể rằng không chỉ có Giu-đa tức tối về việc lãng phí ấy, mà tất cả các môn đệ đều không tán thành về việc phí của như thế (x. Mt 26,8). Vậy tại sao chỉ có Giu-đa là kẻ tham lam?

Cuối cùng, người ta tố cáo ông ta là một kẻ ăn cắp. Thì không có chuyện là khi Tin Mừng Gio-an được viết ra vào khoảng sáu mươi năm sau cái chết của Đức Giê-su, thì một truyền thống đã từng chống lại ý tưởng ấy, không lẽ lại xem Giu-đa ngoài tội phản bội lại có thêm tội ăn cắp phải không? Nhiều thần học gia đã nghĩ như vậy.

Vì thù ghét

Một số nhà chú giải nghĩ rằng Giu-đa là một người ái quốc cuồng tín và bạo động đã tham gia vào một nhóm lúc ấy gọi là “những kẻ sát nhân”. Mục tiêu của ông ta là muốn trục xuất những người Rô-ma ra khỏi Pa-lét-tin bằng bất cứ cách nào.

Giu-đa nhận thấy Đức Giê-su là một người lãnh đạo có tầm ảnh hưởng và đầy quyền hành mà bằng lời nói và các phép lạ Người cũng có thể cầm đầu những người Do Thái thực hiện cuộc nổi loạn rộng lớn chống lại những người ngoại quốc đang xâm chiếm dân tộc. Nhưng ông thấy rõ Đức Giê-su lại dùng con đường khác, con đường tình yêu và bất bạo động, và Người ban ơn và làm phép lạ cho cả binh lính Rô-ma, nên lòng yêu mến của ông trước tiên bị biến thành điều ảo mộng cay đắng và rồi thành sự thù ghét tột độ, khiến ông tìm giết chết người mà ông mong đợi nhiều điều, và kết cục là ông thất bại. Có lẽ Giu-đa đi đến việc thù ghét Đức Giê-su vì Người không là Đấng Ki-tô theo như ông cũng như nhiều người Híp-ri mong đợi.

Chắc chắn vấn đề này không thuyết phục nhiều.

Chẳng hạn trong suốt vụ kiện Đức Giê-su, khi các thượng tế và thượng hội đồng cố tìm ra những chứng gian chống lại Đức Giê-su, nhưng họ không tìm ra được chứng gian nào (x. Mt 26,59-60), thì tại sao họ không đưa Đức Giê-su ra để tìm chứng gian? Lời chứng nào của một trong những môn đệ thân tín nhất của Đức Giê-su là xác thực nhất?

Và qua việc phản bội trong vườn Giệt-sê-ma-ni, tại sao Giu-đa thay vì vui mừng đúng như điều xảy ra, lại không xuất hiện trong khung cảnh cuộc thương khó?

Cuối cùng, việc tự tử, dấu hiệu rõ ràng của sự tuyệt vọng, lại không ăn khớp nhiều với vấn đề thù ghét của ông ta chống lại Đức Giê-su.

Giu-đa là một người ái quốc cuồng tín và bạo động có lẽ thuộc nhóm những kẻ sát nhân, nhưng ông ta không vì sự thù ghét mà nộp Đức Giê-su .

Vì yêu thương

Nguyên nhân thứ ba này khiến Giu-đa phản bội Đức Giê-su có lẽ là khả dĩ nhất trong tất cả các nguyên nhân.

Có thể Giu-đa không bao giờ muốn Đức Giê-su phải chết vì ông ta yêu thương Người.

Chắc chắn có một mốt liên hệ kép đặc biệt và riêng tư không chỉ thấy rõ trong việc Giu-đa được chỉ định làm người quản lý tiền bạc của nhóm, mà còn trong một số khía cạnh của Bữa tiệc sau hết nữa.

Đọc Tin Mừng, chúng ta thấy rõ rằng Đức Giê-su, ngồi chính giữa bàn tiệc, có lẽ bên cạnh Người có Giu-đa ngồi chỗ vinh dự, dù được cất nhắc lên để có tiếng nói riêng, thì cũng chẳng có ai lắng nghe cả. Điều này cho thấy khi Giu-đa hỏi Đức Giê-su để xem ông ta có là người nộp Đức Giê-su hay không, thì Đức Giê-su thẳng thắn trả lời ông ta: “Chính anh nói đó” (Mt 26,25) và Người không hề quy kết mười một tông đồ kia phản bội Người. Nhưng có thêm một chứng cớ về mối liên hệ đặc biệt giữa Đức Giê-su và Giu-đa. Trong văn hoá phương Đông có một cử chỉ diễn tả lòng kính trọng đặc biệt đối với vị khách đó là hôn chào. Nếu chúng ta tin điều Tin Mừng thuật lại, thì Đức Giê-su lại thực hiện điều ấy khi Người chấm miếng bánh không men và đưa cho Giu-đa (x. Ga 13,26). Điều này nói lên sự thân thiết đặc biệt giữa hai người và cho thấy có thể Đức Giê-su muốn trao cho Giu-đa những thông điệp mà chỉ có ông ta, chứ không ai khác, hiểu được, cũng không làm cho ai để ý đến khi Đức Giê-su nói với ông ta: “Anh làm gì thì hãy làm mau đi” (Ga 13,27).

Giu-đa không muốn Đức Giê-su chết. Ông yêu thương Đức Giê-su, nhưng lại yêu thương Người cách sai lạc.

Một con người muốn thay đổi Thiên Chúa

Giu-đa là một người ái quốc và bạo động, có những mơ ước nắm quyền và được nên cao trọng. Ông ta tin chắc rằng Đức Giê-su có thể làm cho ước mơ của ông thành hiện thực. Ông thấy rõ nơi Đức Giê-su là một vị lãnh đạo của Thiên Chúa có sứ mạng khôi phục một vương quốc mới mẻ, mạnh mẽ và lớn lao. Vì điều này, suốt thời gian đầu, ông ta được xem là một tông đồ trung thành và mực thước, vui vẻ chứng kiến đám đông dân chúng kéo đến quanh Thầy mình và đi theo Người để nghe lời giảng của Người.

Tiếc rằng vào một dịp khác lúc công khai rao giảng, Đức Giê-su thay đổi lời giảng của Người và bắt đầu nói đến việc Người cần phải chịu khổ nạn, chết thảm thương, đau khổ nhiều, thì niềm tin của Giu-đa gặp phải khủng hoảng nặng nề và tâm hồn ông bắt đầu cảm thấy thất vọng ê chề.
Dấu hiệu đầu tiên cho sự xáo trộn nội tâm của ông ta biểu hiện ra khi Đức Giê-su từ chối yêu cầu của dân chúng muốn tôn Người làm vua lúc Người giảng dạy trong hội đường Ca-phác-na-um. Lúc này, Giu-đa nhận thấy rằng chiến thắng ông hằng mong chờ, lý tưởng ông hằng khao khát, có lẽ không bao giờ thành hiện thực. Thật khó cho ông để khởi đầu lại trên con đường mới mà Đức Giê-su mời gọi, ông vẫn theo Người bằng con đường mù tối và thấy mình bị vỡ mộng và lâm ngay vào cơn phiền muộn vốn là hậu quả cay đắng của cuộc khủng hoảng ảo vọng trần thế trước đó, nhưng lại liên kết thân thiết với Đức Giê-su. Giu-đa yêu mến Đức Giê-su và không muốn Người phải chịu đau khổ. Ông muốn những suy tính rất con người của ông được thành toại, đi ngược với con đường của người tôi tớ đau khổ đã được nêu ra trước mặt Thầy mình.

Nhưng ông vẫn quyết định nộp Đức Giê-su.

Khi thấy Đức Giê-su quyết không thực hiện vương quyền mà Người nói đến nhiều và cũng thấy Người chậm trễ thi hành, thì Giu-đa muốn ép buộc Người phải thực hiện. Khi không còn cách nào khác, Giu-đa muốn Đức Giê-su phải chịu đóng đinh thập giá. Ông chỉ nghĩ là muốn tạo ra một tình cảnh trong đó Đức Giê-su là người có sức mạnh để biểu dương quyền năng của Người. Ông ta nghĩ rằng khi Đức Giê-su bị quân lính Rô-ma bủa vây, bị gươm đao và tứ phía vây hãm, thì Người thực hiện một phép lạ phi thường, chấm dứt ngoại quốc xâm lược, và cuối cùng khôi phục vương quốc mà Người đã nhiều lần nói đến. Giu-đa ước mơ như thế, nhưng ông đã sai.

Nụ hôn yêu thương

Người ta nói nhiều về cái hôn phản bội của Giu-đa. Nhưng bản văn Tin Mừng tiếng Hy Lạp xem ra lại nói đến một điều khác. Thực ra, khi Tin Mừng nói rằng Giu-đa tỏ dấu hiệu cho quân lính biết là ông hôn Đức Giêsu, thì bản văn dùng từ “filew” (phileô) là từ chính xác để diễn tả về cái hôn (x. Mt 26,48). Nhưng khi Giu-đa đến gần Đức Giê-su và hôn Người, Tin Mừng lại dùng động từ “katafilew” (kataphileô) diễn tả hành động hôn thắm thiết cách say sưa và lập lại nhiều lần, động từ này dùng diễn tả hành động hôn của những người đang yêu nhau. Tại sao Giu-đa phải hành động như thế?

Hơn nữa, tại sao lại cần phải nhận diện Đức Giê-su? Không thể có chuyện dân chúng và binh lính kéo đến để bắt Người lại không biết người mà đã từng giảng dạy hằng ngày trong hội đường. Không thể có chuyện ấy. Đức Giê-su không cần sự nhận diện nào khác.
Và có lẽ khi Giu-đa tiến đến hôn chào Đức Giê-su, ông ta làm ra vẻ như một môn đệ hôn chào Thầy mình với lòng trìu mến. Ông thành tâm hôn chào Người, rồi rút lui tỏ vẻ kiêu hãnh đắc thắng, mong đợi Đức Giê-su sẽ ra hiệu cho binh lính xuất trận và đưa con đường ấy tiến đến thành công mỹ mãn.

Một kết cuộc như Thiên Chúa muốn

Đó là điều khởi sự bi kịch của Giu-đa. Ông ta biết rằng Đức Giê-su không chống cự, không dùng bạo động, không hành động theo cách mong đợi. Dù muộn màng, ông cũng hiểu việc làm ấy là sai trái. Điều Đức Giê-su không bao giờ nghĩ đến là dùng bạo động để tiêu diệt kẻ thù của Người. Và ông tuyệt vọng, chạy trốn các thượng tế và đem số tiền trả lại cho họ mà nói: “Tôi đã phạm tội vì đã nộp máu vô tội” (Mt 27,4).

Theo Tin Mừng, đầu mối của tâm địa Giu-đa bị thúc đẩy trực tiếp từ việc kết tội chết Đức Giê-su. Vì thế, chính ông ta không mong đợi điều ấy, dù biết được sự thù ghét và ý định xấu xa của Thượng hội đồng, nhưng ông nghĩ rằng vào phút chót Đức Giê-su sẽ dùng cách thức mới lạ mà thoát khỏi kẻ thù của Người. Tóm lại, Giu-đa không hề muốn Đức Giê-su chết.

Chúng ta đang đứng ở bờ vực thẳm mịt mù nơi đó có linh hồn của một con người đóng khung nơi chính mình và tiêu vong trong những ảo tưởng đầy phù du của mình, chống lại thánh ý Thiên Chúa.

Bi kịch của Giu-đa là từ chối đón nhận Đức Giê-su như chính Người là, cũng như không tìm cách hoán cải như Đức Giê-su muốn ông thực hiện. Bi kịch của Giu-đa ở chỗ ông là một người nghĩ rằng mình biết nhiều hơn Thiên Chúa.

Giu-đa bị kết án chăng?

Một trong những người nói tích cực về người tông đồ này là giáo phụ Ô-ri-gien đưa ra giả thiết rằng khi Giu-đa nhớ lại những gì ông đã làm, thì ông lập tức ra đi tự tử để hy vọng gặp được Đức Giê-su nơi cõi âm phủ và nơi đây với tâm nguyện đơn sơ, ông muốn xin lại được điều đã mất.
Giáo Hội không bao giờ kết án Giu-đa. Giáo Hội cũng không thể làm được điều đó, tức là sứ vụ của Giáo Hội là cứu độ và công bố những người đã được cứu độ là chính các thánh, chứ không bao giờ công bố ai bị kết án cả. Và lời Đức Giê-su nói với Giu-đa: “Thà kẻ đó đừng sinh ra thì tốt hơn” (Mc 14,21) cũng không ám chỉ đến việc kết án vĩnh viễn. Và dù có thiếu khả dĩ đi nữa thì chúng ta cũng thấy rằng lòng sám hối của người này đối với người kia cũng cần đến tình yêu. Giu-đa yêu thương Đức Giê-su và khi thấy mình đang bắt đầu rơi vào cái chết ô nhục, ông cảm thấy rõ ràng nhất về tình yêu này.

Cuộc sống mỗi người có lúc bừng sáng có lúc mờ tối, và chỉ Thiên Chúa mới biết rõ điều nào là điều quan trọng nhất.

Thuật chuyện thánh Tê-rê-xa Giê-su kể rằng vào một ngày Chúa Giê-su hiện ra, thánh nhân thưa chuyện với Chúa như thường lệ bằng một niềm xác tín sâu xa. Thánh Tê-rê-xa tò mò muốn biết vua Sa-lô-môn đang ở Thiên đàng hay dưới Hoả ngục, nên thưa với Chúa rằng: “Lạy Chúa, vua Sa-lô-môn có được cứu độ không?”

Chúa đáp lại thánh nhân bằng câu khó hiểu: “Vua ấy đã thờ các ngẫu tượng!”

Vị thánh sợ hãi hỏi Chúa: “Vậy vua ấy bị kết án sao?”

Chúa đáp: “Vua ấy đã xây đền thờ!”

Qua đó, thánh Tê-rê-xa học được bài học rằng chúng ta bị xét xử riêng theo thánh ý nhiệm mầu của Thiên Chúa.

Chúng ta muốn biết vận mệnh của Giu-đa sau khi ông chết chăng?

Trước vận mệnh của ông ta, chỉ có Thiên Chúa mới có thể biết được.
Câu hỏi gợi ý

1. Những giả thuyết khả dĩ nào nói lên việc phản bội của Giu-đa và có những điều phi lý nào?

2. Một số người tin rằng Thiên Chúa từ đời đời đã tiền định cho Giu-đa vì ông đã phản bội Đức Giê-su. Thực ra, Đức Giê-su đã trao cho Giu-đa hành trình sống thế nào?

3. Đâu là đồ đáng giá mà xã hội bấy giờ muốn áp dụng, và bằng cách này cách khác, những thứ ấy muốn thay đổi kế hoạch của Thiên Chúa dành cho con người là gì?

Nguồn: GP Ban Mê Thuột

 

Bạn có thể quan tâm

lên đầu trang