Tắt Quảng Cáo [X]

Đừng nhìn đời tu, người tu sĩ theo kiểu tục hóa

04:28 18/10/2021
hoc du

Đâu đó có những bài hát với những tựa đề và nội dung xem ra khó hiểu như “Con nợ Mẹ nàng dâu” hay “Giêsu, chàng rể của Mẹ Cha”. Chỉ duy cái tiêu đề bài hát, cho đến một vài câu, hay cả nội dung bài hát, dường như người ta chỉ nhìn vào đời sống người tu sĩ với cái nhìn rất trần tục.

 

Đừng nhìn đời tu, người tu sĩ theo kiểu tục hóa
Đừng nhìn đời tu, người tu sĩ theo kiểu tục hóa

Nếu chúng ta chỉ nhìn thấy đời tu, thấy người tu sĩ nợ cha nợ mẹ kiểu như thế, xem ra họ – người sáng tác và cả người trình bày bài hát- đã không nhận ra ơn huệ, vẻ đẹp của ơn gọi của đời sống dâng hiến mà Thiên Chúa đã gọi, đã tuyển chọn người tu sĩ. Điều tuyệt vời trong ơn gọi của người tu sĩ, không phải là họ chọn Chúa, nhưng là Thiên Chúa đi bước trước, chọn và gọi họ sống cho Ngài và phục vụ mọi người, làm chứng cho hình ảnh Nước Trời ngay tại thế và mai sau. Vì thế, khám phá huyền nhiệm của ơn gọi chính là cần phải nhìn thấy, trước hết, vẻ đẹp thánh thiện mà người tu sĩ sống với trong suốt cuộc đời mình.
Vậy, vẻ đẹp của ơn gọi đời tu là gì? Trước hết đó là vẻ đẹp đến từ Thiên Chúa, mà Ngài là chủ thể: đẹp trong nội dung Ngài gọi, đẹp trong cách thức Ngài gọi mỗi người tu sĩ – mà Kinh Thánh đã cho chúng ta thấy khi Ngài tuyển chọn và gọi những người thực thi kế hoạch cứu độ của Ngài.

Ca khúc Nợ Mẹ Nàng Dâu Sáng tác Long Hải Trình Bày Nguyễn Minh Tâm
Ca khúc Nợ Mẹ Nàng Dâu Sáng tác Long Hải Trình Bày Nguyễn Minh Tâm

Vẻ đẹp của ơn gọi đời tu, nằm ở chỗ: đó là sáng kiến của Thiên Chúa, Ngài đi bước trước đến với con người, chứ không phải con người muốn là được. Đó là tình yêu tuyệt vời mà Thiên Chúa ngó xuống con người, sẵn sàng hạ mình để ký kết với loài thụ tạo cùa mình, cho dẫu thụ tạo ấy mong manh, với bao yếu đuối và bất toàn. Đó là một tình yêu cao cả, với cả một biển trời của lòng thương xót mà người tu sĩ được đón nhận khi ký kết giao ước với Thiên Chúa.
Thứ đến, nghĩa là bước thứ hai trong hành trình của đời tu: vẻ đẹp của đời tu đến từ cách con người – tu sĩ- đáp trả. Trong thinh lặng nội tâm, khi nghe tiếng Chúa gọi, họ sẵn sàng đáp lại “Lạy Chúa con đây!” và bước đi trong tình yêu với Đấng gọi mời. Do đó, người tu sĩ nợ Thiên Chúa, nợ tình yêu với Ngài.
Thế nên, ơn gọi của đời tu là quà tặng của Thiên Chúa đến trước, và con người đáp lại, chứ con người không phải là chủ thể, không phải là sự chọn lựa của con người. Vì vậy, đừng nhìn vào đời tu mà người tu sĩ đang sống theo lối tục hóa – mà có ai đó, dù họ đang sống đời tu trì đang hát, đang truyền tải một cái nhìn phiến diện về tâm tình của người tu sĩ.
Nếu một lúc nào đó, bạn thấy xuất hiện những bài hát như thế này “con nợ mẹ nàng dâu…hay…con nợ mẹ chàng rể” xem ra là ai đó chưa nhìn ra ân huệ tuyệt vời mà Thiên Chúa đã ban cho người sống đời tu trì.
Hay một bài hát khác với cái tiêu đề “Giêsu, chàng rể của Mẹ Cha” là một cái nhìn xem ra đang dung tục, và gây khó chịu trong cái nhìn giữa Đấng Tạo Thành và loài thụ tạo!
Còn với các bậc cha mẹ, các ngài vui khi chúng tôi dâng hiến, bởi Thiên Chúa chọn, gọi chúng tôi theo kế hoạch của Ngài, và đó là ân huệ cao cả, không dễ mấy ai có thể có được, nên cha mẹ vui, chứ làm gì các ngài chì chiết, lải nhải vì không có con cái nối dõi đâu?
“VÀO ĐỜI” HAY “VỜI ĐÀO”?
Có một thời có những bản Thánh Ca Vào Đời rất hay của Lm. Thành Tâm… “Thánh ca vào đời” nhưng không có nghĩa là “tục ca”, nhưng vẫn tràn đầy chất Tin Mừng, niềm vui, sự trong sáng. Giờ bật Youtube lên thôi, đầy “nhạc vào đời” phó tế, nữ tu mặc tu phục hẳn hoi và hát rất giống… nhạc “vời đào”!

Ca khúc Giêsu Chàng Rể Của Cha Mẹ || Sáng tác : Thừa Sai || Tb Sr Kim Long
Ca khúc Giêsu Chàng Rể Của Cha Mẹ || Sáng tác : Thừa Sai || Tb Sr Kim Long

Đúng là loạn! Nhìn cái tựa, nghe lời ca không thể chấp nhận được! Vui thôi, đừng vui quá… Uỷ mị cũng phải có mức độ chứ, làm gì có thứ thần học nào bảo các sơ khấn dòng là “kết hôn” với Chúa? Rồi nào là những từ ngữ “bạn tình”, “người tình”… nữa chứ!? Ngày xưa có cha giáo kia than với tụi mình, sau khi đi dự lễ khấn của mấy sơ rằng: “Đúng là loạn, loạn luân chứ còn gì nữa!” Mấy bà sơ “kết hôn” với Chúa khi khấn, thì mấy nam tu sỹ, mấy ông thầy tu thì “kết hôn” với ai khi tuyên khấn? Mà cũng nên biết rằng, Thiên Chúa thật ra không là nam hay nữ như cái giống con người chúng ta. Với lại điều này nữa: việc tuyên khấn của các tu sỹ, dù là nam hay nữ, không được xếp vào hàng bí tích, còn Bí tích Hôn phối của các anh chị em giáo dân, lại là một trong bảy Bí tích nhá.
Những lời ca ấy bảo mang tâm tình thánh thiện cũng chẳng phải, mà vui tươi dấn thân cũng chẳng phải, nó thật ra chẳng giống con ất con giáp nào cả. Nghe cho vui tai chúng con giáo dân gọi là uỷ mị thì được, nhưng với người hiểu biết tí xíu, người ta cười cho, với lại đặt hoàn cảnh là một người không cùng tôn giáo nhìn vào, họ sẽ hiểu ra sao đây? Thú thật là con không thể hiểu hay giải thích được.
Tu rồi cũng nên bay thấp thấp xíu cho chúng con giáo dân chạy theo kịp với ạ. Mà thiết nghĩ, chắc một phần cũng do cái thứ gọi là “trọng vọng, đề cao cái mác đi tu” quá mà ra đây… Các thầy, các sơ được học hành cơ bản thần học, triết học, nhân bản… còn ra thế, chúng con oải lắm, biết nhìn vô đâu bây giờ… Chúng con muốn các sơ, các thầy, nếu có hát, hãy hát những bài thánh ca trong sáng hơn, tốt lành chứ không hàm hồ õng ẹo kiểu này, những bài thánh ca cho chúng con giáo dân hay người lương dân thấy, một niềm vui của người được sai đi loan báo Tin Vui của Chúa. Con nghĩ, đâu có thiếu những bản thánh ca rất thánh thiện, giúp người nghe nâng tâm hồn lên với Chúa để các sơ các thầy hát đâu chứ? Hay là cũng câu view, câu like, cũng cần xèng như chúng con? Vậy thì chịu thui…

Nt. Têrêsa Ngọc Lễ, O.P / Hoàng Long

Bạn có thể quan tâm

lên đầu trang