Tắt Quảng Cáo [X]

Tranh cãi giữa Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận và tỷ phú Bill Gates

10:06 19/06/2024
hoc du
Kính thưa cộng đoàn, cách đây 23 năm, vào ngày 31/1/2001, trong một hội nghị về toàn cầu hóa, được nhóm Confindustria của Ý bảo trợ, người sáng lập công ty điện toán lớn nhất hoàn cầu Microsoft, Nhà Tỷ Phú Bill Gates, và Ðức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận đã ngồi đối diện nhau tại Tòa Nhà Quốc Hội Ý.
phailamgi_Cuộc tranh luận giữa Cố ĐHY Thuận và tỷ phú Bill Gate_cv1.jpg

Ðức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận và Nhà Tỷ Phú Bill Gates cùng với rất đông chính khách Ý đã được mời tham dự đề tài: “Hệ quả của nền kinh tế Internet là gì?”

Thoạt đầu, đa số 2,000 tham dự viên dường như đã chú tâm đến ông tỷ phú 45 tuổi, “chuyên gia phần mềm”, hơn là Ðức Hồng Y người Việt Nam có vẻ kín đáo đã 72 tuổi với 13 năm trong lao tù cộng sản; cho đến khi Ðức Hồng Y phát biểu.

Theo Bill Gates, chìa khóa của tương lai là khoa học điện toán, một kiểu mẫu có khả năng hoán chuyển giữa việc làm, giải trí và toàn bộ đời sống các công dân.

Gates nói: “Khoa học điện toán là khí cụ tốt nhất trong lịch sử giúp khai phóng khả năng sáng tạo của con người”. Gates nhấn mạnh là càng có nhiều computer mạnh với giá thấp, càng mang các nước và các cá nhân gần nhau hơn.

Ðiện toán và kỹ thuật cũng sẽ giúp vượt qua những rào cản của bất công xã hội. “Nửa triệu người Ấn kiếm $40,000 đô la một năm nhờ làm chương trình cho các thương nghiệp Mỹ. Ðó là một sự thành công đáng khen của các trường học xuất sắc ở Ấn”.

Một mô hình khác cho sự thành công trong tương lai theo Gates là “tài năng”. “Ưu tiên cho mọi quốc gia là phải đầu tư vào các trường đại học và các trường học nói chung”.
ĐHY Nguyễn Văn Thuận - Con Người Của Cầu Nguyện - GIÁO PHẬN BAN MÊ THUỘTTrong phần phát biểu của mình, Ðức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận cho rằng ngược lại, kiểu mẫu của con người là chính con người, bản thân và phẩm giá của họ.

Ðức Hồng Y nêu ra kinh nghiệm sống với cộng sản Việt Nam trong những thời kỳ mà ngài chả có đồng lương nào. Ngài đã là một thợ mộc để làm ra cây thánh giá mà ngài giấu trong cục xà bông, sau đó là một người lao động nơi rừng sâu nước độc, là một người thợ thủ công và là một thầy giáo dạy ngoại ngữ cho các cai tù.

Theo Ðức Hồng Y, vấn đề không phải là băn khoăn về việc làm trong tương lai sẽ như thế nào, nhưng là “Những người nam và những người nữ mà việc thiết kế công việc trong tương lai của chúng ta phải phụ thuộc vào sẽ như thế nào?”

Ngài nhấn mạnh rằng con người không phải là một “homo faber” (con người chế tạo viên), sản xuất càng ngày càng nhiều và tiêu thụ càng ngày càng nhiều, công ăn việc làm và nguyên liệu sản xuất không phải là vô tận và chúng ta không thể cứ tiếp tục như thế này mà không quan tâm đến những người đã tạo ra những sản phẩm mà chúng ta mua với giá rẻ mạt.
Lần theo cuốn sách nổi tiếng của Đức Hồng y Nguyễn Văn Thuận - Đồng Hành Ðức Hồng Y kết luận rằng cần thiết phải thay đổi nền văn hóa này hoàn toàn để một lần nữa đưa con người lên địa vị chủ thể của nền kinh tế và công việc.

 Cuộc tranh luận giữa Nhà Tỷ Phú Bill Gates và Ðức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận gây ra nhiều suy tư trên thế giới

 

Roma – Record 31/1/2001 – Theo tờ Record, cuộc tranh cãi giữa Bill Gates và Ðức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận trong hội nghị về toàn cầu hóa với chủ đề “Hệ quả của nền kinh tế Internet là gì ?” đã khơi mào nhiều suy tư trên thế giới. Chắc chắn, sẽ có nhiều ý kiến được phát biểu liên quan đến vấn đề này.

Lập trường Bill Gates có thể tóm tắt như sau: Khoa học điện toán với những thành công vang dội sẽ điều kiện hóa hay xa hơn định hình hóa đời sống con người trong tương lai. Quan điểm này là tiêu biêu biểu cho quan điểm của nhiều chuyên gia, kỹ thuật gia trong các ngành khoa học hiện nay.

Trong khi đó, Ðức Hồng Y cho rằng, con người phải là chủ thể của toàn bộ đời sống và phẩm giá của mình. Kỹ thuật chỉ là phương tiện để giúp con người đạt tới hạnh phúc và những hoài bão của mình. Ðồng thời, kỹ thuật không thể được sử dụng như một phương tiện để làm giàu bất chính bằng cách vắt kiệt tài nguyên thiên nhiên và nhân lực của các nước đang phát triển. Ðây là quan điểm tiêu biểu của các tôn giáo, đặc biệt là của Tòa Thánh về vấn đề toàn cầu hóa.

Một tranh hí họa của tờ Record cho thấy theo cách nói của Bill Gates thì rồi ra con người sẽ ngồi nhà và đi nhà thờ qua Internet. Trong khi theo cách nói của Ðức Hồng Y người Việt Nam thì người ta phải đi nhà thờ ngày càng đông vì Internet được Giáo Hội dùng để truyền giảng Tin Mừng “từ trên mái nhà”.

Tờ Record kết luận rằng cuộc tranh luận thú vị giữa Ðức Hồng Y đã 72 tuổi, 13 năm ở tù cộng sản và chàng tỷ phú mới 45 tuổi, giàu nhất thế giới, nổi tiếng như cồn trên thế giới là một tấm gương cho chúng ta. Thế giới này càng ngày càng xa dần Thiên Chúa trong xu hướng tục hóa vì sự im lặng của chúng ta. Thực ra, nhiều người vẫn lắng nghe chúng ta khi chúng ta nói rõ ràng, thẳng thắn và mạch lạc niềm tin của mình. Vấn đề là chúng ta không dám nói, không nghĩ đến chuyện nói và chưa bao giờ chuẩn bị cho việc nói công khai niềm tin của mình nơi công cộng. – VNTaiwan


Trung úy Công an làm chứng về “phép lạ” từ ĐHY Nguyễn Văn Thuận

Câu chuyện rất hay, nhưng cho thấy tư thế ngược là việc Chúa làm, miễn là mình hết lòng tin kính và yêu mến Chúa, thì Chúa sẽ hỗ trợ.

Mời các bạn vào xem bài này, và hiệp thông cầu nguyện để Đức Hồng Y của chúng ta nhanh chóng được Hội Thánh phong thánh, vì quá xứng đáng.

* CẢI TẠO NGƯỢC *

 

Tôi đã từng làm trong Phòng Tôn giáo của Bộ Công an. Trong Phòng ấy người ta có “đối sách” về Đức Cha mà sau này là Hồng Y Nguyễn Văn Thuận. Ông bị chuyển đổi từ miền Nam ra với cái tội rất to là vì ông là cháu của Ngô Đình Diệm và trở về Sài Gòn làm Phó Tổng Giám mục theo ý là lót ổ để lên Tổng Giám mục. Và ông cứ thế bị chuyển ra ngoài Bắc. Trong thời gian ông ấy bị cầm cố ở Hà Nội (có nghĩa là không ở tù) tức là được giữ trong mật viện. Có một đội trông ông ta nhưng tôi là một cán bộ cũng khá lâu năm, một sĩ quan khá lâu năm nên tôi đề nghị để tôi ra học tiếng Pháp với Cha, để luyện nói trên tinh thần là luyện tiếng Pháp chứ không phải để trông Cha. Cụ thể là như thế.

Mặc Lâm: Trong lúc tiếp xúc với Hồng Y, ông có cảm nhận ra sao về Ngài dưới cái nhìn của một sĩ quan công an và nhất là công an chống phản động như ông vừa cho biết ạ?

– Sau khi học tiếng Pháp với Ngài thì tôi cảm nhiễm tinh thần của Đức Cha. Sau này thì tôi thôi việc, lý do là sau khi xảy ra sự kiện Thiên An Môn tôi không còn muốn làm công an nữa vì tôi làm ở Cục chống phản động nên biết dễ phải đi đàn áp và tôi đã xin chuyển ngành nhưng không được, tôi xin thôi việc cũng không cho. Tôi vẫn cứ bỏ việc.

Sau khi vào Sài Gòn tôi làm cho dầu khí Việt Nam. Tôi có đi một số các nhà thờ, nhà thờ trung tâm Đức Bà, nhà thờ Kỳ Đồng. Sau khi ra Hà Nội thì tôi được mặc khải trong một giấc mơ là tôi đi nhà thờ và tôi có rửa tội. Đúng đêm tôi rửa tội ở nhà thờ lớn thì Cha Ngân, bây giờ trở thành Giám mục (Đức cha Giuse Đặng Đức Ngân, giám mục Gp Đà Nẵng – VTCG), bảo với Cha Hùng, hiện nay đang học bên Ý hay bên Pháp gì đấy, mời tôi viết diễn giải một cái tin và tôi có viết bài “Con Đường Đức Tin Qua Cây Cầu Francisco Savie Nguyễn Văn Thuận” Bài này đã gởi qua Tòa Thánh và nằm trong hồ sơ và đã được Cha Sỹ đang ở Việt Nam xin đưa chữ ký vào những bản dịch khoảng 4, 5 thứ tiếng. Tôi hiểu là việc phong Thánh cần phải có phép lạ. Phép lạ thứ nhất là Đức tin. Phép lạ thứ hai là chữa bệnh. Phép lạ thứ ba là mồ mả phát. Tôi là một trong những phép lạ về Đức tin.

(Nhân chuyện nhà văn Nguyễn Hoàng Đức, đọc lại tác phẩm của Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận. Nhà văn Nguyễn Hoàng Đức nguyên là công an, từng học tiếng Pháp với Đức cố Hồng Y Nguyễn Văn Thuận (tranh trên) – Anh đã viết một chuyên luận về: “Hành trình đức tin qua cây cầu F.X Nguyễn Văn Thuận” để mô tả lại quá trình biến đổi tình cảm, tâm lý và đến với Chúa của anh. Tài liệu đó hiện đang được Bộ Phong Thánh ở Roma lưu giữ xem như một phép lạ đức tin.)
 

Được Hội đồng Công Lý và Hòa Bình Tòa thánh Vatican mời qua Rôma làm chứng về Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận nhân dịp lễ kết thúc điều tra phong Chân phúc cấp giáo phận. Ngày 2/7/2013 anh lên đường sang Rôma, nhưng đã bị công an ngăn chặn và thu hộ chiếu tại sân bay Nội Bài mà không có lý do rõ ràng. Sự việc này anh đã có bài tường thuật.

Đức cố Hồng Y sống 13 năm trong ngục tù cộng sản, một số sự việc trong đời sống tù đày đã được Ngài kể lại trong ‘Năm Chiếc Bánh và Hai Con Cá’, tác phẩm được dịch ra 8 thứ tiếng, để phục vụ các tham dự viên ‘Những Ngày Giới Trẻ’ tại Paris năm 1997. Mời bạn đọc xem lại vài trích đoạn sau:

* Có lúc Chúa dùng giáo dân để dạy tôi cầu nguyện.*

Thời gian bị quản thúc ở Giang xá, có ông lão nhà quê, tên là ông quản Kính, từ giáo xứ Ðại Ơn lẻn vào thăm tôi. Tôi không bao giờ quên được lời ông khuyên tôi:

– “Thưa cha, cha không hoạt động tông đồ được thì xin cha cầu nguyện cho Hội thánh; ở trong tù cha đọc một kinh hơn một nghìn kinh cha đọc lúc ở ngoài tự do!”

 

* Ðức Mẹ còn sử dụng cả người cộng sản để nhắc tôi cầu nguyện.*

Ông Hải đã từng ở tù, nằm cùng buồng với tôi để mật thám tôi, sau đã thành bạn của tôi. Trước ngày ông ta ra về, ông đã hứa với tôi:

– Nhà tôi ở Long Hưng, chỉ cách La Vang 3km, tôi sẽ đi La Vang cầu nguyện cho anh”.

Tôi tin lòng thành thật của anh bạn, nhưng tôi hoài nghi làm sao một người cộng sản mà đi cầu nguyện Ðức Mẹ cho tôi! Sáu năm sau, đang lúc tôi ở biệt giam, tôi đã được một bức thư của ông Hải, lạ lùng thật! Lạ hơn nữa là lời lẽ của ông như sau:

– “Anh Thuận thân mến, tôi đã hứa với anh, tôi sẽ đi cầu nguyện ÐứcMẹ La Vang cho anh. Mỗi Chủ nhật, nếu trời không mưa, lúc nghe chuông La Vang, tôi lấy xe đạp vào trước đài Ðức Mẹ, vì chiến tranh bom đạn đã đánh sập nhà thờ rồi. Tôi cầu nguyện thế này: Thưa Ðức Mẹ, tôi không có đạo, tôi không thuộc kinh nào cả. Nhưng tôi đã hứa sẽ đi cầu nguyện Ðức Mẹ cho anh Thuận, nên tôi đến đây. Xin Ðức Mẹ biết anh Thuận cần gì thì cho anh ấy“.

Tôi hết sức cảm động. Tôi đọc đi đọc lại rồi đặt thư xuống nhắm mắt lại: “Lạy Mẹ, Mẹ đã dùng anh cộng sản này để dạy con cầu nguyện; chắc Mẹ đã nhậm lời anh ấy, con mới còn sống đây!”.

Ở trại giam Phú Khánh, một đêm tôi đau quá, thấy một người gác đi qua, tôi kêu: “Tôi đau quá, xin anh thương tình cho tôi thuốc!” Anh ta đáp: “Ở đây chẳng có thương yêu gì cả, chỉ có trách nhiệm“.

Ðó là bầu khí chúng tôi ở trong tù.

Lúc tôi bị biệt giam, trước tiên người ta trao cho năm người gác tôi: đêm ngày có hai anh trực. Cứ hai tuần đổi một tổ mới, để khỏi bị tôi làm nhiễm độc. Một thời gian sau không thay nữa, vì “cấp trên” nói: “Nếu cứ thay riết thì sở công an bị nhiễm độc hết!“

Thực thế, để tránh nhiễm độc, mấy anh không nói với tôi, họ chỉ trả lời “có” hoặc “không”. Họ tránh nói chuyện với tôi. Buồn quá! Tôi muốn lịch sự vui vẻ với họ, họ vẫn lạnh lùng. Phải chăng họ ghét “cái mác phản động” nơi tôi: Tất cả áo quần đều đóng dấu hai chữ lớn “cải tạo”, kể từ ngày bước chân vào trại Vĩnh Quang ở Bắc Việt.

Tôi phải làm thế nào?

Một đêm đông lạnh quá, không ngủ được, tôi nghe một tiếng nhắc nhủ tôi: “Tại sao con dại thế? Con còn giàu lắm: Con mang tình thương Chúa Giêsu trong tim con. Hãy yêu thương họ như Chúa Giêsu đã yêu con”. Sáng hôm sau, tôi bắt đầu mến họ, yêu mến Chúa Giêsu trong họ, tươi cười với họ, trao đổi đôi ba câu nói… Tôi thuật lại những chuyến đi ra nước ngoài, cuộc sống, văn hóa, kinh tế, khoa học kỹ thuật, tự do dân chủ ở Canada, Nhật Bản, Philippines, Singapore, Pháp, Ðức, Úc, Áo, v.v…

Những câu chuyện đó kích thích tính tò mò của họ, giục họ đặt nhiều câu hỏi. Tôi luôn luôn trả lời… Dần dần chúng tôi trở thành bạn. Họ muốn học sinh ngữ Anh, Pháp… tôi giúp họ. Từ từ mấy chiến sĩ gác tôi trở thành học trò của tôi! Bầu khí nhà giam đổi nhiều, quan hệ giữa họ với tôi tốt đẹp hơn. Thậm chí cả những ông xếp công an, thấy tôi đối xử chân thành, không những họ xin tôi giúp các chiến sĩ học hành ngoại ngữ, nhưng họ còn gửi anh khác đến học.

Tôi sống theo lời Chúa Giêsu dạy: “Ðiều gì con làm cho một người bé mọn nhất trong anh em là làm cho chính mình Ta”.

Khi nào có hai hay ba người hợp nhau vì danh Thầy, thì có Thầy ở giữa họ”.

Một hôm một ông xếp hỏi tôi:
– Ông nghĩ thế nào về tờ tuần báo “Người Công giáo”?
– Nếu viết đúng cả nội dung cả hình thức thì có lợi; nếu ngược lại thì không thêm đoàn kết, lại còn thêm chia rẽ, bất lợi cho cả người Công giáo và cho cả nhà nước.
– Làm thế nào cải thiện tình trạng ấy?
– Những cán bộ phụ trách về tôn giáo phải hiểu đúng mỗi tôn giáo thì việc đối thoại, tiếp xúc các chức sắc mỗi tôn giáo cũng như các tín hữu mới có tính cách xây dựng, tích cực và tạo nên thông cảm giữa đôi bên.
– Ông có thể giúp được không?

– Nếu các vị muốn, tôi có thể viết một cuốn Lexicon (từ điển bỏ túi) gồm những danh từ thông dụng nhất trong tôn giáo, từ A đến Z, chừng nào các vị có giờ rảnh, tôi sẽ giải thích rõ ràng, khách quan. Hy vọng các vị có thể hiểu lịch sử, cơ cấu, sự phát triển và hoạt động của Giáo hội…

Họ đã trao giấy mực cho tôi, tôi đã viết cuốn “lexicon” đó, bằng tiếng Pháp, Anh, Ý, Latinh, Tây Ban Nha, và Trung Quốc với phần giải thích bằng Việt ngữ. Dần dà tôi có cơ hội giải thích hoặc giải đáp thắc mắc, tôi chấp nhận làm sáng tỏ những chỉ trích về Giáo hội. “Lexicon” ấy trở thành một cuốn giáo lý thực hành. Ai cũng muốn biết viện phụ là gì, thượng phụ là gì, Công giáo khác Anh giáo, Tin Lành, Chính Thống giáo chỗ nào? Tài chánh của Tòa thánh từ đâu mà có? Có bao nhiêu tu sĩ, giáo dân làm việc trong giáo triều, huấn luyện tu sĩ, giáo sĩ thế nào? Giáo hội phục vụ nhân loại thế nào? Tại sao Giáo hội gồm có nhiều dân tộc, sống qua nhiều thời đại cũng bị bắt bớ, tiêu diệt, cũng mang nhiều khuyết điểm mà vẫn tồn tại? Ngang đây là đến biên giới của siêu nhiên, của sự quan phòng của Thiên Chúa… Cuộc đối thoại từ A đến Z giúp xóa tan một số hiểu lầm, một số thành kiến, có những lúc trở nên thú vị và hấp dẫn. Tôi tin tưởng có nhiều người cởi mở, muốn tìm hiểu và với những biến chuyển trong thời đại ta, đã có những tầm nhìn mới mẻ và xây dựng.Thời kỳ biệt giam ở Hà Nội, tôi được biết có 20 chiến sĩ nam nữ trẻ học tiếng Latinh với một cựu tu sĩ, để có thể đọc các tài liệu của Giáo hội. Trong số mấy anh gác tôi có hai anh trong nhóm học Latinh. Trông thấy bài vở, tôi nhận thấy họ học tốt. Một hôm, một trong hai anh ấy hỏi tôi:

– Ông có thể dạy tôi một bài hát tiếng Latinh không?

– Có nhiều bài hay tuyệt, nhưng biết anh thích bài nào?

– Ông hát cho tôi nghe, tôi sẽ chọn.

Tôi đã hát Salve Regina, Veni Creator, Ave Maris Stella… Các bạn biết anh ta chọn bài nào không? Anh ta chọn bài Veni Creator (Xin Chúa Ngôi Ba đoái thương viếng thăm…).
Tôi đã chép trọn cả bài cho anh ta và anh ta học thuộc lòng. Mỗi sáng quãng 7 giờ, tôi nghe anh ta chạy xuống thang gỗ, ra sân tập thể dục, rồi múc nước vừa tắm vừa hát: Veni Creator Spiritus… Tôi rất cảm động, làm sao mỗi sáng trong nhà tù cộng sản lại có một cán bộ hát kinh “Veni Creator” cho mình nghe!

Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.

Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày, và tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con. Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi mọi sự dữ. Amen.

KINH LẠY CHA THEO BẢN TIẾNG ANH

 

Our Father, who art in heaven, hallowed be Thy name; Thy kingdom come, Thy will be done on earth as it is in heaven.

Give us this day our daily bread; and forgive us our trespasses as we forgive those who trespass against us; and lead us not into temptation,but deliver us from evil. Amen.

(Theo báo Giáo xứ Tam Kỳ).


 

 

Bạn có thể quan tâm

lên đầu trang