Cộng Tác Viên Báo Công Giáo

THAM GIA NGAY

Tìm kiếm

“Đây Chiên Thiên Chúa Đấng xóa tội trần gian” nhưng sao tội lỗi vẫn còn đó ?

“Đây Chiên Thiên Chúa Đấng xóa tội trần gian” nhưng sao tội lỗi vẫn còn đó ?
  • Chia sẻ:

Mỗi lần chúng ta đọc “Đây Chiên Thiên Chúa Đấng xóa tội trần gian”, tôi tự hỏi tại sao tội lỗi vẫn còn hiện hữu nơi con người. Tôi tự hỏi, những từ này nên được giải thích như thế nào? Có lẽ do bản dịch không hoàn toàn chính xác?

Linh mục Stefano Tarocchi, giáo sư Thánh Kinh, trả lời:

Độc giả đề cập đến cách diễn tả được dùng trong phụng vụ được sử dụng theo số nhiều: các tội lỗi trần gian. Động từ trong tiếng Hy Lạp mà thánh Gioan dùng có hai nghĩa: “Vác trên vai của mình” và “cởi bỏ”.

Tuy nhiên, các từ ngữ trong Phúc âm được sử dụng trong hai câu ở chương đầu của Tin Mừng Gioan nói rằng: “Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian!”.

Chỗ khác, Tin mừng thứ tư dành cho Gioan Tẩy Giả một chức năng rất đặc biệt: sau khi đã xác định trong lời mở đầu vai trò của ngài hoàn toàn khác so với Chúa Kitô - thực ra Gioan “không phải là ánh sáng, nhưng ông đến để làm chứng về ánh sáng” (Ga 1, 8.15) – Gioan Tẩy Giả làm cho người đọc nhận ra rằng ngài không phải là Chúa Kitô, hay Đấng Mêssia, mà chỉ là “là tiếng người hô trong hoang địa: Hãy sửa đường cho thẳng để Chúa đi” (c.23). Khi Chúa Giêsu đến nơi Gioan đang làm phép rửa, “tại Bêtania bên kia sông Giođan”, trước mặt những người đã hỏi: “Ông là ai?”, Gioan Tẩy Giả trả lời: “Tôi đây làm phép rửa trong nước. Nhưng có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết. Người sẽ đến sau tôi và tôi không đáng cởi quai dép cho Người". Các việc đó đã xảy ra tại Bêtania, bên kia sông Giođan, nơi ông Gioan làm phép rửa. Hôm sau, ông Gioan thấy Đức Giêsu tiến về phía mình, liền nói: "Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá bỏ tội trần gian” (Ga 1,26-29). Thánh Gioan nói thêm rằng: “Nhưng để Người được tỏ ra cho dân Israel, tôi đến làm phép rửa trong nước” (Ga 1,31).

Vì vậy, “hôm sau, ông Gioan lại đang đứng với hai người trong nhóm môn đệ của ông. Thấy Đức Giêsu đi ngang qua, ông lên tiếng nói: "Đây là Chiên Thiên Chúa". Hai môn đệ nghe ông nói, liền đi theo Đức Giêsu” (Ga 1,35-37).

Tin mừng thứ tư đã mang đến một ý nghĩa mới cho cách diễn tả thứ nhất (“Chiên Thiên Chúa”), có nguồn gốc từ Do Thái giáo liên quan đến câu chuyện hy tế của Isaac: “Chính Thiên Chúa sẽ chuẩn bị con để sát tế” (St 22,8), máu được bôi lên các khung cửa để giải phóng khỏi ách nô lệ (x. Xh 12,7-13).

Trong Do Thái giáo, sau con Chiên Vượt Qua và “người tôi tớ” của Chúa như Isaia mô tả (Is 53,7.10), Isaac là nguyên mẫu của hy lễ nhân danh Người để tội lỗi muôn dân được tẩy sạch. “Tất cả chúng ta lạc lõng như chiên cừu, lang thang mỗi người một ngả. Nhưng ĐỨC CHÚA đã đổ trên đầu người tội lỗi của tất cả chúng ta. Bị ngược đãi, người cam chịu nhục, chẳng mở miệng kêu ca; như chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín khi bị xén lông, người chẳng hề mở miệng” (Is 53,6-7).

Nhưng nhờ Chúa Giêsu, sự liên kết giữa “Con Chiên Thiên Chúa” và “Con Thiên Chúa” được hình thành: “Tôi đã thấy, nên xin chứng thực rằng Người là Con Thiên Chúa” (Ga 1,34). Hơn nữa, ngay khi Chúa Giêsu tử nạn “một tên lính lấy giáo đâm vào sườn Ngài, máu và nước liền chảy ra” (Ga 19,34), thánh sử nói thêm - trong trường hợp này ngài là nhân chứng - : “Người xem thấy việc này đã làm chứng, và lời chứng của người ấy xác thực; và người ấy biết mình nói sự thật để cho cả anh em nữa cũng tin. Các việc này đã xảy ra để ứng nghiệm lời Kinh Thánh: Không một khúc xương nào của Người sẽ bị đánh giập. Lại có lời Kinh Thánh khác: Họ sẽ nhìn lên Đấng họ đã đâm thâu” (Ga 19,35-37).

Thật vậy, thư thứ nhất của Thánh Gioan đảo ngược việc chiêm ngắm Chúa Kitô, Đấng đã chết trên thập giá, bằng cách cho thấy hành động cứu độ phổ quát của Người theo quan điểm rửa tội: “Chính Đức Giêsu Kitô là Đấng đã đến, nhờ nước và máu; không phải chỉ trong nước mà thôi, nhưng trong nước và trong máu. Chính Thần Khí là chứng nhân, và Thần Khí là sự thật” (1 Ga 5,6).

Mặt khác, như Tin Mừng viết: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ” (Ga 3,16-17).

Thật thế, dựa vào sắc thái phổ quát này mà tư tưởng của tác giả Tin mừng thứ tư đã thay đổi, khi ngài nói trong thư thứ nhất : “Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của tôi, tôi viết cho anh em những điều này, để anh em đừng phạm tội. Nhưng nếu ai phạm tội, thì chúng ta có một Đấng Bảo Trợ trước mặt Chúa Cha: đó là Đức Giêsu Kitô, Đấng Công Chính. Chính Đức Giêsu Kitô là của lễ đền bù tội lỗi chúng ta, không những tội lỗi chúng ta mà thôi, nhưng còn tội lỗi cả thế gian nữa” (1 Ga 2,1-2). Và còn thêm nữa, trước hết : “Không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta” (1 Ga 4,10).

Chính lá thư đầu tiên của Thánh Gioan đã đưa viễn tượng này đi xa hơn, khi ngài nói: “Nếu chúng ta đi trong ánh sáng cũng như Thiên Chúa hằng ngự trong ánh sáng, thì chúng ta được hiệp thông với nhau, và máu Đức Giêsu, Con của Người, thanh tẩy chúng ta sạch hết mọi tội lỗi. Nếu chúng ta nói là chúng ta không có tội, chúng ta tự lừa dối mình, và sự thật không ở trong chúng ta. Nếu chúng ta thú nhận tội lỗi, Thiên Chúa là Đấng trung thành và công chính sẽ tha tội cho chúng ta, và sẽ thanh tẩy chúng ta sạch mọi điều bất chính. Nếu chúng ta nói là chúng ta đã không phạm tội, thì chúng ta coi Người là kẻ nói dối, và lời của Người không ở trong chúng ta” (1 Ga 1,7-10).

Tuy nhiên, chúng ta có thể tự hỏi tại sao những lời của Gioan Tẩy Giả nói theo nghĩa đen về “Chiên Thiên Chúa Đấng xóa tội”, ở số ít, trong khi phụng vụ “dịch” là: “Chiên Thiên Chúa Đấng xóa các tội”, ở số nhiều.

Ở đây, luận điểm trở nên tinh tế hơn: tội lỗi, ở số ít, trở thành cha (hoặc mẹ theo tiếng Hy Lạp!) của mọi tội lỗi, ở số nhiều, đang tràn ngập lịch sử nhân loại, cho dù Chúa Giêsu Kitô đã gánh vác nơi bản thân và cởi bỏ tội lỗi. Điều này được nói rất rõ trong thư thứ nhất của Gioan, khi ngài giải thích ý nghĩa của từ "tội lỗi": “Căn cứ vào điều này, anh em nhận ra thần khí của Thiên Chúa: thần khí nào tuyên xưng Đức Giêsu Kitô là Đấng đã đến và trở nên người phàm, thì thần khí ấy bởi Thiên Chúa; còn thần khí nào không tuyên xưng Đức Giêsu, thì không bởi Thiên Chúa; đó là thần khí của tên phản Kitô. Anh em đã nghe nói là nó đang tới, và hiện nay nó ở trong thế gian rồi” (1 Ga 4,2-3). Là điều còn được gọi cách triệt để hơn, là sự hủy diệt mọi trật tự: “tội lỗi là gian tà” (1 Ga 3,4).

Chìa khóa của mọi sự đó là phủ nhận mầu nhiệm nhập thể: Đấng muôn đời là Thiên Chúa (“là khởi đầu”: Ga 1,1) “đã trở nên xác phàm”, tức là con người (Ga 1,14). Nghĩa là, Người đã mang nơi bản thân sự yếu đuối của con người, vì vậy Người đã mang nơi mình căn nguyên của mọi tội lỗi: chối bỏ chính kế hoạch của Thiên Chúa. Theo lời của một nhà chú giải nổi tiếng đó là: toàn bộ “gánh nặng tội lỗi của nhân loại”.

Vì vậy, không có gì là ngạc nhiên, dẫu cho ơn cứu độ đến từ Chúa Giêsu Kitô, sự mong manh của thân phận con người vẫn tiếp tục xuất hiện trong lịch sử và nơi mỗi người.

Tác giả: G. Võ Tá Hoàng chuyển ngữ