Tắt Quảng Cáo [X]

Bất ngờ chuyện lạ có thật xảy ra tại Giáo Phận Phát Diệm – Xin cầu nguyện

12:07 14/08/2023
hoc du

Một Vụ Xúc Phạm Thô Bạo Tới Tín Ngưỡng Và Niềm Tin Của Người Công Giáo: Bức Tượng Ðức Mẹ Sầu Bị (Pieta) tại Giáo Xứ Ðồng Ðinh, Giáo Phận Phát Diệm, Bị Ðập Phá.

Bức Tượng Ðức Mẹ Sầu Bị (Pieta) tại Giáo Xứ Ðồng Ðinh, Giáo Phận Phát Diệm, Bị Ðập Phá: Ðầu Ðức Mẹ bị đập nát, Tay Trái Ðức Mẹ bị chặt mất, Ðầu tượng Chúa Giêsu bị chém.

Chúng tôi tới Ðồng Ðinh ngay khi vụ đập phá tượng xảy ra được hơn 1 tuần. Từ Sài Gòn ra Hà Nội, qua cầu Gián Khẩu rẽ trái (còn nếu từ Hà Nội đi Sài Gòn thì qua cầu Gián Khuất rẽ phải) khoảng 30 km, thì đến thị trấn Nho Quan. Qua khu trung tâm thị trấn, rẽ trái khoảng 3 km theo con đường từ Nho Quan về thị xã Tam Ðiệp là gặp sông Hoàng Long. Tiếp tục rẽ trái theo bờ đê khoảng hơn 1km là đến nhà thờ giáo xứ Ðồng Ðinh, nằm trên triều sông Hoàng Long, thuộc xã Thượng Hoà, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình. Giáo xứ này mới được thành lập ngày 16-04-2006, có 374 hộ, bao gồm 6 giáo họ, tổng cộng có 1,895 giáo dân và cha Giuse Lê Ðức Năng được bổ nhiệm làm linh mục chính xứ.

Từ nhà thờ giáo xứ, muốn tới được địa điểm núi Gò hay Núi Cay, nơi tượng Ðức Mẹ Sầu Bi bị phạm thánh, khách hành hương phải đi thuyền dọc theo sông Hoàng Long khoảng 1 km. Ðây là một đoạn sông rất đẹp. Sơn thuỷ hữu tình. Người dân cư ngụ ở hai bên bờ, một bên là họ Trị Sở, một bên là họ Ðông Thịnh. Họ sống bằng nghề làm ruộng, đánh cá và chở cát đá đi bán đó đây, biến khúc sông này như thể cái ao nhà của họ. Quả núi Gò mọc ngay ở cửa đoạn sông dẫn vào khu vực giáo xứ và không biết từ bao giờ đã trở thành tài sản chung của giáo dân, do giáo dân quản lý và sử dụng từ nhiều thập niên.

Theo các bậc cao niên trong xứ thì trước năm 1945 người dân đã dựng thánh giá gỗ trên núi Gò. Ðến năm 1957 mới xây thánh giá lớn bằng bêtông cốt thép. Ngày 05.11.2006, Ðức cha Giuse Nguyễn Văn Yến, Giám mục Phát Diệm, đã tặng cho Giáo xứ pho tượng Ðức Mẹ Sầu Bi. Giáo dân trong xứ rước tượng về đặt tại chân thánh giá trên Núi Gò. Bức tượng Pieta này được đúc theo catalogue của Ý, nặng khoảng 1.8 tấn và do một cha ở Miền Nam tặng Ðức cha Nguyễn Văn Yến nhân dịp ngân khánh linh mục của ngài. Bức tượng được đặt ở núi Sọ trong quần thể thánh đường Phát Diệm, trước khi được rước về Ðồng Ðinh.

Ngay sau đó, chính quyền và công an xã Thượng Hoà bắt đầu đến “làm việc” với giáo dân trong Giáo xứ. Các nhân chứng liên quan nói trước sau khoảng 15 lần. Có những lần có cả các cán bộ tỉnh Ninh Bình và huyện Nho Quan tham dự. Trong “Ðơn đề nghị” của cha chính xứ và của giáo dân, có nói rõ ngày 27.11.2006, có cuộc họp của đủ các thành phần: Ngoài mặt trận, Ủy Ban Nhân Dân và công an xã Thượng Hoà, còn có các đại diện của Mặt trận, Công an tỉnh Ninh Bình và huyện Nho Quan và đây là buổi làm việc “rất căng thẳng”.

Ngay trong cuộc họp này, ông Ðinh Minh Uy, Chủ tịch xã Thượng Hoà đã tuyên bố: “Nếu không hạ tượng thì kể cả cụt tay, tôi cũng lấy xà beng chọc nát tượng”. Ông còn tuyên bố như thế tại Hội trường Mặt Trận Tổ Quốc huyện Nho Quan trong một cuộc họp có đủ các ban ngành trong huyện diễn ra vào ngày 01.12.2006.

Ngày 06.01.2007, giáo dân trong giáo xứ nhận được phép của Toà Giám Mục Phát Diệm đồng ý cho chuyển bức tượng đến đặt trên núi lớn cạnh nghĩa trang bên triền sông, cách Núi Gò khoảng gần 200 m. Giáo dân chờ ý kiến của chính quyền. Nhưng chính quyền các cấp không trả lời.

Vào 15 h 30 phút ngày 29.01.2007, ông Ðinh Minh Uy và ông Nguyễn Xuân Tỉu, Chủ tịch và Phó Chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân Xã Thượng Hoà, dẫn một đoàn gần chục người, thuê thuyền máy, đến xem tượng.

Ðêm ngày 29.01.2007, bà con giáo dân đang đánh cá trên đọan sông gần khu vực Núi Gò, nơi đặt tượng Pieta, thì bị đuổi và bị bắt lưới cá và kích cá.

Sáng ngày 30.01.2007 tượng Ðức Mẹ Sầu Bị bị đập vỡ. Nghe nói giáo dân đã quay phim hiện trường. Không kể bức tượng bị đập nát, người ta còn thấy một chiếc mũ áo phao ướt, một quần nam và một quần nữ.

Quang cảnh tượng Pieta sau khi bị phá. Giáo dân treo cờ tang và đặt vòng hoa kính viếng.

Khi chúng tôi đến đây, thì vụ việc xảy ra đã hơn một tuần. Từ xa tiến lại chúng tôi thấy ngọn núi nhở trên sông phấp phới cờ tang. Ðến gần một tý chúng tôi còn nhận ra có nhiều vòng hoa tang ở trên núi. Chúng tôi xuống thuyền, lên núi, đọc kinh kính viếng Ðức Mẹ và Ðức Chúa Giêsu, cầu nguyện cho chúng tôi là những kẻ tội lỗi, cầu nguyện cho giáo dân trong xứ đang bị thử thách nặng nề và cầu nguyện cho những người xúc phạm đến Ðức Chúa Giêsu và Ðức Mẹ.

Chúng tôi không thể không cảm thấy bức xúc vào đau đớn. Ðức Mẹ bị đập vỡ mặt, đầu gần đứt hết, chỉ còn một ít bêtông dính vào cốt thép nơi phần cổ. Tay phải Ðức Mẹ, tay đỡ gáy và lưng Chúa Giêsu, bị chặt vứt đâu mất, chỉ còn hai ngón tay, cũng bị cụt dính vào phần vài Ðức Chúa Giêsu. Tay trái Ðức Mẹ, tay đỡ phần chân Chúa, cũng bị chặt từ phần bên dưới vai. Ðầu Ðức Chúa Giêsu cũng bị đập vỡ nát và chặt vứt đâu mất, chỉ còn vài thanh sắt giơ lên, trông giống như phần xương sống nơi cổ lòi ra. Hai chân Ðức Chúa Giêsu bị đập vỡ nát, lòi ra các xương ống bằng thép và cả phần thép này cũng không còn lành lặn. Thân mình Ðức Chúa Giêsu và Ðức Mẹ đều bị búa nện lung tung do đó bị sứt mẻ lung tung vì bị búa đập và xà beng chọc.

Tượng Ðức Mẹ sầu bi vốn đã sầu bi và bây giờ ở đây lại càng sầu bị hơn nữa. Có lẽ không có bức tượng nào trên thế gian này sầu bị hơn bức tượng này. Ngày xưa người ta chỉ giết Ðức Chúa Giêsu và những người theo Ðức Chúa Giêsu, ngày nay người ta giết cả tượng Ðức Chúa và tượng Ðức Mẹ. Ngày xưa người ta lăng trí, bá đao, xử trảm người theo Chúa, ngày nay tượng Ðức Chúa và Ðức Mẹ cũng bị lăng, trì, bá đao, xử trảm và xỉ nhục như thế. Ðau đớn thay!

Xung quanh bức tượng, giáo dân đặt các vòng hoa kính viếng Ðức Chúa Giêsu và Ðức Mẹ Maria. Trên các vòng hoa có các dòng chữ phân ưu như: “Giáo họ Ðông Thịnh vô cùng đau thương đau khi Mẹ chịu thương đau”, “Cộng đoàn Giáo họ Phong Châu vô cùng thương tiếc khi Mẹ đau thương”, “Hội Mân Côi xứ Ngọc Cao kính viếng sự đau thương Mẹ”.

Chúng tôi chỉ lấy làm tiếc, vì vụ đập phá tượng xảy ra chỉ 4 ngày sau khi Thủ Tướng nước Việt Nam hội kiến với Ðức Giáo Hoàng và Quốc Vụ Khanh Toà Thánh tại Rôma.

Có người bảo như vậy là một hành vi vả mặt Công giáo ở trong và ngoài nước. Giống như Taliban bắn phá tượng phật ở Apganixtan xúc phạm đến Phật giáo khắp thế giới hồi 7 năm trước. Lại cũng có người cho rằng: Như thế là Việt Nam mình tự vả mặt mình, tự chọc mắt mình, tự cấu xé thân thể mình. Ðiều này không phải là không có lý, vì đọan sông này sơn thuỷ rất hữu tình, hơn kém vịnh Hạ Long, do đó du khách ngoại quốc vẫn thường thuê thuyền máy chạy dọc qua đây để vẫn cảnh thiên nhiên kỳ thú.

Gần 1 thế kỷ trước khi suy gẫm về thời các vua chúa bách hại người Công giáo Việt Nam, Cụ Phan Bội Châu đã phải thốt lên rằng: “Than ôi thời đại chưa khai hoá!” Ngày nay, nơi chín suối, chắc hẳn cụ vẫn còn phải thảng thốt như thế. Nhưng chắc là với cung giọng thảm thiết hơn./.

Xung Quanh Vụ Ðập phá Tượng Ðức Mẹ Sầu Bi Tại Ninh Bình:

Ðức Giám Mục Giuse Nguyễn Văn Yến đã tặng Giáo xứ Ðồng Ðinh bức tượng Ðức Mẹ Sầu Bi.

Ngày 05.11.2006, giáo dân xứ Ðồng Ðinh đặt bức tượng tại chân thánh giá trên đỉnh núi Gò, hay còn gọi là Núi Cay, nằm giữa sông Hoàng Long, thuộc thôn 4, xã Thượng Hoà, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình. Pho tượng chưa được cố định vị trí và chưa được Ðức Giám Mục làm phép.

Ngày 06.11.2006 đến ngày 29.01.2007, chính quyền địa phương “làm việc” với Ðại diện giáo dân giáo xứ Ðồng Ðinh khoảng hơn 15 lần. Trong đó có những lần có sự hiện diện của công an và Mặt Trận Tổ Quốc Tỉnh Ninh Bình, có lần diễn ra tại Hội trường Mặt Trận Tổ Quốc huyện Nho Quan.

Trong các buổi làm việc liên ngành trên đây, hai lần ông Chủ tịch xã Ðinh Minh Uy tuyên bố: “Nếu không hạ tượng thì kể cả cụt tay tôi cũng lấy xã beng chọc nát tượng!”.

Có anh công an tuyên bố không cho cha Năng là Linh mục Chính xứ về Ðồng Ðinh dâng lễ. Nếu cha cứ về dâng lễ mà không có phép thì trục xuất. Không hiểu vì lý do gì mà công an tuyên bố như vậy.

Các buổi làm việc với Ðại diện giáo dân Ðồng Ðinh diễn ra rất “căng thẳng và phức tạp”. Người được các cán bộ đặc biệt chiếu cố là ông Antôn Bùi Ngọc Chỉ, Chủ tịch Hội Ðồng Giáo Xứ. Các cán bộ có nhiều lời nói và hành động xúc phạm đến ông.

Trong khi đang diễn ra các buổi làm việc thì Ðức Giám Mục giáo phận đã đồng ý cho đặt bức tượng ở núi cạnh nghĩa trang bên sông Hoàng Long. Hội Ðồng Giáo Xứ xứ Ðồng Ðinh thông báo cho chính quyền và cho ý kiến của chính quyền. Trong lúc chưa nhận được ý kiến của chính quyền để chuyển tượng đi, thì các cán bộ địa phương đã dẫn dân quân địa phương đến tàn phá.

Sau khi diễn ra vụ phá tượng, công an huyện Nho Quan đã về lập biên bản. Ngày 07.02.2007 đã ra một thông báo khẳng định “việc đập phá tượng không có sự chỉ đạo của cấp uỷ , chính quyền địa phương, mà do 10 đối tượng thực hiện trong đó có sự tham gia của cá nhân một số lãnh đạo xã Thượng Hoà” như ông Nguyễn Văn Chiên (Bí thư Ðảng uỷ Xã), ông Ðinh Minh Uy (Chủ tịch Xã ), ông Nguyễn Văn Bẩy (Phó Công an Xã). Ðấy là văn bản giải quyết cao nhất của các cấp chính quyền cho đến giờ này.

Quang cảnh tượng Pieta sau khi bị phá. Tuy nhiên Bia tạ ơn Ðức Mẹ, kỷ niệm của Ðức Giám Mục Giuse Nguyễn Văn Yến vẫn còn nguyên với hàng chữ ghi rõ:
“Tạ Ơn Ðức Mẹ Pieta, Người đã trở nên Hình Ảnh Hội Thánh tại Giáo Phận Phát Diệm. Dịp Mừng Ngân Khánh Linh Mục (26-06-2002). Ðức Giám Mục Giuse Nguyễn Văn Yến.”

Tin hành lang cho biết: Các cán bộ cố giấu nhẹm vụ này. Qua trung gian họ kín đáo mời ông Bùi Ngọc Chỉ đến ăn cỗ ở nhà một cán bộ. Trong bữa ăn, họ dùng áp lực để đe doạ ông Bùi Ngọc Chỉ những mong Hội đồng Giáo xứ và giáo dân không đơn thư thưa kiện gì. Thấy không ăn thua, họ đổi nước, dùng quyền lợi và vật chất để dụ dỗ, kể cả cho ông mấy xuất đất. Nhưng ông vẫn không sa chước cám dỗ: ông nói mình không có quyền và chuyện phá tượng liên quan đến toàn thể giáo dân trong giáo xứ và quyền quyết định thuộc về cha chính xứ và toàn thể giáo dân trong giáo xứ.

Người dân địa phương cho biết: Hiện nay 10 người trực tiếp đập phá tượng là người trong xã Thượng Hoà, nhưng ở thôn khác. Khi đập phá xong một số người trở nên bần thần ngơ ngơ, họ mới nói với giáo dân rằng ông Chủ tịch, ông Bí thư, ông Phó Công an kêu họ đi làm. Thế là Ông chủ tịch Xã phải chịu tội.

Ông Chủ tịch Xã thấy mình không thể một mình gánh hậu quả đã khai ra ông Bí thư và các ông khác. Ông chủ tịch nói một mình ông thì không thể làm gì. Nếu ông làm gì thì đó là do quyết định chung của Ðảng bộ Xã. Ðấy là người dân địa phương cho biết thế, chứ trong bản thông báo của công an huyện thì khẳng định là không có sự chỉ đạo của cấp uỷ và chính quyền địa phương.

Các cán bộ đây đó nói rằng: Cán bộ xã Thượng Hoà sai và phải chịu truy tố trước pháp luật, nhưng cha xứ và giáo dân xứ Ðồng Ðinh xin bãi nại. Thực sự thì không phải vậy. Tin gián tiếp cho biết, các cán bộ liên quan cũng đến xin Cha Giuse Lê Ðức Năng. Nhưng ngài nói chuyện phá tượng có tổ chức như thế và lại liên quan đến toàn thể giáo dân, phần nào liên quan đến Ðức Giám Mục, chứ không riêng cá nhân ngài. Do đó, ngài không có quyền quyết định một mình.

Cha Lê Ðức Năng và Bùi Ngọc Chỉ đã làm đơn gửi lên ông Bí thư Tỉnh uỷ Ninh Bình, Ban Dân vận tỉnh Ninh Bình, Ủy Ban Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam tỉnh Ninh Bình, Ban Giám đốc Công an tỉnh Ninh Bình, Ủy Ban Nhân Dân huyện Nho Quan và Toà Giám Mục Phát Diệm.

Từ ngày đấy đến nay, Ðức Giám Mục chưa có tuyên bố công khai công cộng điều gì. Lý do theo phân tích của người ngoài cuộc một phần là gần tết. Một phần là bức tượng là quà tặng của ngài cho giáo xứ Ðồng Ðinh, cho nên có vấn đề tế nhị.

Vụ việc này giáo dân trong Giáo phận Phát Diệm tỉnh Ninh Bình cũng ít người biết. Một mặt vì chưa có tiếng nói chính thức công khai công cộng của Ðức Giám Mục. Mặt khác, vì giáo dân đang mải cấy vụ chiêm xuân và chuẩn bị tết nhất.

Tuy nhiên, vụ đập tượng này công an các tỉnh khác ít là ở Miền Bắc, cũng đã biết và trong các cuộc chúc tết nhau đây đó với giới chức sắc Công giáo nhân dịp tết nhất, một số cán bộ công an có đề cập tới ít nhiều.

Khách ngoại quốc cũng chưa biết nhiều: Vì lúc này đang mùa đông và mùa xuân, cảnh vật ở sông Hoàng Long u ám, ít người thuê thuyền máy đi dọc sông vãn cảnh.

Bức xúc nhất phải nói là Cha Bề trên và quý cha quý thầy Ðan viện Châu Sơn Ninh Bình, cách đó khoảng gần 10 km. Các cha các thầy và các chú trong Ðan viện đã ăn chay hãm mình và cầu nguyện liên tục từ khi xảy ra vụ đập tượng đến nay. Khách thập phương đến viếng Nhà Dòng dịp tết thường thấy sự bức xúc này trong câu chuyện ngày tết.

Người dân địa phương cho biết hầu hết những thành viên tham gia đập tượng nay đều bần thần, ngơ ngác, dù giáo dân chưa làm gì và chính quyền cấp trên chưa làm gì. Ít nhất theo chúng tôi biết đã có hai trường hợp bị ngã xe máy và chấn thương sọ não. Một đã hôn mê và một bị khâu hàng chục mũi ở đầu.

Giáo dân Ðồng Ðinh hiện nay chia phiên nhau chèo thuyền ra neo gần tượng để canh tượng. Các anh chị em tín hữu ở đây chứng tỏ lòng khoan dung Kitô giáo cách tuyệt vời, dù đau thương, cảm thấy bị xúc phạm nặng nề, nhưng không ai có một hành động nào quá khích.

Từ khi bức tượng Ðức Mẹ Sầu Bi bị tàn phá đến nay đã có khoảng 40 đoàn hành hương, tổng cộng khoảng 2,000 người về kính viếng. Xung quanh bức tượng thường xuyên có người đọc kinh cầu nguyện.

Tại chân tượng bị đập phá hãy còn tấm bảng ghi dòng chữ: “Tạ ơn Ðức Mẹ ‘Pieta’ – Người đã trở nên hình ảnh Hội Thánh tại Giáo phận Phát Diệm”. Thật là chí lý và ý nghĩa.

Ðinh Thái Bình – vntaiwan.catholic.org.tw


 

Bạn có thể quan tâm

lên đầu trang