Tắt Quảng Cáo [X]

Bốn phép lạ Thánh Thể “làm khó” các nhà khoa học

10:00 31/03/2022
hoc du

Những Mình Thánh kỳ lạ tiếp tục khiến cho những người có óc hoài nghi phải nhức đầu.

Giáo hội Công giáo chủ trương một giáo thuyết kêu là “sự biến thể”, như sách Giáo Lý Hội Thánh giải thích: “nhờ lời truyền phép trên bánh rượu, trọn vẹn bản thể bánh biến thành bản thể Mình Thánh Chúa Ki-tô và trọn vẹn bản thể rượu biến thành bản thể Máu Thánh Người” (GLHTCG số 1376).

Điều này có nghĩa là mặc dù vẫn còn hình bánh và hình rượu, nhưng bản thể đã thay đổi (nhờ quyền năng Thiên Chúa) hoàn toàn để trở nên Mình và Máu Đức Kitô. Đây là một giáo huấn có nền tảng Kinh thánh và thánh truyền, và đã được bảo lưu không suy suyển xét về nền tảng, căn cốt kể từ thời các tông đồ.

Dầu thế, Giáo hội thi thoảng cũng được chứng kiến đây đó, việc Thiên Chúa can thiệp một cách tỏ tường hơn, thậm chí biến đổi hình bánh và hình rượu thành chính Mình và Máu của Người. Hoặc, có khi Chúa bảo lưu Bánh Thánh Thể khiến nó không hư hoại rất lâu, so với bản chất tự nhiên của một tấm bánh bình thường.

Dầu cho, Giáo hội không đặt nền các giáo huấn của mình dựa trên các phép lạ, nhưng là trên lời của Đức Kitô, nhưng khi Thiên Chúa cho các phép lạ này xảy ra thì người ta dễ dàng tin vào sự hiện diện đích thật của Chúa Giêsu Kitô trong Bí tích Thánh Thể hơn.

Sau đây là bốn phép lạ Thánh Thể diệu kỳ nhất, là những phép lạ đã được kiểm chứng bởi những khoa học gia sáng giá nhất đến từ khắp nơi trên thế giới, và họ hết thảy đều không thể giải thích được những hiện tượng lạ thường này.

1. Lanciano, Ý quốc
Hồi thế kỷ VIII, một linh mục cứ hoài nghi về sự hiện diện thật của Chúa Kitô trong Bí tích Thánh Thể. Ngày nọ trong khi cử hành thánh lễ, sau phần truyền phép, bánh và rượu trở nên thịt và máu một cách nhãn tiền. Từ năm 1970-1971, và một lần nữa vào năm 1981, một điều tra khoa học được thực hiện, đứng đầu là khoa học gia Odoardo Linoli, giáo sư môn giải phẫu học, mô bệnh học, hóa học và môn kính hiển vi y tế. Có giáo sư Ruggero Bertelli, thuộc Đại học Siena, làm trợ tá.

Các vị kết luận rằng, thịt là một mô tim, có chứa các tiểu động mạch, tĩnh mạch và chuỗi nơ-ron thần kinh. Máu thuộc loại AB (giống với tất cả các phép lạ Thánh Thể được công nhận khác). Theo hãng tin Zenit, “Hội đồng cấp cao của Tổ chức Sức khỏe Thế giới (WHO) đã chỉ định một ủy ban khoa học với mục đích kiểm chứng các kết luận của bác sỹ người Ý. Công việc này đã được thực hiện trong vòng 15 tháng, với tổng cộng 500 xét nghiệm… [và đã tái khẳng định] khoa học không thể giải thích được hiện tượng này.”

2. Legnica, Ba Lan
Năm 2013, đức cha Zbigniew Kiernikowski, giám mục giáo phận Legnica thuật lại:

“Hôm 25 Tháng Mười Hai 2013, trong khi trao Mình Thánh, một bánh thánh rớt xuống sàn, sau đó được nhặt lên và được đặt vào trong một bình nước. Ngay sau đó, các vệt màu đỏ xuất hiện. Nguyên giám mục Legnica, đức cha Stefan Cichy, đã thiết lập một ủy ban để nghiên cứu hiện tượng này. Tháng Hai 2014, một mẩu nhỏ màu đỏ từ miếng bánh thánh được tách ra và đặt trên một khăn thánh. Ủy ban này truyền lệnh phải lấy mẫu để thực hiện các xét nghiệm kỹ càng tại các viện nghiên cứu liên quan.

Sau các điều nghiên, Viện Xét nghiệm Hình sự khẳng định:

Căn cứ vào hình chụp mô cho thấy, các mảnh mô thuộc một cơ vân xoắn. (…) Toàn bộ cơ vân này rất giống với cơ tim với những biến đổi thường xảy ra khi phải chịu đựng những đau đớn khủng khiếp. Nghiên cứu gien cho thấy đây là một gien người.

3. Buenos Aires, Argentina
Ngày 18 Tháng Tám 1996, khi linh mục Alejandro Pezet vừa dâng lễ tại họ đạo Santa Maria y Caballito Almagro xong, một phụ nữ báo tin, một bánh thánh bị mạo phạm trên một cái chân nến ở cuối nhà thờ. Không thể rước bánh thánh, cha Pezet đã đặt bánh thánh vào trong một dĩa nước và đặt vào trong nhà tạm.

Hôm sau là Thứ Hai, vị linh mục mở cửa nhà tạm và thấy bánh thánh đã chuyển dạng sang màu máu. Phép lạ được báo cáo cho hồng y Jorge Bergoglio (giáo hoàng tương lai Phanxicô), và chính ngài đã cho thực hiện một cuộc điều tra về phép lạ sau khi bánh thánh màu máu ấy vẫn giữ nguyên trạng nhiều năm.

Theo tạp chí Miłujcie się!, “Ngày 5 Tháng Mười 1999, trước sự hiện diện của các người đại diện cho đức hồng y, tiến sỹ, khoa học gia Ricardo Castañón Gómez đã lấy mẫu từ bánh thánh và gửi tới New York để phân tích.”

Một trong số các nhà khoa học được nói đến, là tiến sỹ Frederic Zugiba, một nhà tim học và bác sỹ pháp y nổi tiếng. Ông đã khẳng định rằng mô được phân tích là thịt thực sự, và máu thì có chứa DNA của người. Bác sỹ Zugiba chứng thực rằng, “mô được phân tích là một phần của cơ tim thuộc tâm thất trái gần với van tim. Cơ này có nhiệm vụ giúp tim co bóp. Chúng ta nên nhớ, tâm thất trái chính là cơ phận bơm máu đi tất cả các phần trong cơ thể. Cơ tim này ở trong một tình trạng bị kích động và có chứa nhiều tế bào máu trắng (white blood cell). Điều này cho thấy, quả tim đang sống tại thời điểm lấy mẫu. Quan điểm của tôi là, quả tim là quả tim sống, bởi vì các tế bào máu trắng sẽ chết khi bị đưa ra khỏi một cơ thể sống. Chúng cần một cơ thể sống để duy trì sự sống của mình. Vì thế, sự hiện diện của chúng chứng tỏ rằng, quả tim là quả tim sống lúc lấy mẫu. Còn hơn thế, các tế bào trắng này đã thấm vào trong mô, điều này còn chỉ ra rằng, quả tim đã bị một áp lực khủng khiếp, ra như người ấy bị đánh rất mạnh vào ngực vậy.

4. Tixtla, Mêxicô
Ngày 21 Tháng Mười 2006, trong một dịp tĩnh tâm giáo xứ, một bánh thánh sắp sửa được cho rước, bỗng tiết ra dịch có màu đỏ. Giám mục sở tại, đức cha Alejo Zavala Castro, đã triệu tập một ủy ban điều tra thần học để xác định xem, đây là một vụ lừa đảo hay một phép lạ thật. Tháng Mười 2009, ngài đã mời tiến sỹ Ricardo Castañón Gómez tiến hành một cuộc nghiên cứu khoa học cùng với một nhóm các khoa học gia và xác nhận tính chất lạ kỳ của sự việc. Tiến sỹ Gómez gần đây đã kết thúc quá trình điều nghiên về phép lạ xảy ra tại Buenos Aires này.

Nghiên cứu khoa học được thực hiện từ Tháng Mười 2009 đến Tháng Mười 2012 đã đưa ra những nhận định sau:

Chất dịch màu đỏ được phân tích là máu thật, trong đó thấy có hồng cầu và có DNA của người.

Hai nghiên cứu được thực hiện bởi các chuyên gia pháp y danh tiếng bằng những phương pháp khác nhau, cho thấy rằng, chất dịch này thuộc vào phần nội tạng, do vậy loại trừ giả thuyết cho rằng, ai đó đã đặt nó vào.

Tuýp máu cũng là AB, giống như được tìm thấy trong bánh thánh ở Lanciano, và nơi Tấm Khăn liệm Turin. Một phân tích phóng đại và xuyên thấu bằng kính hiển vi còn cho thấy phần mặt của khối máu này đã đông lại từ Tháng Mười 2006. Hơn nữa, ở những lớp phía trong, vào Tháng Hai 2010, lại thấy có máu tươi.

Sự kiện này không thể được giải thích bằng những lý lẽ thông thường.


Nguồn: GXTanViet

 

Bạn có thể quan tâm

lên đầu trang