Tắt Quảng Cáo [X]

Có ai có nhu cầu xây nhà không? Sự kiện truyền chức cho anh Hồ Hữu Hòa trên truyền thông Công giáo

11:41 21/02/2023

Tựa bài viết này không liên quan tới nội dung tôi sẽ trình bày, nhưng tôi hỏi bạn đọc như vậy là vì mấy hôm nay tôi thu nhận được một lượng kha khá ‘gạch đá’ từ nhiều nơi, chắc cũng đủ để xây được mấy căn biệt thự. Đa phần gạch đá được vận chuyển âm thầm tới vì nhiều người không muốn trực tiếp ship hàng. Ai muốn chia sẻ thì xin chủ động liên hệ nhé, vật liệu xây dựng được tập kết nhiều rồi mà không có chỗ tiêu thụ.

Đi vào nội dung chính của bài viết ngày hôm nay: Có một điều khiến tôi đâm hoài nghi việc mình đang làm, tức là viết những bài trình bày nhận định quan điểm của cá nhân trước các vấn đề nóng của Giáo hội.

Điều làm tôi đắn đo ấy là một số anh chị em thay vì tập trung vào nội dung sự việc thì lại quay ra chất vấn những người trình bày quan điểm của họ về nội dung sự việc ấy. Căng hơn nữa, các anh chị em này trích dẫn lấy những câu Lời Chúa để làm chứng cớ hùng hồn cho mình. Mà Lời Chúa thì tôi nào dám làm trái ngược lại, thành ra họ khiến tôi đâm lo.

Ví dụ, một người em nói: ‘Lúa và cỏ lùng ở đâu cũng có. Cuộc đời có người tốt người xấu. Kệ đi anh.’

Có một chị hỏi tôi: ‘Chúa dạy mình yêu thương, đón nhận và cầu nguyện cho kẻ thù, mà sao thầy lại cứ đi bới móc chuyện chẳng hay này để mang tiếng cho Giáo Hội?’

Một anh khác lấy dụ ngôn Người cha nhân hậu để bắt bẻ: ‘Hồ Hữu Hòa chính là người em út trong gia đình, nay trở về nhưng bị mọi người nhất quyết không đón nhận!

Một bác khác thì nói: ‘Chúa của mình chậm giận, và giàu tình thương. Thầy cứ để mọi việc cho các đấng lo.’

Có người lại đấm ngực như thể làm gương: ‘Tôi là ai mà dám kết án anh em tôi. Ai cảm thấy mình vô tội thì hãy ném đá trước đi.’

Lạy Chúa tôi, còn nhiều câu Lời Chúa nữa mà họ trưng dẫn làm tôi bàng hoàng. Liệu có phải như thế không, liệu có phải việc tôi đang làm là ‘kết án’ người khác, là đi ngược lại giới răn yêu thương của thầy Giê-su?

Thú thật tôi cũng không phải là chuyên viên về Kinh Thánh vì dù có học được một thời gian nhưng kiến thức thì như muối bỏ bể. Tôi không biết phải trả lời làm sao cho họ ‘tâm phục khẩu phục.’ Thôi thì ở đây chỉ dám lan man vài dòng về hai điều tôi suy nghĩ và muốn chia sẻ. Xin nói lại, đây đơn thuần là những suy nghĩ cá nhân mà thôi.

1. Trích dẫn Lời Chúa để bảo vệ quan điểm của mình thì ma quỷ cũng làm được, có khi còn làm chuyên nghiệp là đằng khác. chẳng hạn, trong sa mạc, quỷ ba hết lần này đến lần khác lôi Lời Chúa ra mà thuyết phục thầy Giê-su làm theo ý của nó.

Vấn đề xảy ra khi người ta trích dẫn sai bối cảnh để làm lợi cho mình. Ví dụ, có một thời người da trắng dùng Kinh Thánh để biện minh cho chế độ nô lệ chẳng hạn. Vì thế mà Lời Chúa cần phải được áp dụng đúng theo bối cảnh và phù hợp nếu không thì cứ có cái gì đó sai sai nơi người tiếp nhận.

Liên quan tới vụ việc đang được nhiều người quan tâm. Khi nói đến tội, người ta thường hiểu hạn hẹp theo nghĩa của ‘tội cá nhân,’ là lời nói, việc làm hoặc ước muốn trái với luật Chúa dạy, là xúc phạm đến Chúa, làm hại chính mình và người.’ Tôi không có trách nhiệm trên tội của người khác vì ai làm người ấy chịu và đúng là: tôi là ai mà dám kết án anh em tôi?

Nhưng tội còn được hiểu theo nghĩa hệ thống, hoặc xã hội. Không ai sống riêng lẻ một mình như ốc đảo nhưng còn sống với tha nhân và gánh trên vai trách nhiệm cộng đồng.

Những người biết sai nhưng cố tình làm thì vấn đề nó khác rồi, đó không còn tội cá nhân nữa mà là tội hệ thống. Tội hệ thống còn gọi là tội xã hội chà đạp lên sự công bằng phải có trong các mối quan hệ giữa các cá nhân với nhau, giữa cá nhân với cộng đồng và giữa cộng đồng với cá nhân.

Nếu tôi hiểu không sai thì chúng ta được không bao giờ phép đề cập đến tội cá nhân vì đã là con người thì không ai hoàn hảo, ai cũng cũng mang trên mình yếu đuối của phận người.

Nhưng đứng trước tội hệ thống thì lại là một bối cảnh khác rồi.

Không thể lấy lời của Chúa Giê-su nói trong bối cảnh tội cá nhân khi ngài tha tội cho những con người hối cải mà áp vào tội hệ thống. Nếu cố tình áp đặt Lời Chúa như vậy, thì sẽ giải thích ra sao khi Chúa giê-su nói ‘những lời chói tai’ với những người Phariseu, người thu thuế, biệt phái.

Ngài không ghét bỏ gì họ nhưng ngài nói lên nỗi lòng của mình trước những hệ thống làm tổn hại tới phẩm giá con người. Ngài gọi họ là ‘mồ mả tôi vôi, men Pharisiêu. Thậm chí, ngài chẳng giữ ý giữ tứ gì theo kiểu người đời hay sợ mất lòng người khác, mà nói thẳng: Họ nói mà không làm!

Nếu tôi có nói sai thì xin đừng nói tôi ‘lạc giáo’, có chăng là tôi hiểu Kinh Thánh chưa đúng thôi! Dù sao tôi cũng là sinh viên, cần học hỏi và trau dồi thêm.

Tôi hiểu như vậy nên thấy yên tâm phần nào về công việc viết lách của mình.

2. Giáo Hội Công Giáo đã và đang phải cái giá rất đắt vì trong quá khứ đã chọn thái độ im lặng mà bao che cho những sai phạm. Đặc biệt là những vụ lạm dụng tình dục trẻ em đến nỗi Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ II phải khóc và xin lỗi thế giới, các hội đồng giám mục nhiều nơi năm nào cũng dành ra một ngày sám hối, xin lỗi trước các nạn nhân.

Bài học nhãn tiền còn đó khi mà niềm tin đã bị sứt mẻ không ít thì nhiều. Tôi cầu nguyện và mong giáo hội Việt Nam không đi vào vết xe đổ của sự im lặng, bưng bít. Chỉ có sự thật mới giải thoát chúng ta!

Đấy là những điều ưu tư trăn trở trong đầu tôi suốt mấy ngày hôm nay. Thế thì việc lên tiếng xin minh bạch theo tôi hiểu không phải là việc ‘ném đá, phê phán, chỉ trích cá nhân.’ Vài lời minh định để quí vị hiểu rõ!

Cuối cùng, xin gửi tặng ai kiên nhẫn đọc đến đây bức tranh Chúa Giê-su chụp ảnh selfie trong bữa tiệc ly. Bức tranh này không rõ tác giả. Có người nói là bức tranh này được tạo ra bởi Ai. Cư dân mạng khắp nơi lan truyền bức ảnh này trong thời gian qua. Họ thích một Chúa giê-su gần gũi với cuộc đời họ, lăn lộn trong đời và cũng rất chịu chơi. Đây là nét rất ‘người’ của một vị Thiên Chúa nhập thể. Ngài vui với người vui, buồn với người buồn. Ngài có cái nét khác xa với các nhà hiền triết phương đông mà người ta hay tưởng tượng ra, chỉ biết im lặng, không bày tỏ tình cảm, thái độ, chính kiến trước mọi sự và cho rằng mình là kẻ khôn ngoan. Có thể có những vị thánh hiền như vậy thật, nhưng tôi nghĩ là không có nhiều và không phải cứ ai im lặng là auto mình ngon. Tôi thì thích Giê-su gần gũi với đời thường, không bị vướng víu vì phải giữ thể diện này nọ. Cứ sống thật như Giê-su là đỡ mệt.

#sựkiệnanh3h


Nguồn: Duc Trung Vu Cssr

 

Bạn có thể quan tâm

Bị ung thư, cô gái trẻ gắng hết sức lực để làm đám cưới trước khi qua đời

Cô Heather Mosher bị ung thư vú nặng, trong một sức bật cuối cùng, cô tìm hết sức lực để lấy người mình yêu và đã tắt thở mười tám giờ sau đó. Hôn lễ cử hành vài ngày trước ngày lễ Giáng Sinh ở nhà nguyện của bệnh viện Phanxicô thành phố Hartford (tiểu bang Connecticut), nước Mỹ.

lên đầu trang