Tắt Quảng Cáo [X]

Bị rớt máy bay, phi công sống sót 36 ngày trong rừng Amazon nhờ cầu nguyện

10:06 18/06/2022

“Ngày 6 tháng 3, trên đường băng của sân bay Santarém, tôi ôm lần cuối anh trai và em gái tôi.” Tháng 1 năm ngoái, Antonio Sena, phi công người Brazil 36 tuổi, đã bay qua một trong những khu vực xa xôi nhất của Amazon khi máy bay của anh bị hỏng. Anh kể câu chuyện cơ cực của anh cho báo Pèlerin:

Brazil là đất nước rộng lớn. Nguồn gốc gia đình của anh ở đâu?

Antonio Sena: Tôi lớn lên ở Santarém, một thị trấn nhỏ ở miền bắc Brazil. Bà ngoại của tôi đến từ Bồ Đào Nha, ông nội của tôi là một “quilombola”, hậu duệ của một nô lệ. Ông nội của tôi là một “seringueiro”: người cạo mủ cây cao su. Cha tôi là nhà thiết kế, mẹ tôi điều hành một trường dạy bơi nhỏ. Gia đình tôi không giàu, nhưng tuổi thơ của tôi hạnh phúc. Với anh trai Toninho và em gái Mariana, chúng tôi rất thân thiết với nhau, dù chúng tôi rất ngốc nghếch. Có lẽ tôi là em bé mà bây giờ người ta gọi là đứa bé hiếu động (cười).

Anh luôn muốn bay?

Đầu tiên tôi học ba năm đại học trước khi chọn con đường này. Cha tôi hay nói với tôi: “Làm cái gì con cũng phải hạnh phúc trong việc con làm, khi đó con sẽ tự nhiên giỏi trong lãnh vực này.” Cha tôi có lý. Khi còn nhỏ, tôi muốn biết lý do tại sao của mọi thứ. Là phi công, tính cầu toàn này cho phép tôi nhanh chóng leo lên cấp bậc. Tôi có nhiều lỗi, nhưng tôi là người vô địch trong các thủ tục! Và tính chặt chẽ này đã cứu tôi trong những ngày gặp nạn.

Sống sót 36 ngày trong rừng Amazon sau khi máy bay bốc cháy - Báo Người lao động
Bằng cách nào?

Các phi công tiếp tế cho các thợ đãi vàng trong rừng thường coi thường vấn đề an toàn. Tôi chấp nhận công việc tiếp tế này nhưng tôi luôn mang theo bộ đồ nghề không bao giờ rời: hai bật lửa, một con dao, một đèn pin, nước uống. Khi động cơ chiếc Cessna của tôi bị hư, tôi cố gắng đáp xuống ngọn cây cọ aca để làm dịu cú sốc. Thật kỳ diệu, tôi ra khỏi máy bay mà không gãy xương. Và tôi kịp lấy khỏi cabin 12 cái bánh, sợi dây thừng và túi vải trước khi máy bay phát nổ. Là phi công, tôi đã tham gia khóa học sinh tồn trong rừng và tôi biết tôi sẽ cần nước, lửa và một thứ gì đó để làm nơi trú ẩn.

Mỗi ngày, anh phải có những lựa chọn quan trọng. Sinh tồn cũng là một cuộc phiêu lưu trí tuệ?

Đúng vậy. Phải liên tục phân tích tình hình: bằng mọi giá phải đi tới hay không? Nghỉ ngơi để tiết kiệm sức lực? Tôi cách nơi có người ở 120 cây số và tôi biết tôi sẽ có nhiều dịp gặp người khác khi đi theo con sông này (anh mở điện thoại ra xem, anh đã tải trước khi cất cánh). Vì không có la bàn nên tôi đi bộ về phía đông, lấy mặt trời đối chiếu. Tôi không săn nữa: tôi không có vũ khí hay kỹ năng nào để có thể săn. Tôi quan sát mấy con khỉ và cố gắng tìm những quả giống chúng ăn.

Anh có sợ chết mỗi ngày không?

Có, nhưng tôi có thể chế ngự được. Trong thử thách này, tôi nhận thấy chỉ có ngày hôm nay là ngày thuộc về tôi. Có thể tôi sẽ chết ngày mai hay trong 30 năm nữa, không ai biết được. Vì vậy tôi phải nhận ra ngay tôi phải làm gì. Ngày đẹp trời, tôi đi bộ được 5 giờ. Ngày xấu và khi có nhiều trở ngại, tôi chỉ đi bộ được 2 giờ. Sau đó, tôi nhận ra trong 36 ngày đi bộ, tôi chỉ đi được 27 cây số theo đường chim bay! Nó có vẻ vô lý. Nhưng trong rừng rậm nhiệt đới, thời gian quan trọng chứ không phải khoảng cách. Ngay cả khi mình tiến tới một cách khó khăn, mình cũng phải bắt đầu lại. Mỗi phút.

Cuộc phiêu lưu của anh làm nhớ đến cuộc phiêu lưu của phi công Henri Guillaumet (1902-1940), của ngành thư tín Aéropostale, ông bị rớt máy bay ở dãy núi Andes. Nếu không có ý chí mãnh liệt tìm vợ, ông sẽ đầu hàng, ông viết…

Tôi cũng vậy, tôi muốn tìm lại người thân của tôi. Mối quan hệ gia đình là sợi dây tình cảm bền chặt nhất trong suốt cuộc đời chúng ta. Tôi đói, ướt đẫm, kiệt sức… Và chính tình yêu này đã giúp tôi tiếp tục. Tưởng tượng, trong 36 ngày không nhìn khuôn mặt người thân yêu, không nghe giọng nói không phải của mình! Để giữ vững tinh thần, tôi kể cho tôi nghe những câu chuyện vui. Tôi thách thức lũ khỉ nhện: “Để cho tôi một chút lãnh thổ của bạn để tôi ngủ!” Sau 15 ngày, tôi còn đến gần được mấy con sóc rừng, lợn rừng mà không làm chúng sợ. Mùi của tôi đã thành mùi của động vật rừng.

Anh cũng chất vấn Chúa trong những ngày khó khăn này…

Tôi nói với Chúa: “Chúa ơi, con không muốn phàn nàn, con còn sống nhưng con đói quá! Xin cho con tìm ra một quả ca-cao, một quả trứng chim, bất cứ thứ gì!” có lần tôi phải đi bộ 3 ngày mà không có gì để nuốt.

Cuộc chiến sinh tồn trong rừng của phi công sau 38 ngày máy bay bốc cháy | Báo Dân trí

Anh viết: “Điều làm cho tôi tiếp tục là tôi tìm lại đức tin.” Anh đã mất đức tin?

Làm thế nào để nói? Cha mẹ tôi là người công giáo, sau đó cha mẹ tôi vào Giáo hội tin lành khi tôi 8 tuổi. Ở nhà, chúng tôi cầu nguyện vào giờ ăn và trước khi đi ngủ, nhưng giống như nhiều người Brazil, chúng tôi làm một cách tự động. Tôi đã tin vào Chúa trong một thời gian rất dài. Cho đến khi cha tôi nhập viện và phải vào phòng chăm sóc đặc biệt ở Santarém. Trong bốn mươi tám giờ, tôi cầu xin Chúa, “Xin cho con thì giờ để con gặp cha con, xin cho con kịp chia tay cha con.” Nhưng cha tôi mất mà không có tôi… Tôi mới 19 tuổi. Tôi đã mất đức tin. Tôi luôn được dạy: “Nếu mình cầu nguyện hết sức hết lòng, Chúa sẽ nhậm lời mình. Và mọi thứ đã sụp đổ. Tôi không còn tin Chúa có thể có bất kỳ ảnh hưởng nào đến cuộc đời tôi. Cho đến lúc tôi ghi lại video-di chúc của tôi.

Có nghĩa là?

Vào ngày thứ năm, chiếc máy bay cứu hộ bay qua nơi tôi gặp nạn nhưng họ không thấy tôi. Tôi hiểu họ sẽ không quay lại nữa và ngày hôm sau, lần đầu tiên tôi cố gắng vào rừng. Nó không thể vượt qua được đến nỗi tôi phải tuyệt vọng quay lại với đống đổ nát của chiếc máy bay. Với một người lý trí như tôi, rõ ràng là tôi không còn cơ hội nào. Với điện thoại di động, tôi quay một đoạn video cho gia đình.

Tôi vô cùng xúc động (im lặng). Và đột nhiên, tôi như đang nói chuyện với Chúa giống như khi còn nhỏ: “Chúa ơi, từ đây đến ba, bốn tuần nữa con sẽ chết đói. Con không muốn trải qua thử thách này. Nếu đó là định mệnh của con, xin Chúa gởi cho con một con báo đốm! Con sẽ không chiến đấu nữa.” Ở Brazil, người ta nói, “hy vọng là điều cuối cùng trước khi chết.” Nhưng khi hy vọng tắt dần, trái tim quá hãi sợ và quá hận thù đến nỗi chỉ muốn ngừng sống. Ở hố vực thẳm tâm linh, lúc đó tôi nghĩ về gia đình: “Tôi sẽ không bao giờ ngồi chung bàn với họ nữa. Tôi sẽ không bao giờ nói chuyện với mẹ tôi nữa”. Và từ trái tim nặng trĩu của tôi đột nhiên xuất hiện một hình thức cầu nguyện. Một tình yêu đã biến đổi tôi và tôi lên đường lại.

Người khác, trong hoàn cảnh tương tự, đã có thể nguyền rủa Chúa…

Ngày đó, tôi thực sự hiểu được sức mạnh của đức tin. Chỉ riêng sức mạnh thể chất và tinh thần của tôi, sẽ không đủ để cứu tôi. Đã bao lần tôi khóc một mình giữa rừng? (giọng anh đứt quãng). “Chúa ơi, con không thể chịu thêm được nữa. Con sẽ không làm được. Và tôi nghe một giọng nói nói với tôi: “Nhưng con không muốn gặp gia đình con sao?” Và tôi nói, “Có, con mong gặp.” Và giọng nói đó nói với tôi, “Hãy đi theo con đường đó.” Ngay lúc đó, tâm hồn tôi cảm thấy bình an tuyệt đối. Giống như có một lực từ bên ngoài… Tôi tin chắc, tôi được che chở bởi lời cầu nguyện của mọi người thuộc mọi tôn giáo, những người khi nghe tin tôi mất tích đã cầu nguyện cho tôi. Đó là khu rừng, là hoàn cảnh đáng sợ. Và tôi tự nhủ: “Mình phải đi bộ, vậy thì đi. Cho đến ngày thứ 36, khi đã kiệt sức thì tôi gặp trại của những người đi hái hạt ở Brazil.

“Dona Maria Jorge là linh hồn của nhóm người nhặt hạt đã gặp tôi. Bà chăm sóc tôi như con của bà. Tôi gọi cho bà gần như mỗi ngày.”

Anh đã học điều thiết yếu gì ở rừng?

Rừng làm cho tôi nhận thức, chúng ta không chỉ là thể xác và tinh thần, nhưng chúng ta còn có tâm hồn và phải chăm sóc nó. Rừng nhiệt đới Amazon cũng vậy, là một sinh vật sống mà chúng ta phải chăm sóc. Tôi tức giận vì sự cướp bóc tài nguyên này. Kể từ bây giờ, nhiệm vụ của tôi là làm cho câu chuyện của tôi được nhiều người biết đến để bảo vệ rừng. Mặc dù tôi yêu thích công việc phi công, nhưng mục tiêu đốt cháy trái tim tôi hôm nay là tôi phải làm chứng.

Anh sẽ ở đâu ngày 28 tháng 1, ngày kỷ niệm bạn bị tai nạn?

Có lẽ là ở Santarém, quê hương của tôi. Với gia đình, những người mà tôi đã hy sinh rất nhiều.

___________________________

Thế giới của Antonio Sena:

Áo thun

Bẩn, vụn… Chiếc áo phông có hình Thánh Tâm Chúa Giêsu này đã đi theo tôi trong suốt cuộc phiêu lưu. Nhìn lại, tôi thấy một dấu hiệu ở đó. Anh trai tôi và tôi đã xâm cùng hình này trên cánh tay sau khi chúng tôi gặp nhau. Tôi cũng mang theo chiếc áo sơ-mi thấm đẫm dầu sau vụ rớt máy bay, tôi đã dùng nó làm mồi lửa. Mỗi ngày tôi xé một mảnh.

Thắt lưng Càng ngày tôi càng mất ký, tôi đục một lỗ mới. Cuối cùng tôi phải mặc chiếc quần đùi bên trong vì quần dài bị tuột… Tổng cộng tôi mất 27 kí lô. Cứ phải ăn trái cây, tôi không còn nhớ nhai như thế nào! Bữa ăn đầu tiên của tôi, hàm tôi không nghe lời tôi nữa.

Đôi giày Tôi giữ kỹ vì tôi biết nếu tôi bị thương ở chân, tôi không thể đi được, tôi sẽ chết.

Con dao Một dụng cụ thiết yếu dùng vào đủ việc… ngoại trừ làm vũ khí! Không có dụng cụ nào, tôi dùng cây gậy lớn đập vào thân cây để gây tiếng ồn xua đuổi rắn và các loài động vật khác.

Hãy sống cho đến cùng, Rester vivant jusqu’au bout, Antonio Sena, Nxb. X.O.


Nguồn: Phanxico

 

 

Bạn có thể quan tâm

Chay tịnh internet

Thế giới chúng ta đang sống hôm nay, kể cả trong tôn giáo lẫn đời sống tu trì, được bao trùm bởi thế giới công nghệ kỹ thuật số. Thế giới công nghệ kỹ...

lên đầu trang