Thích tiệc tùng, mỗi thứ tư hàng tuần, chàng trai trẻ Marek tung hoành trên sàn nhảy trong hộp đêm của khu phố. Một ngày nọ, khi đang tình nguyện giúp một khóa tĩnh tâm dành cho người khuyết tật, Marek hiểu mình muốn dâng mình cho Chúa.
33 tuổi Marek ngồi xe lăn… Câu chuyện của anh
Khi còn là học sinh trung học, Marek Balwas là vua sàn nhảy. Anh không hình dung được anh có thể vắng mặt một tuần trên sàn nhảy, mỗi tuần một lần, ít nhất anh phải nhảy cho đến sáng sớm. Tuy nhiên, chính lúc này là lúc lần đầu tiên ý nghĩ trở thành linh mục đến trong đầu anh. Một thời gian sau, tháng 7 năm 1985, Marek đến tu viện Lichen (miền tây Ba Lan) làm việc để có tiền túi. Tại đây, anh gặp một nhóm người khuyết tật đang dự khóa tĩnh tâm mùa hè. Anh nói với trang Aleteia: “Họ được các linh mục và giáo dân chăm sóc. Nhìn họ, tôi tự nhủ mình cũng muốn chăm sóc người bệnh theo cách này, nhưng muốn làm được như vậy, tôi phải là linh mục. Đó là lúc ý tưởng đầu tiên về ơn gọi linh mục nảy ra trong đầu tôi.”
Cú bật thiêng liêng Sáu năm sau, Marek vào chủng viện. Vào đầu năm học, một trong các bạn đề nghị anh tham gia các cuộc họp với người khuyết tật. Không do dự, chàng chủng sinh trẻ chấp nhận ngay. Cha Marek kể: “Các cuộc gặp hàng tháng của chúng tôi bắt đầu với thánh lễ, sau đó đơn giản chúng tôi có thời gian vui vẻ bên nhau: người khỏe mạnh và người bệnh. Mùa hè năm sau, tôi cùng cả nhóm đi tĩnh tâm. Có 25 người ngồi xe lăn và nhiều tình nguyện viên. Chúng tôi ở bên cạnh họ ngày đêm. Chúng tôi mặc quần áo, tắm rửa cho họ, đưa họ đi ăn, cho họ ăn, đi dạo, đi xuống cầu thang, đi cầu nguyện… chúng tôi nói chuyện với họ về cuộc sống, về đau khổ, về cái chết. Đó là những giây phút đẹp, tôi rất vui khi được sống hữu ích. Những vấn đề nhỏ nhặt của tôi không còn quan trọng nữa.”
Nhưng Marek rất đau lòng khi chứng kiến các bạn khuyết tật của mình đau khổ. Cha thú nhận: “Đã có một thời gian tôi khó khăn khi nghĩ làm sao Chúa lại để có quá nhiều đau khổ, đau đớn, buồn bã như thế xảy ra. Câu trả lời từ chính họ: họ trân trọng từng khoảnh khắc của cuộc sống, từng cử chỉ tử tế đối với họ. Họ là những người đã dạy tôi cầu nguyện, tin tưởng vào Chúa.”
Tai nạn
Marek chịu chức năm 1998. Rồi tháng 2 năm 2003, một ngày bi thảm đến với Marek. Vị linh mục trẻ bị gãy xương sống trong một tai nạn xe hơi khủng khiếp. Tại bệnh viện, khi biết mình sẽ không còn đi lại được nữa, nghịch lý thay, Marek lại không sốc lắm. Có lẽ, chính xác, vì cha đã tiếp xúc với những người ngồi xe lăn: “Tôi tự nhủ: khó đấy, nhưng cũng xong rồi. Chúa có một kế hoạch cho tôi trong tất cả những điều này. Kế hoạch nào? Đừng hỏi tôi vì tôi chưa biết kế hoạch này.”
Tôi tạ ơn Chúa vì Chúa để lại cho tôi đôi bàn tay và cái đầu có thể hoạt động: tôi có thể cử hành thánh lễ, tôi có thể ban các bí tích, tôi có thể giảng.
Cha nhớ lại một trong những điều đầu tiên cha tự nhủ mình lúc đó: “Tôi cám ơn Chúa vì đã để lại cho tôi đôi bàn tay lao động và cái đầu, điều quan trọng nhất với chức linh mục. Tôi có thể cử hành thánh lễ, ban các bí tích, tôi có thể giảng. Và gần đây tôi đã học được từ những người trẻ trong khóa tĩnh tâm tôi hướng dẫn “bạn không thể tự cứu mình bằng đôi chân của mình, mà chỉ bằng trái tim của bạn!”
Cha Marek Balwas – hình của cha cung cấp
Chính xác là như vậy. Cha Marek ngày càng nhận ra đôi chân không phải là điều quan trọng nhất trong cuộc sống. Cha viết trên trang blog của cha: “Điều quan trọng nhất là “trái tim tràn đầy tin tưởng vào kế hoạch cứu rỗi của Chúa dành cho mỗi chúng ta, ngay cả những lúc tan vỡ, nổi loạn và đau đớn.”
Cha Marek sống với tình trạng khuyết tật của mình đã hơn 5 năm. Nếu y học tiến bộ và một ngày nào đó cha có thể đi lại được, nhưng bây giờ cha học sống với chiếc xe lăn. Cha kể: “Buổi sáng, tôi thức dậy với cơn chuột rút ở tất cả bắp thịt. Dù chỉ cảm nhận được 1/5 cơ thể nhưng sáng nay các bắp thịt co rút làm tôi đau nhức dữ dội… Tôi sợ khi mở mắt ra vì sợ mọi thứ đều thực so với hôm trước. Cuối cùng tôi mở mắt ra, tôi phó mình vào vòng tay Chúa. Con cảm tạ Cha vì Cha cho con thêm một ngày sống, nhưng nhiều khi đau đớn vô cùng, con lại nghĩ đến giây phút được về Nhà Cha…”
Ý nghĩa của khuyết tật
Ra khỏi giường không phải là việc dễ dàng với tôi, vì tất cả các cơ co lại và phải được chế ngự trước khi cẩn thận vô cùng để ngồi vào xe lăn một cách an toàn. Sau cuộc chiến này và sau bữa sáng, cha Marek dành một chút thời gian trước máy tính, cửa sổ nhìn ra thế giới của cha. Trong ngày, cha đồng tế với các linh mục khác, cha nói: “Đây là lúc tôi có sức mạnh để vượt qua những khó khăn, sau đó chúng tôi ăn với trưa với nhau. Có nhiều người đến thăm tôi: bạn bè, giới trẻ, linh mục; để nói chuyện, cười đùa với nhau, để nhận được những lời khuyên thiêng liêng và thường thường là để xưng tội.”
Cha Marek cử hành thánh lễ, giải tội và hướng dẫn các khóa tĩnh tâm
Cha Marek Balwas – hình của cha cung cấp
Mỗi ngày cha dành một giờ để phục hồi chức năng, duy trì sức khỏe để cha được tự lập càng nhiều càng tốt. Cha kể tiếp: “Buổi tối là giờ đọc sách, suy niệm, cầu nguyện trước khi đi ngủ để tiếp tục chiến đấu vào ngày hôm sau.” Nhờ sự giúp đỡ của cha xứ, cha Marek tham gia vào đời sống của cộng đoàn. Cha cử hành thánh lễ, giải tội và hướng dẫn các khóa tĩnh tâm Mùa Vọng và Mùa Chay trong giáo phận. Cha cũng tổ chức khóa tĩnh tâm và đi hành hương với người khuyết tật. Nhiều người trẻ đi theo cha khắp nơi.
Dù đau đớn, buồn bã, có khi đau lòng, tôi vẫn mỉm cười và không bỏ cuộc, vì tôi biết Chúa nhìn thấy ý nghĩa đau khổ của tôi.
Khi cầu nguyện, Cha Marek đứng trước Chúa với con người thật của mình, không giả bộ, và thường rơm rớm nước mắt. Cha chia sẻ trong một khóa tĩnh tâm: “Chỉ có Chúa mới biết được nỗi đau và sự đau khổ mà tôi cảm thấy khi mở mắt ra vào buổi sáng và chờ đợi khoảnh khắc ơn phúc khi ngày kết thúc. Tuy nhiên, dù đau, dù buồn, đôi khi chán nản, tôi vẫn mỉm cười. Tôi không bỏ cuộc, vì tôi biết Chúa nhìn thấy ý nghĩa đau khổ của tôi. Từng chút một, tôi khám phá ý nghĩa này, dù nhiều khi tôi nhìn thấy nó một cách mơ hồ như trong một tấm gương.”
Cha Marek tin rằng sẽ có ngày cha hiểu mọi chuyện: “Nếu không đời này thì đời sau.”
Lượt xem: 150